Sáng 2-3, tại Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cùng Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh, tổ chức Hội thảo thiết bị, công nghệ thu gom và xử lý rơm rạ vùng ĐBSCL.
|
TS. Phan Huy Thông, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phát biểu tại Hội thảo |
Tới tham dự Hội thảo có TS. Phan Huy Thông, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia; PGS.TS. Nguyễn Hay, Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh; PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn, Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL; ông Martin Gummert, Viện Nghiên cứu lúa Quốc tế, cùng đại diện của các cục, vụ, viện, trường, doanh nghiệp và nông dân một số tỉnh khu vực ĐBSCL.
Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, GS.TS. Nguyễn Hay, Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ vào thu gom xử lý rơm rạ để nâng cao thu nhập cho người dân. Ngoài ra, việc sử dụng các thiết bị công nghệ trong thu gom và xử lý rơm đúng cách còn tránh việc nguồn đất bị nhiễm độc hữu cơ khi người dân xử lý rơm theo thói quen từ lâu đời.
Tại buổi Hội thảo ông Martin Gummert, Viện Nghiên cứu lúa Quốc tế đã nêu ra những lý do quan trọng trong việc ứng dụng thiết bị công nghệ vào xử lý rơm vùng ĐBSCL. Theo đó, thói quen đốt rơm trên cánh đồng gây ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường, sức khỏe của con người, nguồn đất sản xuất lúa gạo. “Trong xu hướng phát triển một nền nông nghiệp bền vững, việc ứng dụng công nghệ trở nên rất cần thiết, chúng tôi đang định hướng để nâng cao chất lượng lúa gạo xuất khẩu trong sản xuất lúa gạo tại Việt Nam. Đồng thời tăng nguồn thu nhập cho nông dân trong việc xử lý, tiêu thụ các phụ phẩm nông nghiệp nói chung và rơm rạ nói riêng”, ông Martin Gummert nói.
Tại buổi Hội thảo đã có 31 báo cáo của các cục, vụ, viện, trường, trung tâm và các địa phương trong cả nước. Trong đó, các báo cáo tập trung vào việc đánh giá hiện trạng xử lý rơm rạ tại một số địa phương, khai thác tận dụng nguồn rơm rạ, thực trạng trong việc ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất lúa và giới thiệu một số mô hình máy thu gom và xử lý rơm rạ.
Đại diện nhóm nghiên cứu về máy nông nghiệp, TS. Nguyễn Thanh Nghị, Trung tâm Năng lượng và máy nông nghiệp, trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh, chia sẻ: “Trong việc ứng dụng cơ giới hóa trong thu gom rơm, không chỉ nhằm mục đích giảm chi phí mà còn tạo điều kiện cho việc tăng thu nhập từ việc sử dụng rơm cho những mục đích khác nhau. Ngoài ra, việc ứng dụng cơ giới hóa giúp giải phóng sức lao động, giảm áp lực về nguồn lao động”.
Còn theo nhóm tác giả Lưu Hồng Mẫn, Nguyễn Thị Ngọc Hân, Takeshi Watanabe, thuộc Viện Lúa ĐBSCL, Japan International Research Center for Agricultural Sciences: “Việc khai thác, tận dụng nguồn rơm rạ và biện pháp xử lý nâng cao giá trị sản xuất và hạn chế ngộ độc hữu cơ trong canh tác lúa, không những làm gia tăng hàm lượng Silic trong thân và hạt, mà còn giúp cây lúa chống chịu sâu bệnh tốt hơn so với bón hoàn toàn bằng phân hóa học, đồng thời còn cải thiện được độ phì sinh học của đất chuyên canh tác lúa”.
Máy thu gom rơm tại cánh đồng ở huyện Thới Lai, Cần Thơ
Nông dân Nguyễn Văn Thông, ngụ ấp Thới Phước 1, xã Tân Thạnh, huyện Thới Lai, Cần Thơ cho biết: “Việc đưa vào sử dụng máy thu gom và xử lý rơm đã góp phần rất lớn trong việc giảm sức lao động của gia đình trên 15 công ruộng hiện có. Nâng cao được hiệu quả kinh tế, đất không bị ngộ độc hữu cơ giúp cho đất tăng độ phì nhiêu, đảm bảo hiệu quả trong việc canh tác các mùa vụ tiếp theo”.
Đại diện Doanh nghiệp tư nhân Tư Sang, một đơn vị có máy thu gom và xử lý rơm trình diễn tại khuôn khổ buổi hội thảo.
Cũng trong khuôn khổ đợt Hội thảo, vào chiều ngày 1-3, Ban tổ chức đã giới thiệu một số máy thu gom rơm tham gia vào đợt hội diễn. Tại buổi hội diễn lần này đã có 5 đơn vị đăng ký tham gia với 8 mẫu máy, trong đó 3 đơn vị là nhà chế tạo trong nước đăng ký tham gia với 5 mẫu máy, 1 đơn vị là nhà phân phối máy nhập khẩu đăng ký tham gia với 1 mẫu máy và Viện Nghiên cứu cơ khí nông nghiệp của Công ty Nhật Bản đăng ký tham gia với 2 mẫu máy.