Xuất thân từ một gia đình làm nghề nông, anh Nguyễn Hữu Quyền ở thôn Đụn, xã Nam Hồng, huyện Nam Sách, Hải Dương cũng theo nghiệp ông cha với nghề truyền thống nuôi lợn và nấu rượu.
|
Đàn lợn nái ngoại của anh Quyền |
Đến nay, sau 15 năm gắn bó với nghề chăn nuôi, vợ chồng anh đã sở hữu biệt thự trị giá hàng tỷ đồng, phát triển gia trại nuôi trăm con lợn thịt và trên 20 con lợn nái ngoại.
Năm 1997, khi mới lấy nhau, vợ chồng anh vay vốn xây chuồng trại chăn nuôi với quy mô 5 - 10 con lợn thịt và 1 - 2 đầu lợn nái, tận dụng nguồn phụ phẩm(bỗng rượu) và thức ăn tinh từ trồng trọt.
Từ chỗ nuôi lợn giống địa phương, nhờ học hỏi kinh nghiệm anh đã mua được giống lợn lai siêu nạc có sức tăng trọng cao hơn giống cũ. Anh cho lợn ăn tỷ lệ 1/3 thức ăn là bỗng rượu còn lại là cám, gạo, bột cá và rau xanh. Nhờ đó lứa lợn nào cũng tăng trọng tốt, con nào cũng hồng hào khỏe mạnh.
Với ý chí quyết tâm làm giàu bằng nghề nuôi lợn nên lứa nào xuất bán là anh chị lại mua giống mới để tăng đàn. Từ chỗ chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ anh phát triển quy mô nuôi vài chục con lợn thịt và 5 - 7 lợn nái ngoại. Năm 2010 anh mua đất gần nhà tiếp tục xây chuồng với sức chứa trên 100 con. Xây xong anh tăng đàn lợn nuôi quy mô 100 con lợn thịt và 20 lợn nái ngoại.
Anh Quyền khẳng định do dịch bệnh thường xuyên xảy ra như hiện nay và chúng biến chủng rất nhanh, thời tiết thay đổi đột ngột... thì việc phòng bệnh bằng vacxin và vệ sinh chăn nuôi là quan trọng nhất để giúp đàn lợn khỏe mạnh và tăng trưởng tốt.
Ngoài ra, việc chọn lựa thức ăn tổng hợp cũng rất quan trọng. Từ thực tế rút ra cho thấy thức ăn được dùng cho cả lợn nái và lợn thịt anh đều chọn là thức ăn nội địa được sản xuất từ một công ty.
Anh cho biết, sử dụng cám sản xuất nội địa sẽ đảm bảo giá cả không đắt đỏ, lại rõ nguồn gốc xuất xứ, có vấn đề gì khúc mắc thì công ty sẽ giải quyết thỏa đáng. Song loại cám đó phải đảm bảo giúp lợn tăng trọng tốt, có sức đề kháng cao, trong cám không có chất kích thích. Chất lượng thịt ngon nên thương lái rất yên tâm đặt hàng.
Mô hình nuôi lợn hiệu quả của gia đình anh Quyền đã được đông đảo bà con chăn nuôi nơi khác cũng như cán bộ huyện và tỉnh tham quan đánh giá để nhân rộng. |
Nhờ phương thức chăn nuôi an toàn mà lứa nào anh nuôi cũng xuất chuồng với giá bán cao hơn bên ngoài khoảng 1 - 2 giá. Năm 2015 vừa qua anh nuôi 150 lợn thương phẩm mỗi lứa xuất bán trung bình lãi khoảng 120 - 150 nghìn đồng/con, thu lãi khoảng 600 triệu đồng. Đó là chưa kể đến 25 nái ngoại đang trong giai đoạn khai thác.
Khi hỏi về kỹ thuật nuôi lợn nái, anh cho biết thêm, so với nuôi lợn thịt nuôi lợn nái sẽ cho thu nhập cao hơn nhiều lại không phải đầu tư vốn ở mỗi lứa mà chỉ đầu tư giống lần đầu. Song kỹ thuật đòi hỏi cao hơn nhiều mới nuôi được lợn nái hiệu quả. Chuồng trại phải yêu cầu kiên cố và cầu kỳ hơn...
Đặc biệt là phải thường xuyên theo dõi và chăm sóc lợn mẹ cũng như lợn con một cách chu đáo, cẩn thận, thực hiện vệ sinh chăn nuôi tốt, dùng vacxin, thuốc phòng bệnh, các chất bổ định kỳ. Chú ý cho vật nuôi ấm về mùa đông và mát về mùa hè, đặc biệt là lợn nái mang thai và lợn con sau sinh.
Hỏi tại sao giờ anh nuôi lợn luôn lãi cao như vậy, anh cho biết, do gia đình anh nuôi lợn từ trước đến nay đều lấy công làm lãi (các đàn lợn đều do một tay vợ chồng anh chăm sóc và phòng trị bệnh, không cần phải thuê người). Từ năm 2003 đến nay anh sử dụng khí gas từ hầm biogas cho nhiều việc ở các khâu nuôi lợn như thắp sáng, dùng để sưởi ấm, làm mát, nấu thức ăn... nên giảm được nhiều chi phí.
Nhìn anh chăm sóc lợn chẳng khác gì một kỹ sư chăn nuôi thành thục. Vừa cho lợn ăn, anh vừa thổ lộ, ngày đầu bắt tay vào nuôi lợn, hai vợ chồng cũng chỉ nghĩ đó là việc làm tăng gia chứ cũng không ngờ lại có thể xây nhà lầu từ nghề này.