(TNNN) - Quảng Ngãi là tỉnh có đội tàu khai thác hải sản lớn ở khu vực duyên hải Trung bộ. Tính đến thời điểm này, số lượng tàu cá toàn tỉnh có trên 5000 chiếc với tổng công suất 1.060.700CV, công suất bình quân hơn 192CV/chiếc.
Trong đó, tàu có tổng công suất máy chính từ 90CV trở lên có khả năng khai thác xa bờ là 2.922 chiếc, tàu dưới 20CV khai thác ven bờ là 1.166 chiếc. Tàu thuyền Quảng Ngãi hoạt động khắp các ngư trường trong cả nước, từ vùng biển Vịnh Bắc Bộ đến vùng biển Tây Nam Bộ, ra đến Hoàng Sa, Trường Sa, vùng DK1 và vùng biển tiếp giáp với các nước trong khu vực để đánh bắt hải sản.
Những năm gần đây, do biến đổi khí hậu, thiên tai diễn ra ngày càng phức tạp và khó lường, nhiều cơn bão lớn, bất thường đã xảy ra trên biển. Ngoài ra, tình hình an ninh trên Biển Đông có nhiều diễn biến phức tạp, tàu cá ngư dân ta bị tàu nước ngoài bắt giữ, xua đuổi, đe dọa, tịch thu tài sản trái phép gây thiệt hại về người và tài sản, gây khó khăn cho ngư dân khi tham gia sản xuất trên biển.
Thời gian gần đây, Trung Quốc gia tăng hoạt động cản trở, uy hiếp, hăm dọa, xua đuổi ngư dân khai thác thủy sản trên vùng biển Hoàng Sa, có ý đồ gây khó khăn làm cho ngư dân từ bỏ các ngư trường truyền thống nhằm độc chiếm biển Đông.
Để giúp ngư dân giải quyết những khó khăn và yên tâm bám biển, từ năm 2008 đến nay, Quảng Ngãi đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ ngư dân hành nghề trên biển. Tỉnh đã hỗ trợ một phần chi phí nhiên liệu, chi phí mua tàu mới, đóng mới tàu, thay máy tàu, bảo hiểm thân tàu, bảo hiểm thuyền viên theo Quyết định số 289/QĐ-TTg ngày 18/3/2008 của Thủ tướng Chính phủ.
Hỗ trợ tàu cá thường xuyên hoạt động khai thác hải sản trên các vùng biển xa theo chủ trương của Thủ tướng Chính phủ. Hỗ trợ mua thiết bị làm lạnh, cấp đông, thiết bị sản xuất nước đá trên tàu cá, hầm bảo quản phục vụ khai thác dài ngày trên biển nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch.
Đặc biệt hỗ trợ đóng mới, nâng cấp tàu, vay vốn lưu động, bảo hiểm tàu cá và thuyền viên theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 07/7/2014 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính số chính sách phát triển thủy sản.Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy hỗ trợ ngư dân Mai Thành Văn đóng tàu vỏ thép khai thác thủy sản xa bờ, bàn giao tháng 3/2014, Quỹ Hỗ trợ ngư dân Quảng Ngãi hỗ trợ hai ngư dân Huỳnh Luận và Nguyễn Hữu Ngọt đóng tàu vỏ thép khai thác thủy sản xa bờ và đã ban giao cho bà con.
Ngoài ra, bà con ngư dân còn được chia sẻ khó khăn với ngư dân gặp rủi ro, tai nạn khi hành nghề trên biển từ Quỹ hỗ trợ ngư dân Quảng Ngãi, Quỹ Tấm lòng vàng - Báo Lao động, Quỹ nhân đạo nghề cá Việt Nam, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ và các nguồn hỗ trợ đột xuất khác từ doanh nghiệp, nhân dân sau thiên tai. Qua đó, bà con ngư dân tự hỗ trợ lẫn nhau trong sản xuất trong các tổ chức như Nghiệp đoàn nghề cá, Tổ đội đoàn kết sản xuất trên biển, Hợp tác xã nghề cá.
Những chính sách trên đã và đang triển khai trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, đã tiếp sức cho ngư dân vượt qua khó khăn, yên tâm bám biển. Để nâng cao hiệu quả và thu nhập của ngư dân, đồng thời hướng đến phát triển thành ngành công nghiệp khai thác hải sản hiệu quả và bền vững, nhiều chính sách, chương trình sẽ được Nhà nước triển khai trong thời gian tới như: Thực hiện công tác dự báo ngư trường, tiến tới dự báo ngư trường hạn dài vào năm 2015 cho một số nghề khai thác hải sản vùng khơi (nghề lưới kéo, câu, rê, vây) và cho một số nhóm loài kinh tế khác (cá ngừ, cá nục, mực, bạch tuộc) và dự báo hạn ngắn vào năm 2020; tổ chức lại sản xuất khai thác hải sản trên biển.
Đổi mới và ứng dụng khoa học công nghệ trong khai thác thủy sản, bảo quản sản phẩm để giảm tổn thất sau thu hoạch. Củng cố và phát triển các mô hình tổ chức sản xuất khai thác hải sản, tổ đội sản xuất, hợp tác xã, các hình thức kinh tế tập thể, liên doanh, liên kết, các mô hình hậu cần dịch vụ tiêu thụ sản phẩm trên biển.
Đổi mới xây dựng các hợp tác xã và liên minh hợp tác xã nghề cá theo hướng thật sự vì lợi ích của ngư dân. Hình thành một số doanh nghiệp, tập đoàn lớn đủ mạnh để hoạt động khai thác hải sản xa bờ và hợp tác khai thác viễn dương với các nước trong khu vực.
Hiện đại hóa công tác quản lý nghề cá trên biển, đặc biệt sớm hoàn thiện hệ thống thông tin tàu cá nhằm chủ động cảnh báo, kịp thời ứng phó với các tai nạn, rủi ro trên biển, cứu hộ cứu nạn. Tăng cường bảo vệ, hỗ trợ đảm bảo an toàn cho ngư dân hoạt động trên biển. Xây dựng lực lượng kiểm ngư đủ mạnh để bảo vệ nguồn lợi gắn với bảo vệ ngư dân và quốc phòng an ninh trên biển và hải đảo. Đầu tư nâng cấp, hiện đại hóa các cảng cá, bến cá, các khu neo đậu tránh trú bão, các khu hậu cần dịch vụ nghề cá ven biển và trên các hải đảo.
Ông Phạm Trường Thọ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho rằng sức lan tỏa của Nghị định 67 đã thực sự được cấp ủy và chính quyền địa phương tích cực vào cuộc để phối hợp cùng hệ thống ngân hàng và các bộ ngành, trong việc triển khai Nghị định 67. Phương thức triển khai chính sách hỗ trợ ngư dân của ngành ngân hàng thể hiện tinh thần chủ động và trách nhiệm cao, tạo niềm tin cho bà con ngư dân vươn khơi bám biển, làm giàu từ biển.
Qua thời gian triển khai thực hiện Nghị định 67 về chính sách phát triển thủy sản, đến nay, tỉnh Quảng Ngãi có 79 chiếc tàu được UBND tỉnh phê duyệt. Trong đó có 39 chiếc được phê duyệt mới, có 15 tàu chưa triển khai, 25 tàu không tham gia, 16 tàu được các ngân hàng ký hợp đồng tín dụng.
Trong đó có 3 tàu vỏ gỗ đã hoàn thành và đi vào khai thác, 2 tàu đã hạ thủy và 11 tàu đang thi công. Số tiền cam kết cho vay gần 99 tỷ đồng, 12/16 tàu đã giải ngân với số tiền hơn 40,5 tỷ đồng. Các ngân hàng cũng đã triển khai cho vay vốn lưu động được gần 9,5 tỷ đồng.
Thực hiện Thông tư 24 của Bộ NN&PTNT về kiểm tra, đánh giá và công bố cơ sở đóng tàu mới, nâng cấp, cải hoán tàu cá, UBND tỉnh đã công bố 3 đợt, có 10 cơ sở đóng tàu vỏ gỗ từ 400CV trở lên được công nhận đủ điều kiện. Hiện nay, Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản chỉ ký hợp đồng giám sát đóng mới và cải hoán tàu cá với các chủ cơ sở đã được công nhận.
Công ty Bảo Minh Quảng Ngãi đã triển khai bán bảo hiểm tàu cá được 34,6 tỷ đồng, trong đó, bảo hiểm thân tàu trên 30,7 tỷ đồng, bảo hiểm thuyền viên gần 4 tỷ đồng với 12.972 thuyền viên. UBND tỉnh đã ban hành quyết định chi trả cho công ty 6 đợt, với tổng số tiền hơn 19 tỷ đồng, đang làm thủ tục thẩm định và chi trả cho các đợt tiếp theo.
Về triển khai chính sách đầu tư hạ tầng thủy sản theo Nghị định 67, Quảng Ngãi có 13 dự án, trong đó có 2 dự án chuyển tiếp là: Vũng neo đậu tàu thuyền Lý Sơn (giai đoạn 2) và Cảng cá và Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá Sa Kỳ. Tuy nhiên, nguồn vốn bố trí còn quá ít nên chưa đảm bảo hoàn thành dự án theo đúng tiến độ, thời gian thi công kéo dài quá lâu, gây bức xúc trong nhân dân.
Các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước và sự chia sẻ từ cộng đồng xã hội rất cần thiết để ngư dân yên tâm bám biển, khai thác có hiệu quả và bền vững tài nguyên biển, góp phần đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, bảo đảm vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển, đảo, góp phần quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Hoạt động khai thác hải sản xa bờ góp phần đáng kể cho sự phát triển kinh tế, xã hội địa phương, cải thiện đời sống ngư dân trong tỉnh và góp phần tích cực trong việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Duy Nguyễn