Tận dụng rơm rạ, hạn chế ngộ độc hữu cơ trong canh tác lúa
19:21 - 30/03/2016
Sau mỗi vụ thu hoạch lúa, lượng rơm rạ để lại rất lớn, đa số nông dân có thói quen đốt bỏ. Việc xử lý nguồn phụ phẩm trong nông nghiệp không đúng cách sẽ tác động xấu tới sự phát triển của cây lúa.
Nông dân ứng dụng máy móc trong xử lý rơm rạ ngay tại ruộng.

Thói quen đốt rơm rạ kích thích sự phát thải khí metan, sản sinh ra các axit hữu cơ tác động đến quá trình sinh trưởng của cây lúa khiến lúa đẻ nhánh kém, bị vàng, dạng cây thấp dẫn đến sụt giảm về năng suất.

Ông Lưu Hồng Mẫn, cán bộ Viện Nghiên cứu Lúa Đồng bằng sông Cửu Long, cho biết: “Việc bón phân rơm hữu cơ dài hạn không những làm gia tăng hàm lượng silic trong thân và hạt, giúp cây lúa chống chịu sâu bệnh tốt hơn so với việc bón hoàn toàn bằng phân hóa học mà còn duy trì và cải thiện được độ phì sinh học của đất. Khi bón liên tục phân rơm hữu cơ và giảm lượng phân hóa học, cây lúa ít bị nhiễm sâu bệnh hơn. Ngoài ra, việc xử lý tốt nguồn rơm rạ sau thu hoạch sẽ giúp đất giảm thiểu được nguy cơ ngộ độc hữu cơ trong các mùa vụ sau".

Theo kỹ sư Hồ Thị Châu, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp Đồng Tháp Mười, việc ứng dụng kỹ thuật dùng nấm Trichoderma để xử lý rơm rạ vừa trả lại phụ phẩm cho đồng ruộng, vừa không bị mất phân trong đất đồng thời còn tăng độ màu mỡ của đất và tiết kiệm chi phí phân bón. Quan trọng hơn, khi rơm rạ hoai mục trở thành phân hữu cơ có tác dụng như lân sẽ kết hợp với các độc chất phèn làm cho chúng không gây độc cho cây lúa. Nấm Trichoderma phân giải nhanh gốc rạ làm cho cây lúa không bị ngộ độc vì axit hữu cơ.

Rơm rạ sau khi đã được nông dân xử lý.

Việc xử lý nguồn phụ phẩm trong nông nghiệp sau thu hoạch đang được nhiều hộ gia đình ở các tỉnh khu vực ĐBSCL áp dụng. Ông Nguyễn Văn Thông, ngụ ấp Thới Phước 1, xã Tân Thạnh, huyện Thới Lai, Cần Thơ cho biết: “Với 15 công ruộng hiện có, nguồn rơm rạ sau thu hoạch được gia đình xử lý và bán lại cho các hộ dân sản xuất nấm rơm trong khu vực, với giá 2.000 đồng/kg”.

Vận chuyển rơm rạ sau khi đã xử lý tới các điểm thu mua.

Còn đối với hộ ông Nguyễn Văn Quyền, ngụ ấp Nhà Máy A, xã Khánh Hưng, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau, việc xử lý rơm rạ sau thu hoạch giúp gia đình tăng thêm thu nhập. Quan trọng hơn, nó giúp đất không bị ngộ độc hữu cơ, khả năng nhiễm sâu bệnh của cây lúa trong các vụ canh tác tiếp theo cũng ít hơn, góp phần giảm chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.

Bảng ảnh hưởng của phân rơm hữu cơ đến sâu, bệnh lúa.

Với sản lượng hơn 20 triệu tấn lúa/năm, mỗi năm, khu vực ĐBSCL sẽ có khoảng trên 20 triệu tấn rơm rạ. Việc xử lý rơm rạ đúng cách sẽ mang lại hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp.

Nguồn: KTNT
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo