Năm 2012, tốt nghiệp Đại học Nông lâm TP.Hồ Chí Minh, chuyên ngành công nghệ sinh học, chị Trịnh Thị Như Nguyệt (25 tuổi, ở thôn Thủ Thiện Thượng, xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn, Bình Định) xin vào làm việc tại một số cơ sở sản xuất nấm ở Đồng Nai.
Năm 2012, tốt nghiệp Đại học Nông lâm TP.Hồ Chí Minh, chuyên ngành công nghệ sinh học, chị Trịnh Thị Như Nguyệt (25 tuổi, ở thôn Thủ Thiện Thượng, xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn, Bình Định) xin vào làm việc tại một số cơ sở sản xuất nấm ở Đồng Nai. Tại đây, chị đã học hỏi thêm kinh nghiệm sản xuất các loại nấm, cách thức thu mua nguyên liệu, bỏ mối cho bạn hàng. Năm 2013, nhận thấy giá nhân công và giá nguyên liệu ở quê rẻ bằng nửa so với các tỉnh Nam Bộ, chị Nguyệt quyết định về quê đầu tư sản xuất các loại nấm.
Chị Nguyệt cho biết, lúc đầu vừa làm vừa thăm dò thị trường nên sản lượng làm ra còn rất khiêm tốn, nhân công cũng chỉ một vài người thân trong nhà. Sau một thời gian, thị trường được mở rộng, nấm được tiêu thụ mạnh hơn, chị thuê thêm người đảm trách các khâu khép kín trong sản xuất nấm. Đến nay, sau 2 năm hoạt động, cơ sở của chị đã đi vào ổn định, mỗi năm sản xuất khoảng 120kg thành phẩm nấm linh chi, 500kg mộc nhĩ và vài trăm kg nấm bào ngư, nấm rơm, thu nhập khoảng 200 triệu đồng/năm, đồng thời giải quyết việc làm cho 10 lao động nông nhàn ở địa phương với mức lương bình quân 2,7 triệu đồng/người/tháng.
Chị Nguyễn Thị Hoa, ở cùng thôn, cho biết: “Lúc mới vào đây làm, tôi và mấy người khác còn bỡ ngỡ lắm nhưng được chị Nguyệt hướng dẫn kỹ lưỡng nên bây giờ mọi người đều quen việc và thích làm nghề này”.
Cơ sở sản xuất nấm Như Nguyệt đang là mô hình kinh tế hộ rất hiệu quả ở địa phương, được nhiều nông dân gần xa đến tham quan, học tập. Chị Nguyệt cho biết thêm: “Sắp tới, tôi sẽ thuê mặt bằng để xây thêm các trại sản xuất nấm, dự kiến tăng quy mô sản xuất gấp 10 lần so với hiện nay và tạo thêm nhiều việc làm cho người dân địa phương”.
Bà con muốn tìm hiểu thêm về cách làm của chị Nguyệt xin vui lòng liên hệ số điện thoại 0165.789.6444.