Vùng đất khó sống nhất Đất Mũi đang chuyển mình mạnh mẽ
14:45 - 06/09/2016
Vùng đất "len trâu" Bang Căn thời chỉ để trâu ăn cỏ, đời sống người dân cực khổ đã là quá vãng. Giờ đây, mảnh đất từng khó sống nhất Đất Mũi đang chuyển mình mạnh mẽ, người dân giàu lên trông thấy. Những căn nhà tường khang trang dần đần mọc lên...
Vùng đất Bang Căn này từng được cho là khó sống nhất Đất Mũi

Tuyến đường Quản lộ Phụng Hiệp thông thương đã giúp khoảng cách của vùng đất này cách TP Cà Mau chưa đầy 20 km. Vùng Bang Căn chạy dài ven tuyến sông Phụng Hiệp kéo sâu vào trong thuộc ấp 6, ấp 7 (xã Tân Lộc Đông, huyện Thới Bình, Cà Mau), bộ mặt nông thôn của vùng hiện đứng tốp đầu của Cà Mau.

Ký ức thời gian khó

Lão nông Cao Văn Đời (Hai Đời) là một trong số ít những người khai phá vùng đất này cho biết, sau chiến tranh năm 1975, cả vùng đất rộng lớn này chỉ có 7 nóc nhà. Đến khi chuyển qua kinh tế thị trường thì nâng lên chừng hơn chục hộ. Đất đai bạt ngàn, bà con mặc sức khai phá, mỗi gia đình làm vài chục công nhưng cũng năm đủ, năm đói. Cái "no đầy" của vùng đất này khi đó toàn là năn (cỏ dại), nhìn quanh vùng chỉ toàn năn, 80% đất đai để năn mọc.

Nhấp ly nước trà đặc, trầm tư suy nghĩ giây lát, ông Hai Đời nói với chúng tôi rằng, kỷ niệm nhớ nhất đời là vượt đất, đào ao tìm nước. Vào cao điểm mùa khô hàng năm, mọi ao đầm đều cạn trơ đáy. Để có nước nước sinh hoạt bà con phải đào ao.

“Khó khăn là vậy nhưng bà con sống với nhau tình cảm lắm. Ai có lúa dư cho người thiếu thốn mượn đến vụ mùa năm sau trả. Chuyện ăn, chuyện làm đều có nhau. Đi phát cỏ thì đổi công, đi trà lúa cũng hẹn hò. Có con cá, con rắn ăn cũng í ới anh em, xóm giềng. Cái tình nó làm cho con người ta mạnh mẽ hơn, để có được ngày hôm nay”, ông Hai tâm sự.

Cách đó vài nhà, tuổi niên thiếu của chú Phạm Công Vĩnh (Bảy Vĩnh) chủ yếu gắn liền với lưng trâu. Nửa buổi đi tìm con chữ, còn lại phần lớn thời gian ông dầm mưa dãi nắng với cánh đồng. Chính cái bạt ngàn của cánh đồng giúp cho những mục đồng nhàn nhã hơn. Đưa trâu ra giữa đồng thả, không cần phải coi. Một hai ba cả đám bạn chú Bảy nhảy ùm xuống lung trũng hết mò cua, bắt ốc đến nhổ năn nghịch phá.

Chú Bảy Vĩnh nhờ trúng tôm đã cất được nhà tường khang trang từ lâu

Thời gian cứ dần trôi qua đến khoảng đầu những năm 90, vẫn chưa có nhiều chuyển biến. Rồi chính quyền cho xẻ những con kênh nội đồng ngang qua vùng Bang Căn. Xong kênh Tân Phong, nước mặn tràn về đồng “cuốn phăng” những ruộng đồng lúa đang lúc trổ bông. Người dân kêu trời không thấu vì cuộc sống vốn đã khó nay còn chồng chất hơn.

Sau đó, chính quyền tiếp tục cho thi công đường kênh C4 qua giữa rộng đồng của bà con. Người dân phản ứng dữ dội, con kênh đi ngang qua vùng đất họ khai phá bấy lâu, không sinh lợi đã đành còn tàn phá dân nghèo. Những cuộc tranh chấp đã xảy ra, chính quyền địa phương phải ra sức can ngăn, thuyết phục mới hoàn thành.

 

Cú hích nuôi tôm

Các tuyến kênh trên đã trực tiếp dẫn nước mặn từ cửa ngõ Giá Rai về làng, lúa chỗ năng suất giảm, chỗ không cho thu hoạch. Những con người dày công một thời khai phá vùng đất này đâu chịu thua, bà con đã năng động chuyển đổi sang nuôi tôm. Lão nông Bảy Vĩnh tự hào là một trong những người đi đầu.

Để thực hiện chuyển đổi nuôi tôm phải đào mương máng, tất cả đều phải làm thủ công. Thế là ngày qua ngày, chú Bảy vượt đất lên bờ bao. Lúc đầu, cũng không dám chắc vùng mình nuôi tôm được, chú chỉ cắt một phần diện tích đất 32 công của gia đình làm thử.

“Gia đình tôi thả trên diện tích 8 công, mới đầu không thấy con tôm nào. Sau hơn 2 tháng, mua dây thuốc cá về thuốc để thả lại vụ nữa coi sao. Ai ngờ đặt vài cái lú chặn miệng cống để xổ bỏ nước, tôm nhiều khiếp luôn. Vùng đất mới nuôi tôm, trúng mê hồn con ơi! Bà con mình hồi đó có kỹ thuật gì đâu. Cứ thả đại xuống mà đổ tôm bể đuôi lú luôn”, chú Bảy hào hứng kể.

Con tôm hồi đó giá trị khá lớn, 1kg tôm giá 60.000 - 70.000 đồng, bằng hơn 3 giạ lúa. Vàng có 420.000 đồng/chỉ, vậy mà vụ đầu nuôi tôm ông thu được hơn 35 triệu đồng. Tính ra giá trị bằng hơn 2ha đất trồng lúa.

Gia đình ông mua heo về cúng, mời hết bà con trong xóm lại cùng ăn mừng. Những tràng pháo dây rộn rã xóm làng, như làm lan tỏa thành công của ông ra khắp vùng. Thế là bà con cũng ồ ạt làm theo. Thời gian đó vào năm 1996, đất đai bỏ hoang trong vùng vẫn còn nên bà con chia nhau, mạnh ai người đó cắm mốc đưa nước mặn vào nuôi tôm. Năm sau cả làng trúng lớn.

Cũng từ con tôm mà bộ mặt vùng đất Bang Căn lột xác hoàn toàn

Theo nguồn cảm xúc, chú Bảy tiếp câu chuyện làm giàu: Tới nước xổ tôm, anh em chúng tui lại xúm lại với nhau nhậu lai rai, tối đưa xuồng đi đổ lú. Ham dữ lắm! Nhiều ngày mới chập tối mà lú đã chật cứng rồi. Đổ lú đâu có đổ bằng xô như bây giờ mà đổ bằng bao. Ướp tôm đâu có dùng thùng đá mà đổ vào khạp, vào lu. Nhiều gia đình trúng quá thì đổ vào tấm áo mưa, đập nước đá vào cuốn lại để đó sáng bán luôn. Có hộ thu được trên 200kg tôm một đêm. Hết gia đình này lại đến gia đình kia nối tiếp nhau ăn mừng.

Nối tiếp vào câu chuyện vui, anh Phan Hoàng Anh (trưởng ấp 7) tiếp lời: Hồi đó tui mới hơn 10 tuổi nhưng nhớ được hết. Ngày nào cũng có nhà giết heo ăn mừng. Pháo nổ ran trời. Mấy thằng nhóc như chúng tôi ăn ngán tới cổ nhưng chẳng nhà nào thiếu mặt cả. Cái thú của tụi tui khi đó là đợi đốt pháo ăn mừng xong, lượm những tép pháo còn sót lại đốt nghịch phá thôi. Vui dữ lắm! Hồi đó nhà tôi làm chỉ có 14 công đất nhưng có bữa thu trên 100kg tôm sú, con nào con đó cành cành không à!

Cũng từ đó, người dân vùng đất này giàu lên trông thấy. Đến những năm 2000 những căn nhà tường khang trang dần mọc lên. Tuy hiện nay nuôi tôm không còn được “bể lú” như trước đây nữa, nhưng con tôm sú vẫn là chỗ dựa kinh tế hết sức vững chắc của bà con.

Ông Trần Chí Cường, Chủ tịch UBND xã Tân Lộc Đông, cho biết, trong khó khăn bà con xứ mình đã cùng chung sức vượt qua. Bằng chính sự cần cù, chịu khó và dám làm người dân đã cùng nhau làm giàu và góp phần mang lại diện mạo mới cho quê hương. Hiện nay, thu nhập của bà con trong xã ước đạt trên 31 triệu đồng/người/năm. Năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 1,3%. Xã đang phấn đấu xóa nghèo trong thời gian tới.

Trần Hiếu
Nguồn: NNVN
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo