|
Sinh ít con, người dân yên tâm tập trung chăn nuôi để thoát nghèo |
Đóng góp vào thành công trên phải kể tới vai trò của Hội Nông dân địa phương, từ sự chỉ đạo của Hội cấp trên, từ năm 2013, Hội Nông dân Phường Cầu Thia đã thành lập được Câu lạc bộ “Nam nông dân với công tác DS- KHHGD”.
Trong những năm qua, Ban Chủ nhiệm CLB luôn xác định rõ vai trò và trách nhiệm của mình trong công tác này. Chủ động đưa các nội dung tuyên truyền chăm sóc sức khỏe sinh sản, giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên, tập trung nâng cao chất lượng dân số, cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ em…. lồng ghép vào các trong hoạt động của CLB. Từ 05 thành viên, đến nay, CLB đã có trên 80 thành viên, hoạt động của CLB bước đầu đã thu được một số kết quả đáng mừng.
Để CLB hoạt động có hiệu quả, căn cứ vào quy chế, Ban chủ nhiệm đã vận động các hội viên tham gia đóng góp xây dựng quỹ Hội với mức bình quân 50.000 đồng/hội viên/năm. Đến nay, quỹ Hội đã có số tiền 12 triệu đồng, dùng để phục vụ cho các buổi sinh hoạt, in ấn tài liệu tuyên truyền… và được đông đảo hội viên tham gia ủng hộ.
Ban Chủ nhiệm CLB cũng luôn chủ động phối hợp trong hoạt động với Trạm Y tế phường để đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền về DS- KHGĐ. Đồng thời cũng phối hợp chặt chẽ với đội ngũ làm công tác DS- KHHGĐ ở cơ sở, thường xuyên chú trọng đổi mới để các nội dung tuyên truyền gắn được với thực tiễn, tạo được sự hấp dẫn, lôi cuốn đối với hội viên.
CLB tổ chức sinh hoạt mỗi định kỳ 03 tháng/lần, với nội dung được lồng ghép cùng các hoạt động công tác Hội. Tại các buổi sinh hoạt đều có cán bộ làm công tác dân số của địa phương đến trao đổi, phổ biến, nêu gương những cách làm hay trong vận động công tác DS- KHHGĐ ở các địa phương trong tỉnh. Qua đó để các thành viên CLB học tập, dần trở thành những cộng tác viên, tuyên truyền viên chủ lực trong việc tuyên truyền, vận động DS- KHHGĐ tại chính khu vực mình sinh sống.
Đến nay, CLB đã xây dựng được tủ sách với rất nhiều đầu sách hay. Tại đây, các thành viên có thể đọc nhiều tài liệu nói về công tác DS- KHHGĐ của Đảng, Nhà nước và địa phương, các chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác DS- KHHGĐ như: Luật Dân số; Pháp lệnh Dân số sửa đổi, bổ sung năm 2012; Nghị quyết số 47-NQ/TW ngày 22/3/2005 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách DS- KHHGĐ….
Qua đó, nâng cao nhận thức cho hội viên, nông dân về vai trò, trách nhiệm của nam giới trong công tác DS-KHHGĐ/ Chăm sóc sức khỏe sinh sản; giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên; tập trung nâng cao chất lượng dân số, cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ em.
Các thành viên trong CLB còn được trang bị những kiến thức tránh thai hiện đại như: Triệt sản nam – nữ, sử dụng bao cao su, thuốc tránh thai, đặt dụng cụ tử cung, đặt vòng… Nhờ vậy, tính đến giữa năm 2015, toàn phường không có cặp vợ chồng nào sinh con thứ 3, không còn tình trạng tảo hôn và kết hôn cận huyết thống.
Trong quý II/2015, việc sử dụng thuốc tiêm tránh thai đạt 75,6% chỉ tiêu, tỷ lệ dùng thuốc uống đạt 105,36% chỉ tiêu, sử dụng bao cao su đạt 89,14% chỉ tiêu…
Sau 3 năm hoạt động, Ban Chủ nhiệm CLB đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức được 07 lớp tập huấn kiến thức về sức khỏe sinh sản cho trên 400 lượt hội viên, nông dân; 18 buổi truyền thông về DS- KHHGĐ cho gần 1.000 lượt hội viên nông dân tham dự; phát tờ rơi tuyên truyền
“Cán bộ, hội viên nông dân không sinh con thứ 3” tại các tổ dân phố và thôn bản…
Ngoài ra, CLB cũng là nơi để hội viên, nông dân tập hợp, đoàn kết, giúp nhau phát triển kinh tế bằng nhiều hình thức đa dang, phong phú như: Trao đổi kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi; hỗ trợ giống cây trồng, con giống, ngày công lao động, phân bón… Nhiều thành viên CLB còn giúp đỡ những hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn bằng hình thức cho vay vốn không lấy lãi, hỗ trợ nguồn vốn ban đầu, cây – con giống…
Ban Chủ nhiệm CLB còn thành lập đội văn nghệ gồm 08 thành viên. Mục đích để giao lưu tuyên truyền về công tác DS- KHHGĐ và xây dựng nếp sông văn hóa khu dân cư… phát huy được bản sắc văn hóa dân tộc phong phú tại địa phương.
Thời gian tới, Ban Chủ nhiệm CLB sẽ tiếp tục trang bị thêm cho hội viên, nông dân các kỹ năng cần thiết để thực hiện tốt kế hoạch hóa gia đình, bảo vệ chăm sóc sức khỏe cho mình và cộng đồng.