Những năm gần đây, khi cà phê liên tục mất mùa, mất giá, nhiều hộ nông dân trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp bằng cách trồng xen canh cà phê với các loại cây công nghiệp khác như hồ tiêu, điều, bơ... nhằm tăng thêm thu nhập.
Đến xã Ea Drơng (Cư M’gar, Đắk Lắk), chúng tôi được cán bộ Hội Nông dân dẫn đến thăm vườn tiêu của ông Võ Đăng Giáp ở thôn Tân Sơn - một trong những hộ thu về lợi nhuận cao sau khi chuyển đổi cây trồng bền vững. Nhìn hàng tiêu xanh mướt được trồng xen canh cà phê với gần 1.000 trụ có hàng lối bài bản, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên. Trước đây, gia đình ông Giáp có 3ha đất nông nghiệp. Toàn bộ phần diện tích này gia đình ông đầu tư vào trồng cà phê như bao hộ khác ở trong thôn, buôn nhưng chỉ thu được thời gian đầu. Sau nhiều năm, cà phê trở nên già cỗi và cho năng suất thấp, ông luôn trăn trở làm thế nào để tăng năng suất cây trồng mà vẫn giữ được diện tích cà phê? Với bản tính cần cù chịu khó, ông Giáp đã không ngần ngại đi tìm hiểu các mô hình trồng cây công nghiệp hiệu quả để tìm hướng đi mới cho mảnh vườn của mình.
Nhờ nỗ lực của bản thân cùng với việc tiếp cận kiến thức khoa học, thay vì phá bỏ vườn cà phê già cỗi, ông đã áp dụng phương pháp cưa gốc sau đó cấy ghép lại chồi mới có năng suất rồi trồng thêm cây tiêu với trụ sống xung quanh. Bởi thế mà nay gia đình ông vừa có nguồn thu từ cà phê vừa thu thêm từ cây tiêu. Mỗi năm trừ chi phí, gia đình ông Giáp còn dư hơn 700 triệu đồng. Ông Giáp chia sẻ: “Sau thời gian trồng hơn 20 năm, nhận thấy cà phê đã già cỗi, lại thường xuyên nhiễm bệnh nên năng suất không được cao, vợ chồng tôi đã bàn bạc, tìm hiểu, học hỏi chuyển sang trồng xen canh cà phê với tiêu. Sau hơn 5 năm áp dụng mô hình mới, hiện vườn tiêu phát triển tốt và cho năng suất gấp nhiều lần so với cà phê, tôi rất mừng. Tôi cũng tìm thêm những loài cây che bóng thuộc dạng gỗ quý như hông, huỳnh đàn vừa tạo bóng mát vừa tận dụng lấy gỗ sau này”.
Ông Giáp cho biết thêm, để có được vườn tiêu xanh mướt, ông đã chọn lọc giống tiêu từ những vườn năng suất cao do các hộ nông dân tự nghiên cứu ứng dụng; đặc biệt không bón phân hóa học và phun thuốc kích thích nhiều, chỉ bón các loại phân vi sinh với hướng tạo vườn tiêu sạch, giống tiêu tốt. Không những thế, xung quanh vườn, ông đều trồng trụ sống để tạo bóng mát và giữ độ ẩm cho đất. Bà H Zang Niê, Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Ea Drơng cho biết: “Mô hình trồng tiêu xen canh cà phê của gia đình ông Giáp là một trong những ví dụ điển hình về việc mạnh dạn chuyển đổi cây trồng phù hợp, xứng đáng để các hộ nông dân trên địa bàn học hỏi và làm theo khi giá cà phê xuống thấp như hiện nay”.
Hiện, toàn xã Ea Drơng có hơn 6.200ha đất nông nghiệp với hơn 13.300 nhân khẩu, trong đó có gần 9.500 nhân khẩu là đồng bào dân tộc thiểu số, nguồn thu nhập chính của bà con dựa vào sản xuất nông nghiệp. Vì thế, tìm được hướng đi mới từ việc xen canh cây trồng phù hợp sẽ giúp người dân cải thiện cuộc sống, góp phần xây dựng nông thôn mới.