Nuôi vịt an toàn sinh học: Đẩy lùi dịch bệnh, tiết kiệm chi phí đầu tư
Đó là khẳng định của nhiều đại biểu tại Diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp với chuyên đề: “Giải pháp phát triển chăn nuôi vịt an toàn sinh học góp phần tái cơ cấu ngành chăn nuôi vùng ĐBSCL”.
|
Người dân xã Hiếu Phụng (huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long) nuôi vịt bằng đệm lót sinh học. Ảnh: CHÚC LY |
Diễn đàn do Trung tâm Khuyến nông quốc gia tổ chức tại Vĩnh Long hôm 27.10.
Nhiều ưu điểm
Theo Trung tâm Khuyến nông quốc gia, đệm lót sinh học là kỹ thuật tiến bộ và cũng là giải pháp hay nhất trong chăn nuôi vịt theo hướng an toàn sinh học. Hiện kỹ thuật này được áp dụng trên nhiều đàn vịt ở hầu hết các tỉnh, thành ĐBSCL.
“Ở Hậu Giang, tổng đàn vịt được áp dụng đệm lót sinh học là trên 2,1 triệu con, tập trung nhiều nhất ở huyện Long Mỹ, huyện Châu Thành A, thị xã Ngã Bảy và huyện Vị Thủy. Còn Vĩnh Long được triển khai cho 40 hộ dân ở 5 xã nuôi…” – TS Nguyễn Văn Bắc – Phó trưởng Văn phòng thường trực Nam Bộ (Trung tâm Khuyến nông quốc gia) thông tin.
TS Bắc cho hay: Áp dụng đệm lót sinh học có ưu điểm giúp nông dân bảo vệ tốt môi trường, rút ngắn thời gian nuôi, hạn chế bệnh tật, giảm chi phí thuốc thú y, giảm hao hụt đầu con. Từ đó, thu nhập của người dân sẽ cao hơn do chi phí thấp, trong quá trình nuôi người dân tiết kiệm 60% chi phí lao động, giảm 10% chi phí thức ăn. Kỹ thuật này rất đơn giản, dễ thực hiện, đặc biệt có “4 không” (không mùi hôi, không khí độc, không cần dọn chất thải, không dọn vệ sinh trong suốt quá trình nuôi).
Ông Phạm Văn Hải ở xã Mỹ Long Nam (huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh) cho biết: Do địa phương thường xuyên bị nước mặn xâm nhập nên nuôi vịt không được. Nhờ Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ giống vịt biển và thức ăn nên gia đình ông đã quyết định thả nuôi 250 con”. “Vịt biển phát triển rất tốt ở vùng nước mặn, ít bị bệnh và lớn rất nhanh. Qua 4 tháng nuôi, vịt đạt trọng lượng từ 2,3-2,7kg. Tôi đã bán 80 con với giá 42.000 đồng/kg, trừ các khoản chi phí, lời gần 40.000 đồng/con” – ông Hải phấn khởi nói.
Tiếp tục nhân rộng các mô hình
Nhiều đại biểu nhận định, vịt là một trong những động vật rất dễ mang bệnh và phát tán nguồn bệnh. Vì vậy, yêu cầu bức thiết hiện nay là nhân rộng các mô hình nuôi vịt theo hướng an toàn sinh học.
Ông Nguyễn Thành Một - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Vĩnh Long cho biết: “Trong giai đoạn 2015-2017, tỉnh Vĩnh Long sẽ thực hiện dự án hỗ trợ phát triển chăn nuôi vịt siêu thịt quy mô nông hộ theo hướng an toàn sinh học. Với kinh phí gần 2 tỷ đồng, dự án sẽ đầu tư cho các hộ dân nuôi 36.600 con; góp phần giải quyết đáng kể tình trạng ô nhiễm môi trường và kiểm soát tốt dịch bệnh”.
Theo ông Mai Thế Hào – Phó trưởng Văn phòng đại diện phía Nam Cục Chăn nuôi, tới đây, các địa phương vùng ĐBSCL cần tăng cường triển khai mở rộng các mô hình nuôi vịt theo hướng an toàn sinh học đã thành công trước đó. Đồng thời, hướng dân người dân ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật có liên quan, gắn với việc kiểm soát chất lượng con giống, thức ăn, thuốc thú y.
Phát biểu tại diễn đàn, TS Phan Huy Thông – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho biết: Trước thềm hội nhập TPP, ngành chăn nuôi ở vùng ĐBSCL nói chung và chăn nuôi vịt nói riêng phải cần có những đổi mới về kỹ thuật nuôi. Thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông quốc gia và các địa phương đã hướng dẫn người dân thực hiện có hiệu quả tốt các mô hình chăn nuôi vịt an toàn sinh học.
“Tất cả các mô hình được triển khai đều đảm bảo an toàn, không dịch bệnh, đặc biệt là không xảy ra dịch cúm gia cầm H5N1. Tới đây, các địa phương cần phát huy hơn nữa những thành công trên, giúp nông dân hạn chế tối đa chi phí đầu tư nhưng mang lại lợi nhuận cao nhất có thể. Đây là giải pháp rất quan trọng để khắc phục tình trạng dịch bệnh thường xuyên xảy ra trên đàn vịt trong thời gian qua, hướng tới phát triển chăn nuôi bền vững, phù hợp với xu hướng hội nhập” - TS Phan Huy Thông nhấn mạnh.
Theo Cục Chăn nuôi, tổng đàn vịt các tỉnh, thành vùng ĐBSCL trong 3 năm qua có xu hướng giảm nhẹ (giảm 4,32%). Cụ thể, năm 2012, ĐBSCL có 27.800.800 con vịt; năm 2013, có 26.643.000 con; năm 2014 có 25.450.000 con.