|
Trong những năm qua, tỉnh Phú Yên đã đầu tư hàng chục tỉ đồng để tổ chức các lớp dạy nghề và tăng cường cơ sở vật chất cho Trung tâm Dạy nghề các địa phương. Ảnh minh họa |
Trong 5 năm qua, tỉnh đã tổ chức dạy nghề cho lao động nông thôn là 22.461 người, trong đó lao động có việc làm sau khi học nghề là 16.840 người, đạt tỉ lệ 75% bao gồm 1.824 người được các doanh nghiệp tuyển dụng, 662 người được các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, 35 người thành lập tổ hợp tác và 14.319 người tự tạo việc làm. Năm 2014, tỉnh Phú Yên đầu tư gần 12 tỷ đồng để mở các lớp dạy nghề và tăng cường cơ sở vật chất cho trung tâm dạy nghề các địa phương, trường Trung cấp nghề thanh niên dân tộc Phú Yên và trường Cao đẳng nghề Phú Yên. Ngoài ra, các huyện, thị xã, thành phố cũng bố trí thêm kinh phí từ ngân sách để thực hiện công tác dạy nghề và đào tạo nghề cho gần 3.000 lao động nông thôn.
Phối hợp với các cơ quan báo chí, thông tin đại chúng tổ chức tuyên truyền sâu rộng về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn; in ấn và cấp phát trên 35.000 tờ rơi về chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến các xã, phường, thị trấn để người lao động hiểu và nắm bắt được các chính sách, quyền lợi của mình khi tham gia học nghề; tổ chức 45 lớp tập huấn, bồi dưỡng theo đề án “Đào tạo nghề và kỹ năng tuyên truyền, tư vấn học nghề và việc làm cho lao động nông thôn” cho hơn 3.544 người là thành viên các hội đoàn thể nông dân, phụ nữ, thanh niên, cán bộ làm công tác lao động – thương binh và xã hội cấp huyện, cấp xã và Bí thư chi bộ, trưởng các thôn, buôn, khu phố.
Bên cạnh việc tuyên truyền sâu rộng về công tác dạy nghề đến hội viên, nông dân, Sở Lao động – TBXH đã hướng dẫn phòng Lao động – TBXH các huyện, thị xã, thành phố tổ chức điều tra 112 xã, phường, thị trấn và các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh về nhu cầu học nghề của lao động nông thôn. Ngay tại thời điểm điều tra năm 2010, đã có 18.454 người có nhu cầu học nghề, trong đó học nghề dưới 3 tháng là 8.277 người, sơ cấp nghề 5.666, trung cấp nghề 3.608 và cao đẳng nghề 903 người.
Căn cứ vào kết quả điều tra, Sở Lao động – TBXH đã phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức xây dựng các số mô hình đào tạo nghề hiệu quả tại các xã như: nghề trồng lúa nước chất lượng cao, nghề kỹ thuật xây dựng ở xã Hòa Quang Nam, huyện Phú Hòa; nghề mây tre đan tại 2 cơ sở mây tre đan Lộc Thu, thị trấn La Hai huyện Đồng Xuân và cơ sở Đồng Nhất xã Hòa Đồng huyện Tây Hòa; nghề sản xuất hàng da giầy, túi xách các loại tại cơ sở sản xuất Hoàng Gia Đăng, xã Hòa Tân Tây; nghề may công nghiệp tại cơ sở may Mỹ Lệ, xã Hòa Thịnh thuộc huyện Tây Hòa….
Các mô hình đào tạo nghề thí điểm nêu trên đã thu hút được 4.255 học viên tham gia, trong đó hộ nghèo là 175 học viên. Tỷ lệ có việc làm sau khi kết thúc khóa học đạt trên 70%, thu nhập bình quân từ 2,2-2,5 triệu đồng/tháng, các mô hình này đều có khả năng phát triển và nhân rộng.
Theo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Phú Yên, trong số các lao động nông thôn được học nghề có 40% lao động học các nghề thuộc lĩnh vực nông nghiệp như: kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm; kỹ thuật trồng mía, trồng nấm, trồng luân canh đậu - dưa - cà, sản xuất lúa giống, cạo mủ cao su... 60% lao động còn lại học các nghề phi nông nghiệp như: sản xuất hàng mây tre đan, tin học ứng dụng, kế toán, cơ khí, điện dân dụng, sửa chữa ống nước, hàn, gò, lái xe ôtô, may mặc…
Mặt khác, nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội, người học nghề, đồng thời tháo gỡ những khó khăn cho các cơ sở dạy nghề trong công tác tuyển sinh, đào tạo và giải quyết việc làm cho lao động sau khi học nghề có việc làm ổn định, Sở Lao động – TBXH cũng đã xây dựng mới và tham mưu UBND tỉnh phê duyệt và ban hành danh mục, chương trình khung, định mức chi đào tạo nghề trình độ sơ cấp nghề, dạy nghề dưới 3 tháng tại các cơ sở dạy nghề và mức hỗ trợ kèm nghề, truyền nghề tại các doanh nghiệp với tổng số nghề là 127 nghề, trong đó 62 nghề phi nông nghiệp và 65 nghề nông nghiệp.
Năm 2015, tỉnh phấn đấu đào tạo cho 4.000 lao động nông thôn được học nghề, trong đó có 2.600 người học nghề phi nông nghiệp và 1.400 người học nghề nông nghiệp, số lao động sau khi học nghề có việc làm đạt từ 75% trở lên. Đến cuối năm 2015 phấn đấu đạt tỉ lệ qua đào tạo là 55% trong đó đào tạo nghề là 41%. Giai đoạn 2016-2020, phấn đấu đào tạo nghề nông nghiệp cho 10.000 lao động và nghề phi nông nghiệp cho 15.000 người, tỷ lệ lao động có việc làm sau học nghề đạt 80%.
Để hoàn thành tốt mục tiêu trên, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức đối với các cấp, các ngành và toàn xã hội để giúp mọi người hiểu được lợi ích từ việc học nghề, qua đó sẽ đăng ký tham gia ngày càng nhiều; tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phân công trách nhiệm cho từng thành viên BCĐ, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành đoàn thể, nhất là chính quyền cấp huyện, xã ở vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa; nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ sở dạy nghề, gắn đào tạo nghề với nhu cầu việc làm của doanh nghiệp và nhu cầu của người học; tập trung đầu tư nguồn lực tài chính đối với các cơ sở đào tạo nghề để đảm bảo đủ điều kiện về cơ sở vật chất và thiết bị dạy nghề; thường xuyên bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý dạy nghề để nâng cao kỹ năng tay nghề, chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp và người lao động./.