Nhà nông liên kết sản xuất
Ông Từ Bá Đạt - Tổ trưởng THT cho biết, ban đầu tổ được Hội ND khởi xướng thành lập vào năm 2004, có 23 thành viên, với 2 loại hình sản xuất là trồng trọt và chăn nuôi. Về sau, nhận thấy phong trào sản xuất lúa giống tại địa phương phát triển mạnh, nhiều hộ vẫn loay hoay tìm đầu ra nên Hội ND và các tổ viên quyết định chuyển sang hoạt động chủ yếu ở lĩnh vực lúa giống.
Theo ông Đặng Vũ Linh – Chủ tịch Hội ND xã Thạnh Mỹ Tây, từ khi tham gia sản xuất trong THT lúa giống, nhiều thành viên rất phấn khởi khi được định hướng sản xuất, không còn lo lắng vấn đề đầu ra. Sau nhiều năm cải tiến, sắp xếp, đến nay THT có 18 thành viên thâm canh trên diện tích lúa giống 30ha. Vốn điều lệ của THT hiện lên đến hơn 500 triệu đồng. THT sản xuất và tiêu thụ bình quân khoảng 450 tấn lúa giống/năm.
|
Thương hiệu lúa giống Thạnh Mỹ Tây được nhiều nhà nông tín nhiệm. Ảnh: Chúc Ly |
Nhằm hỗ trợ vốn cho quá trình sản xuất của các thành viên THT, năm 2012, Hội ND xã đã lập dự án và được duyệt hỗ trợ vay 600 triệu đồng từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ ND. Bên cạnh đó, tổ còn được Sở NNPTNT tỉnh An Giang hỗ trợ xây dựng lò sấy có công suất 1 tấn/mẻ; Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ 1 phần giống siêu nguyên chủng để sản xuất giống xác nhận bán ra thị trường.
Tạo thương hiệu lúa giống
Nhờ được sự tiếp sức của các ngành, các cấp có liên quan, lúa giống Thạnh Mỹ Tây trở thành thương hiệu đáng tin cậy trong hệ thống sản xuất lúa giống trong và ngoài tỉnh”.
Ông Lê Hùng Cường – Phó Chủ tịch Hội ND
tỉnh An Giang
|
Năm 2004, ông Từ Bá Đạt được Trạm Khuyến nông huyện Châu Phú mời tham dự lớp bồi dưỡng kỹ năng chọn tạo giống lúa. Sau đó, ông tiếp tục được giới thiệu học lớp nâng cao ở Viện Nghiên cứu và phát triển đồng bằng sông Cửu Long (Trường Đại học Cần Thơ).
Sau khóa học, ông Đạt hướng dẫn lại kỹ thuật làm lúa giống cho các thành viên THT, cùng mở rộng diện tích sản xuất để cung cấp lúa giống cho bà con trong vùng. Nhờ nhạy bén, áp dụng các kiến thức lai tạo giống một cách khoa học, bài bản, năm 2005, các thành viên trong nhóm đã sản xuất được 10 tấn lúa giống thương phẩm đạt tiêu chuẩn cung ứng ra thị trường.
Năm 2005, THT đã được Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh An Giang hỗ trợ xây dựng thương hiệu. Từ đó, thương hiệu lúa giống Thạnh Mỹ Tây đã có tên trong danh sách những nhà cung cấp giống hàng đầu của tỉnh, được nhà nông miền Tây tín nhiệm lựa chọn.
THT nông nghiệp Thạnh Mỹ Tây hoạt động với phương thức và quy trình bài bản, thông qua các bước phát triển cụ thể. Sau khi thu hoạch lúa giống, các thành viên sẽ giao cho tổ thực hiện các công đoạn sàng lọc, đóng bao và tiêu thụ. Lợi nhuận thu được của mỗi hộ thành viên sẽ được trích 1 phần cho tổ để duy trì hoạt động. Ngoài ra, đối với lúa giống mà thành viên gieo trồng bằng phương pháp cấy, THT sẽ mua với giá cao hơn 10-15% so với giá lúa thương phẩm.
Anh Nguyễn Huy Bình ngụ ấp Mỹ Bình phấn khởi: “Từ khi vào THT, tình hình sản xuất ngày càng phát triển, lúa giống làm ra luôn luôn được tiêu thụ ổn định. Với năng suất cao hơn lúa thường khoảng 100kg/công, giá bán cao hơn 700 đồng/kg, lợi nhuận đạt khoảng 30 triệu đồng/ha. Với 3ha chuyên canh sản xuất lúa giống, sau khi trừ chi phí tôi lãi gần 200 triệu đồng/năm”.