Đầu xuân năm mới, chúng tôi về thăm xã Đông La (huyện Hoài Đức, Hà Nội), nơi có nhiều tỷ phú nhờ trồng hoa lan. Nhìn những ngôi nhà cao tầng khang trang, đẹp đẽ san sát ven đường đủ thấy sự sung túc nơi đây...
Từ thú chơi đến nghề tiền tỷ
Trò chuyện với chúng tôi về nông dân và việc phát triển kinh tế ở xã nhà, ông Dương Kim Thành - Chủ tịch Hội Nông dân (ND) xã Đông La tự hào: “Người ta cứ nói nông dân là nghèo khổ, thiếu kiến thức, nhưng nông dân ở Đông La giàu và giỏi lắm. Nhiều vườn lan ở đây thu lãi từ 500 triệu đồng đến cả tỷ đồng/năm, ít cũng vài trăm triệu đồng”.
"Năm 2014, Hội ND xã đã phối hợp HTX tổ chức thành công hội hoa lan mở rộng, đã thu hút được đông đảo các nhà vườn trồng lan trên khắp mọi miền đất nước, góp phần xây dựng thương hiệu hoa lan Đông La ngày càng nổi tiếng được nhiều người biết đến...”.
Ông Dương Kim Thành
|
Theo lời ông Thành, nghề trồng hoa lan ở Đông La đã có từ hơn 30 năm trước. Hồi đó nhiều thanh niên trong xã đi làm ăn xa ở vùng miền núi phía Bắc, mỗi dịp tết họ thường mang theo những giỏ lan rừng về quê để trồng chơi.
Ban đầu người dân Đông La chơi lan như một thú vui nhưng thấy khách đến chơi nhà thích thú và nài nỉ mua lại với giá cao, vốn nhanh nhạy nên người dân Đông La đã học hỏi, nghiên cứu và phát triển thành nghề trồng hoa lan. Từ một vài nhà, dần dần nghề trồng hoa lan nhân rộng ra cả xóm, cả làng.
“Hiện nay, toàn xã Đông La có gần 200 hộ gắn bó với nghề trồng lan, tập trung chủ yếu ở 2 thôn Đồng Nhân, Đông Lao. Trồng lan cho thu nhập cao nên ngày càng phát triển và ngày càng có nhiều tỷ phú trên vùng đất ven sông Đáy này” - ông Thành thông tin.
Sau tết, vườn lan của anh Hoàng Ngọc Trường ở thôn Đồng Nhân vơi đi khá nhiều. Anh Trường chia sẻ: “Tết Bính Thân năm nay nhu cầu chơi hoa lan tăng cao đột ngột. Lượng hoa lan chúng tôi bán ra thị trường tết năm nay phải gấp 4 - 5 lần so mọi năm. Trước tết hơn 1 tháng, vợ chồng tôi cùng gần 30 công nhân làm việc quần quật cả ngày lẫn đêm mà vẫn không hết việc. Năm nay gia đình tôi có doanh thu hơn 10 tỷ đồng từ việc bán hoa lan”.
Mới 46 tuổi nhưng anh Trường đã có thâm niên gần 30 năm trồng lan. Và anh cũng là một trong những người đầu tiên trong làng biến thú chơi hoa lan thành nghề tiền tỷ. Với trên 2.000m2, vườn lan nhà anh có hàng chục loài lan như hồ điệp, tai trâu, quế lan hương, tam bảo sắc, đuôi cáo, đuôi sóc... Anh Trường có những cây lan rừng đã được kỳ công chăm sóc, tạo dáng hàng chục năm với giá bán cả trăm triệu đồng.
|
Nhiều khách hàng đặt mua hoa lan của anh Hoàng Ngọc Trường (phải) qua điện thoại. Ảnh: Thu Hà |
Những nông dân kiểu mới
Cách vườn lan của anh Trường không xa là vườn lan của anh Tạ Công Soái, sinh năm 1986. Mặc dù còn trẻ, anh Soái đã là một trong những tỷ phú trồng hoa lan. Vốn làm thợ mộc chuyển qua nghề trồng hoa lan, Soái thổ lộ: “Kỹ thuật trồng hoa lan cũng không quá khó, chỉ cần chú ý đến 3 yếu tố gồm độ ẩm, ánh sáng và không gian thông thoáng. Với diện tích hơn 700m2 trồng hoa lan, mỗi năm gia đình tôi có thu nhập 1 tỷ đồng, trừ chi phí lãi hơn 300 triệu đồng/năm”.
Ông Thành cho biết, để nghề trồng hoa lan phát triển, cấp ủy, chính quyền các cấp luôn tạo điều kiện về chính sách thuận lợi. Hội ND xã cũng thường xuyên quan tâm, cho các hội viên trồng lan vay các nguồn vốn ưu đãi như Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ Hỗ trợ ND thành phố cũng cho 40 hộ dân vay 400 triệu đồng mở rộng nghề trồng hoa lan. Bên cạnh đó Hội ND xã phối hợp Hội ND huyện và Hợp tác xã Dịch vụ thương mại sản xuất hoa lan, cây cảnh Đông La mang sản phẩm lan cảnh của các hội viên đi trưng bày, giới thiệu tại các hội chợ hoa cây cảnh ở khắp các tỉnh thành.