|
Trang trại chăn nuôi gà của ông Lê Trung Đức trên đệm lót sinh học |
Triệt tiêu mùi hôi thối
Gia đình ông Lê Trung Đức ở thôn Tịch Yên, xã Bình Nam, huyện Thăng Bình vừa xuất bán lứa gà sau 3 tháng thả nuôi, hiệu quả kinh tế thu được vượt ngoài mong đợi.
Ông Đức kể, đầu tháng 9/2015, gia đình thả nuôi 6.000 con gà thịt trong 6 chuồng với tổng diện tích hơn 1.000m2. Chuồng trại được thiết kế kiên cố, có rào lưới và xung quanh bố trí bóng đèn để ủ gà khi nhiệt độ xuống quá thấp.
Trên nền chuồng trại, ông Đức lót trấu có độ dày 30cm. Khi gà sinh trưởng được 1 tháng, gia đình dùng men Balasa ủ với cám gạo có tỷ lệ 1kg men/3kg cám gạo để rải đều lên nền chuồng. Cứ mỗi ký hỗn hợp men vi sinh được gia đình bố trí tương ứng với 50m2 chuồng trại. Khi gà 2 tháng tuổi, gia đình tiếp tục rải đều hỗn hợp men vi sinh với cám lên trên nền chuồng trại với mật độ như trên.
“Nuôi gà trên đệm lót sinh học với cách làm như trên không khó. Vậy nhưng, gia đình phải mất một thời gian dài mới thực hiện được. Thấy hiệu quả đem lại rất lớn, tôi càng phấn khởi”, ông Đức nói.
Theo ông Đức, sau 3 tháng thả nuôi ông thu được 8 tấn gà. Với giá bán thương phẩm 60.000 đồng/kg, doanh thu đạt hơn 450 triệu đồng, sau khi trừ chi phí 300 triệu đồng, gia đình lãi gần 150 triệu.
“Sau nhiều khó khăn, gia đình tôi mới có được thành quả lớn như ngày hôm nay. Thấy hiệu quả kinh tế cao mang lại nhờ nuôi gà thịt trên đệm lót sinh học nên gia đình đã liên hệ với xã và huyện để thuê thêm diện tích đất phục vụ nuôi gà. Sau khi dọn sạch môi trường, gia đình tôi sẽ nuôi tổng cộng 12.000 con gà tại 12 chuồng trại kiên cố”, ông Đức nói.
Gia đình chị Nguyễn Thị Kim Hoàng ở thôn Hòa Bình, xã Tam Thái, huyện Phú Ninh là một trong những hộ đầu tiên ứng dụng phương pháp này trong chăn nuôi gà với gần 7.000 con và xuất bán liên tục. Chị cho biết: “Sau khi rải trấu dày khoảng 10cm trên bề mặt chuồng được làm bằng gạch hoặc xi măng thì thả gà con vào. Được vài ngày thì cào sơ qua lớp đệm lót rồi rắc đều chế phẩm men lên toàn bộ bề mặt chất độn, dùng tay xoa trên bề mặt để men được phân tán khắp nơi”.
Bên cạnh đó, Trung tâm KN-KN Quảng Nam triển khai mô hình chăn nuôi heo trên nền đệm lót sinh thái tại 4 huyện Phú Ninh, Điện Bàn, Đại Lộc và Duy Xuyên. Với quy mô 1.200 con heo/1.600m2 nền chuồng/80 hộ tham gia. Các hộ cho hay đã làm đệm lót cho thấy phân heo được xử lý tốt, không còn mùi hôi, ruồi nhặng cũng giảm đáng kể, hạn chế được tình trạng tiêu chảy ở heo con, giảm được 80% công lao động khi nuôi heo. |
Cũng theo chị Hoàng, cách làm chế phẩm men có công thức cũng khá đơn giản: 1kg chế phẩm Balasa - N01 trộn đều với 5 - 7kg bột bắp hoặc cám gạo, cho thêm khoảng 3 lít nước sạch xoa cho ẩm đều, sau đó cho vào túi hoặc thùng để ủ từ 2 - 3 ngày.
Ông Đinh Long Toàn, Phó phòng NN-PTNT huyện Phú Ninh cho biết: Chăn nuôi gà ứng dụng đệm lót sinh học sẽ giúp tiêu hủy hết chất thải, do đó sẽ không tạo ra mùi hôi thối, khí độc trong chuồng cũng như ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.
“Phương pháp này sẽ tạo cơ hội phát triển chăn nuôi gà ngay cả ở khu dân cư đông đúc. Gà được sinh trưởng khỏe mạnh, giảm rõ rệt công lao động cũng như tỷ lệ gà bị mắc bệnh, chi phí thuốc thú y; phù hợp với việc phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp sạch, bền vững”, ông Toàn nói.
Giảm 60% công lao động
Theo Trung tâm KK-KN Quảng Nam, năm 2013, mô hình Chăn nuôi gà thịt trên nền đệm lót sinh học được triển khai tại một số địa phương của tỉnh. Qua theo dõi, cho thấy áp dụng mô hình này thì mùi hôi thối gần như không còn, phân gà được xử lý triệt để, môi trường chăn nuôi được giữ sạch sẽ, giảm ruồi nhặng từ đó giảm được một số bệnh về đường hô hấp và tiêu hóa cho đàn gà.
Bà Phạm Thị Thu Thủy, Phó trưởng phòng Kỹ thuật, Trung tâm KN-KN Quảng Nam cho hay, tại các điểm triển khai thì cho thấy, tỷ lệ gà nuôi sống từ 90 - 95%. Chất đệm sau khi sử dụng được một số hộ dùng làm phân bón rất tốt, chăn nuôi giảm được 60% công lao động, hằng ngày chỉ tốn công cho đàn gà ăn uống, không phải dọn vệ sinh thường xuyên như trước đây, chỉ 2 ngày dùng cào để đảo đều lớp phân trên bề mặt nhằm giúp men vi sinh hoạt động tốt hơn.
Nuôi gà đêm lót sinh học tăng năng suất cho người chăn nuôi
“Mô hình này đến nay đã triển khai được 4 năm trên địa bàn tỉnh, hầu hết các hộ và trang trại chăn nuôi gia cầm quy mô từ vài trăm trở lên đều đã áp dụng và nông dân đều có khả năng tự nhân rộng. Vì vậy, trung tâm không triển khai trong những năm sau này mà để các địa phương tự nhân rộng”, bà Thủy nói.
Cũng theo bà Thủy, ngoài những kết quả nói trên thì mô hình này cũng có một số điểm bất lợi như: Trong thời tiết nắng nóng, nếu nuôi gà trên nền đệm lót mà không có biện pháp chống nóng thì sẽ làm giảm lượng ăn vào của con vật, từ đó làm giảm tăng trọng. Ngoài ra, một bất tiện khác là việc bảo dưỡng đệm lót trong quá trình chăn nuôi. Nếu người chăn nuôi không chú ý để gà làm nước đổ ướt nền đệm thì vùng đệm đó sẽ bị thối hỏng, khả năng xử lý kém...