Sản phẩm tơ tằm tự dệt của bà không chỉ nức tiếng trong nước mà còn khiến cả thế giới phải trầm trồ.
|
Bà Thuận kiểm tra tằm tự dệt |
Chủ nhân của đàn tằm biết “làm xiếc” ấy là bà Phan Thị Thuận, Giám đốc Cty TNHH Dâu tằm tơ Mỹ Đức (xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức, Hà Nội).
Trong cái xưởng nằm kế bên dòng sông Đáy - nơi từng là “Sông trăng hay sông lụa/ Nong kén vàng như lúa/ Tròn vạnh một góc trời”, tôi lặng ngắm hàng ngàn “công nhân” tằm đang tự dệt lụa trên một tấm khung dài 4m, rộng 2m.
Chúng bám hai chân xuống mặt phẳng rồi vươn cổ ra tự rút ruột mình. Một dòng tơ mong manh, lấp lánh như sương khói tuôn trào. Tơ của từng con tằm đan kết, hòa vào nhau làm nên một tuyệt tác công phu mà không có thứ máy móc tinh vi nào sánh bằng. Sáng tạo này duy nhất chỉ có ở Việt Nam. Đến bà là đời thứ ba trong một gia đình chân truyền trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa.
Trước đây dân Phùng Xá dệt thủ công kiểu chân dận tay giật nhưng hồi thuộc Pháp người cô của bà đã ký hợp đồng sản xuất tơ “com măng” (tơ hóa học) cho Pháp để đưa những chiếc máy dệt đầu tiên về làng. Hàng làm ra, phần để xuất khẩu, phần nhập cho phố Hàng Ngang, Hàng Đào ngoài Hà Nội…
Cả thời thanh tân đến tận lúc tuổi già, bà đều gắn với loài côn trùng sinh tơ này. Thập niên 70 của thế kỷ trước đến con tằm cũng vào HTX và người nuôi tằm trở thành xã viên. Thế rồi kinh tế tập thể đi xuống, HTX phá trụi cả những bãi dâu ven sông bà vẫn kiên trì đi xin dâu ngoài bờ rào để tiếp tục nuôi nghiệp tổ. Thậm chí đạp xe còng lưng xuống tận nông trường chuyên trồng dâu lấy quả ở tỉnh Hòa Bình cách nhà đến 22 km mua lá, bà cũng chẳng nề hà.
Nói gì thì nói, không gì bằng nuôi tằm. Dù bán kén đổi phân đạm thì 1kg kén cũng được 10kg phân, cấy lúa làm sao mà sánh kịp? Theo gương bà, cả làng lại tất bật với nong tằm, né kén, với cách ăn cơm đứng đầy nhọc nhằn. Đầu những năm 90 (thế kỷ XX), kén bán cho xí nghiệp ế sưng, giá một kg chỉ có 4.000-5.000 đồng mà cũng chẳng ai thèm nhập. Bà đã khóc.
Lũ tằm đang dệt chăn
Sau những giọt nước mắt mặn mòi, bà chạy đôn, chạy đáo lên Phòng Công nghiệp, Phòng Kế hoạch huyện kêu cứu cho con tằm. Nhưng kêu trời mà trời chẳng thấu, kêu đất mà đất chẳng hay nên người ta mách ở đâu có nghề ươm tơ mi ni là bà liền tìm đến xin học nghề rồi thành lập cả hội ươm tơ mi ni huyện Mỹ Đức với 7 máy đặt ngay tại nhà.
Bà yêu tằm, yêu đến cả từng con kén phế (thủng đầu, kẹp né). Kén tốt khi mắc vào ươm là rút ruột nhả tơ đến tận cùng nhưng kén phế thường phải vứt bỏ. Đó quả là một sự lãng phí lớn! Bà nghĩ ra một sáng kiến đem nấu kén đó lên, vê tay rồi nối bằng tay để phận kén phế cũng đôi phần bớt tủi. Sự kiên trì quả đến mức tận cùng bởi một người thợ tay nghề cao cũng chỉ vê được mỗi ngày có hai lạng sợi.
Năm 2005, bà đã đoạt Huy chương vàng toàn quốc cho sản phẩm khăn thô tơ tằm làm từ những con kén phế.
Đào tạo thành một thợ lành nghề phải dày công kèm cặp, nhanh cũng mất cả năm còn bình thường phải hai, ba năm mới thành thạo các công đoạn từ ươm tơ, mắc cửi đến dệt lụa. Trong suốt quá trình đó, thợ học việc ở xưởng của bà ngoài được bao ăn uống còn được trả lương đầy đủ. Thế nhưng là phận gái, hễ giỏi tay nghề tí là họ lại đi lấy chồng khiến cho việc kinh doanh của bà trở nên lao đao, các hợp đồng xuất khẩu liên tục bị kéo dài tiến độ.
Nhiều lần quan sát con tằm làm tơ, đan kén nó ngoáy đầu ra sao, rút ruột thế nào bà bỗng nảy ra sự so sánh. Chúng tự dệt nên cho mình một chiếc vỏ bền chặt mà không một kỹ thuật dệt tay nào của con người có thể sánh bằng.
Tại sao không biến con tằm thành những công nhân tự dệt nên những tấm chăn tơ?
Theo cách làm cũ của Việt Nam kéo kén, ươm tơ, cào thành bông rồi khâu cố định vào hai lớp cũng có thể tạo ra được một chiếc chăn bông tơ tằm rất êm xốp nhưng tốn công, sau một thời gian sử dụng sẽ bị vón cục.
Người Trung Quốc còn có một cách làm khác đó là kéo những con kén (thường dùng kén đôi) căng ra bốn góc rồi đặt chồng lên nhau, tạo nhiều lớp cho một chiếc chăn bông (dày hay mỏng là do yêu cầu). Cách thức này đòi hỏi phải có kỹ năng nhưng vẫn có mặt bất ổn đó là sự đan kết không bền chặt của những lớp chăn.
So với việc tạo ra chăn bông từ kỹ thuật truyền thống của Việt Nam thì phương pháp này cũng không hiệu quả, chưa kể mất rất nhiều công thợ, thậm chí chỉ có những thợ lành nghề, quen việc mới có thể làm được.
Bước đầu thử nghiệm chuyện không làm tổ cho tằm để chúng nhả tơ một cách tự do, vài chục con do không có nơi bấu víu nên không thể cuộn tròn lại để cuốn kén mà cứ bò lung tung theo bản năng. Bà lại phải bắt về, sắp xếp chúng vào đội ngũ. Do chức năng buộc phải nhả tơ khi đến kì như người đau đẻ nên không còn cách nào khác tằm đành phải nhả vào không gian.
24/24h trông coi, 4 ngày liên tiếp bà vừa làm vừa ăn, chong chong mắt không hề ngủ nghỉ. Hàng xóm xì xào, chồng con kèo nèo: “Thiếu gì nghề mà phải vất vả như thế?”.
Mất một năm với 8 lứa tằm thử nghiệm nghĩa là 32 đêm thức trắng liên tiếp lúc trông tằm kéo tơ cộng với nhiều đêm không ngủ vì suy nghĩ cách hoàn thiện bà mới trình làng phương pháp lần đầu tiên có trong lịch sử loài người: tơ tằm tự dệt vào năm 2010. Đó là một cái nhìn xuyên thấu lòng tằm, một tấm lòng trân trọng từng sợi tơ vương.
Sản phẩm tiêu biểu 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội, Huy chương Vàng Hội chợ quốc tế 2005, được trong nước công nhận là nghệ nhân, được Ả Rập chứng nhận độ lành nghề, ngắm nhìn bà, tôi lại liên tưởng đến con tằm, một con tằm cả đời rút ruột, nhả tơ say nghề lúc oanh liệt cũng như khúc suy vong. |
Bà thủ thỉ, tằm khi đan kén còn có tổ che nên yên tâm miệt mài kéo tơ, đằng này cứ nằm trơ thân mình trên một mặt phẳng thì chỉ một tia sáng, một tiếng động, một làn gió thôi cũng đủ để cho chúng sợ sệt mà bỏ vị trí “công nhân” đứng xưởng đi trốn.
Vì vậy bà phải tìm cách che kín nhà kéo tơ để không có tiếng động, ánh sáng, gió lùa vào. Cả cái xưởng nhà bà không khác gì một cái “tổ” kén khổng lồ, kín đáo.
Nếu tằm tự đan kén trên né chỉ mất 3 ngày còn tự dệt tơ phải mất 4 ngày vì 1 ngày tìm kiếm làm tổ theo bản năng không được đến khi tơ trong bụng nặng quá không thể chịu được tằm mới chịu nhả tơ trên mặt phẳng.
Trong ruột mỗi con tằm chứa được sợi tơ dài 400-500 m nên để nhả hết nó phải ngoái cổ, rút từ trong ruột mình ra cả vạn lần. Từ đó bà tính toán khoảng cách thích hợp để cho chúng vươn cổ, nhả tơ vừa tầm mà không vướng vào nhau. Tơ con này cuốn vào con kia sẽ đan thành các lớp lang dày như những chiếc kén được cán phẳng. Khi hết chu kỳ nhả tơ cũng có nghĩa là đã hoàn thành sản phẩm.
Sản phẩm ruột chăn tằm tự dệt
Một tấm tơ khổng lồ phẳng phiu dài 4m rộng 2m ra lò. Người ta không thể đặt thêm lứa tằm mới trên cái khung nang cũ bởi chúng không thể tạo ra được độ kết dính bền chặt.
Đem tơ ấy mà tẩy theo kỹ thuật truyền thống sẽ được một tấm bông tơi xốp như mây trời, mát lành như gió núi. Không đan, không dệt nhưng tơ tằm tự dệt lại có độ bền chắc tự nhiên mà không bị xê lệch, co ngót hay vốn cục. Bởi có những sợi nhỏ chồng lên nhau, xốp nhẹ, mềm, thoáng không thứ vải hay bông nào sánh bằng, trùm chăn tơ tằm ấm mà nhẹ nên không ngạt, không bí, bẫng cả toàn thân.
Mùa rét đã đành chăn đông hai lớp giá 10 triệu xuất bán ầm ầm mà mùa hè chăn nực chỉ một lớp giá bán 5 triệu cũng không có đủ để xuất khẩu. Để có thể tạo ra những sản phẩm bông tơ với độ dày như ý cho các thiết kế khác nhau như chăn, đệm, túi, ví hoàn toàn dựa trên kinh nghiệm.
Không chỉ ưu việt trong quá trình tạo sản phẩm, khi hết chu kỳ nhả tơ tạo bông, người ta không phải mất công cắt kén để lấy nhộng. Nhộng tươi thu được từ phương pháp tằm tự dệt tạo ra một nguồn cung cấp thực phẩm giàu chất đạm và hoàn toàn tự nhiên vì không bị chết do ngâm vào nước nóng để lấy tơ như cách làm thông thường.