Bắc Giang: Hiệu quả từ việc tận dụng phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn chăn nuôi
18:29 - 27/09/2016
(TNNN) - Thời gian qua, mỗi năm, nước ta vẫn đang phải bỏ ra hàng tỷ USD để nhập khẩu thức ăn cho gia súc và làm nguyên liệu. Chỉ tính riêng trong những tháng đầu năm 2016, kim ngạch nhập khẩu mặt hàng thức ăn chăn nuôi đã vượt ngưỡng 1,9 tỷ USD.
Giảm dần sự phụ thuộc vào cám công nghiệp, nông dân vừa tiết kiệm được chi phí vừa tạo nguồn thực phẩm an toàn


Con số này được dự báo sẽ còn tăng mạnh trong những tháng cuối năm, thời điểm các chủ trang trại chăn nuôi đẩy mạnh việc tăng đàn để bán ra trong dịp Tết Nguyên đán. Vấn đề được đặt ra là vì sao đối với nước ta, một quốc gia có tới hơn 60% dân số sống bằng nông nghiệp nhưng năm nào cũng phải bỏ ra rất nhiều ngoại tệ để nhập khẩu đậu nành, ngô, nguyên liệu về làm thức ăn chăn nuôi.


 
Thêm vào đó, vấn đề giá thành phẩm của gia súc, gia cầm trên thị trường những năm qua không ổn định; trong khi đó, giá thức ăn công nghiệp lại luôn tăng cao, trở thành gánh nặng đè thêm trên đôi vai người nông dân. Do đó, làm thế nào để giảm thiểu được chi phí đầu vào của ngành chăn nuôi đang là vấn đề mà rất nhiều hộ nông dân quan tâm. Một số hộ nông dân đã mạnh dạn và tích cực áp dụng biện pháp dùng phụ phẩm trồng trọt làm thức ăn chăn nuôi, bước đầu đem lại hiệu quả cao.
 

Một xu hướng mới mà hiện nay đang người nông dân nhiều nơi quan tâm, đó là việc tận dụng các phụ phẩm trong nông nghiệp để tự sản xuất thành thức ăn chăn nuôi như: Cám, ngô, đậu tương, bã cá khô, rơm rạ… Nếu áp dụng được cách làm này thành công, người nông dân sẽ tiết kiệm được rất nhiều chi phí, nhờ đó thu lợi nhuận cũng sẽ cao hơn.

 
Thực tế cho thấy, tiềm năng để tận dụng, tái tạo các phụ phẩm từ trồng trọt là rất lớn vì trong quá trình sản xuất nông nghiệp hay chế biến nông sản, bên cạnh những sản phẩm chính còn có rất nhiều sản phẩm phụ khác. Chẳng hạn như: Đối với cây lúa, ngoài hạt lúa thu hoạch được thì còn có rơm, gốc rạ; khi xay lúa thì ngoài gạo còn có tấm, cám, trấu; với cây ngô có thân, lá…


 
Từ trước đến nay, phần lớn số phụ phẩm này vẫn đang được người nông dân sử dụng theo cách hết sức thủ công, ở dạng thô, chẳng hạn như: Thân cây ngô, lá cà rốt được dùng cho trâu, bò ăn trực tiếp; cám gạo được nấu thêm trong thức ăn cho bò, lợn...; một số hộ chăn nuôi lợn còn tận dụng nguồn bã rượu, bã đậu nành để nấu thành cám vì cám và tấm từ lâu đã được dùng để chế biến thức ăn chăn nuôi. Tuy nhiên, nếu áp dụng được các biện pháp kỹ thuật trong việc xử lý, chế biến thì phụ phẩm trồng trọt có thể đem lại hiệu quả dinh dưỡng và giá trị kinh tế cao hơn nhiều lần.

 
Có thể thấy, việc tận dụng phụ phẩm là phương pháp xoay vòng năng lượng hiệu quả, rất phù hợp với các mô hình sản xuất nông hộ còn nhỏ lẻ nhưng muốn tiết kiệm được chi phí, chủ động nguồn thức ăn chăn nuôi, giảm dần sự phụ thuộc vào cám công nghiệp. Quan trọng hơn nữa, với phương pháp này, các hộ chăn nuôi có thể tạo ra một nguồn thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng, hướng tới việc bảo vệ môi trường.


 
Đối với tỉnh Bắc Giang, nhằm khai thác nguồn nguyên liệu tại chỗ phục vụ cho chăn nuôi, ngành chức năng cũng như chính quyền các địa phương thời gian qua đã có khá nhiều biện pháp để khuyến khích việc chế biến, sản xuất cám an toàn. Ở huyện Yên Thế, Sở Nông nghiệp & PTNT phối hợp với Sở KH & CN, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội thực hiện dự án sản xuất thức ăn chăn nuôi từ phụ phẩm nông nghiệp cho gà. Theo đó, hơn 1 nghìn con gà ri lai khi cho ăn cám phối trộn từ phụ phẩm nông nghiệp cho thấy quá trình phát triển rất tốt.


 
Hay như tại huyện Tân Yên, Hội Chăn nuôi lợn sạch của huyện cũng rất quan tâm tới việc tập huấn, hướng dẫn hội viên kỹ thuật sản xuất cám từ phụ phẩm nông nghiệp. Theo các hộ nuôi, nhờ người nuôi tận dụng được nguồn nguyên liệu ngay tại địa phương như cám gạo, ngô, sắn… có giá thành thấp, đem về nghiền nát rồi trộn thêm cám đậm đặc hoặc bột và muối làm thức ăn cho lợn đã giúp tiết kiệm chi phí. Đây là loại thức ăn tự chế, không phải qua nhiều khâu phân phối nên giá thành giảm hẳn so với cám bao.

 
Một điển hình tại xã Hương Lạc- huyện Lạng Giang là gia đình ông Phan Văn Thiều ở thôn 6 với mô hình chăn nuôi bò thương phẩm, quy mô 40- 50 con/lứa. Để đàn vật nuôi sinh trưởng và phát triển tốt, khi bán sẽ được giá cao, ông đã chăm sóc đàn bò cẩn thận theo đúng quy trình. Đặc biệt, nhờ việc tìm hiểu và biết cách phối trộn thức ăn cho đàn bò từ phụ phẩm nông nghiệp nên đàn vật nuôi của gia đình ông lớn nhanh, béo khỏe, có sức đề kháng tốt.

 

Ông Thiều cho biết, sản xuất ra 1 kg thức ăn chăn nuôi loại này, chi phí khoảng 9.500 đồng, rẻ hơn được 2.000 đồng so với giá cám công nghiệp trên thị trường. Chia sẻ kinh nghiệm của mình, ông Thiều cho biết, nguyên liệu dùng để phối trộn thức ăn chăn nuôi gồm ngô, cám gạo, bã cá, tôm được phơi khô, nghiền nhỏ. Sau đó, đem trộn đều với chế phẩm sinh học đa năng 528 theo tỷ lệ: 60% cám ngô, 20% cám gạo, 10% bã cá hoặc tôm khô và 10% chế phẩm. Đến nay, nhiều hộ trong vùng thấy mô hình của ông hiệu quả nên cũng đang sử dụng loại cám này. Thêm vào đó, sẵn có máy móc trong nhà, ông Thiều còn làm luôn dịch vụ nghiền, trộn đáp ứng nhu cầu của bà con xung quanh.

 

Tuy nhiên, mặc dù thấy được lợi thế từ thức ăn chăn nuôi tự chế mang lại song nhiều hộ sản xuất vẫn gặp những khó khăn nhất định như việc thu mua và bảo quản nguyên liệu, đầu tư máy móc trang thiết bị để sản xuất cám, đầu tư thời gian công sức để làm cám... Đối với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, sẽ rất khó có thể áp dụng việc xây kho bảo quản, thông thường nông dân chỉ có thể bảo quản theo cách truyền thống là phơi khô rồi bỏ vào bồ hoặc túi nylon để cất trữ. Còn đối với những hộ chăn nuôi quy mô lớn hoặc các HTX thì cũng có thể xây kho bảo quản, nhưng việc xây kho bảo quản sẽ rất tốn kém về chi phí nên nếu chăn nuôi ít sẽ gây nên sự lãng phí tiền của.


 
Theo ông Nguyễn Đức Kiên- Giám đốc Sở KH & CN Bắc Giang, hiện nay trên thị trường có nhiều sản phẩm cám công nghiệp được quảng bá rộng rãi với các chương trình khuyến mại hấp dẫn. Tuy nhiên, các loại thức ăn này giá thành cao, có trường hợp hàm lượng chất tăng trọng còn vượt mức cho phép gây ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm cũng như sức khỏe người tiêu dùng. Vì vậy, bà con nông dân nên sử dụng thức ăn cho đàn vật nuôi bằng cách tự chế biến. Khi trộn cám, người chăn nuôi cần nắm vững kỹ thuật, lựa chọn nguyên liệu bảo đảm chất lượng, xác định được nhu cầu tỷ lệ dinh dưỡng với từng loại vật nuôi ở các giai đoạn khác nhau. 

 
Thời gian tới, các ngành chức năng cũng cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, tập huấn đi đôi với việc tạo dựng các mô hình, trang trại kiểu mẫu về vấn đề thu gom, chế biến, sử dụng các phụ phẩm trong chăn nuôi để nông dân học tập. Bước đầu, cần hỗ trợ những hộ sản xuất có biện pháp xử lý, tận dụng triệt để phụ phẩm trồng trọt nhằm tái tạo nguồn năng lượng tại chỗ, hướng tới việc hình thành các mô hình nông nghiệp hữu cơ và một nền nông nghiệp bền vững.

 

Hữu Bằng
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo