(TNNN) - Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tỉnh đã vận dụng sáng tạo, lồng ghép chương trình dự án để tập trung nguồn vốn cho xây dựng nông thôn mới, lấy tiêu chí cái gì dân được hưởng lợi thì ưu tiên làm trước.
Qua 5 năm thực hiện, đến nay có 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng mức bình quân từ 2,8 tiêu chí/xã lên 10 tiêu chí/xã. Từng bước làm thay đổi bộ mặt nông thôn, tỉnh đã huy động, lồng ghép các nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, hỗ trợ sản xuất, đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới.
Năm 2015, tổng nguồn lực huy động thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn đạt trên 1.227,1 tỷ đồng, trong đó vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án khác nhiều nhất đạt gần 550,4 tỷ đồng, chiếm gần 45% tổng nguồn lực; vốn ngân sách địa phương 27,5 tỷ đồng; vốn tín dụng 388 tỷ đồng; vốn doanh nghiệp 30,4 tỷ đồng; vốn huy động nhân dân đóng góp 140,4 tỷ đồng. Toàn bộ nguồn vốn được tập trung đầu tư xây dựng hoàn thiện các tiêu chí quy hoạch; giao thông; điện; cơ sở vật chất văn hóa; hỗ trợ sản xuất.
Sau 5 năm xây dựng nông thôn mới, diện mạo nhiều xã trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến như: Đường, trường, trạm, chợ... được đầu tư xây dựng theo hướng hoàn thiện. Xác định nhiệm vụ trọng tâm, tỉnh đã lựa chọn tiêu chí cơ sở hạ tầng ưu tiên làm trước, trong đó bước đột phá là chương trình bê tông hóa giao thông nông thôn.
Đây là điều kiện thuận lợi tạo đà cho lưu thông hàng hóa, thúc đẩy sản xuất phát triển, góp phần tăng thu nhập cho người dân. Đến nay, toàn tỉnh đã làm được 3.183,7 km đường bê tông nông thôn, trong đó đường trục xã, liên xã thực hiện 539,47 km; đường trục thôn, xóm 2.401,56 km; đường nội đồng 242,65 km. Đã xây dựng, tu sửa trên 140 công trình thủy lợi, kiên cố hóa 126,03 km kênh mương nội đồng đảm bảo tưới chắc cho 80% diện tích lúa. Hệ thống điện nông thôn được xây dựng mới, ngành điện đã cải tạo nâng cấp 205 trạm biến áp, 176 km đường dây trung áp, 768 km đường dây hạ áp.
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chủ trương, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp xây dựng nông thôn mới, năm 2016 tỉnh Tuyên Quang phấn đấu có 16 xã đạt chuẩn nông thôn mới, duy trì và giữ vững 10 xã đạt chuẩn năm 2015 và thêm 6 xã hoàn thành; phấn đấu đến năm 2020, toàn tỉnh có 30% số xã chuẩn nông thôn mới.