Kỳ tích làng Bana
15:17 - 13/10/2015
Nhớ quê, băng núi về lập làng. Quê cũ đã trở thành vùng rừng núi hoang vu. Không nhà cửa. Không đất SX. Không hạt gạo, củ khoai làm nên bữa ăn. Đến cả nước cũng không có uống. Khó khăn tứ bề.

Đến khi chính quyền địa phương biết đến sự có mặt của những cư dân mới người dân tộc Bana này, nhiều chính sách liền đến với họ, và làng Trà Hương ở thôn Đại Khoan, xã Cát Lâm (huyện Phù Cát, Bình Định) được thành lập.
 

Làng mới trên đất cũ

Làng Trà Hương nằm cách trung tâm xã Cát Lâm chỉ chừng 8km, nhưng theo ông Nguyễn Tấn Đạt, Chủ tịch UBND xã Cát Lâm, cư dân làng Trà Hương sống rất tách biệt. Ông Đạt nhớ lại, vào năm 2001, một số hộ đồng bào dân tộc Bana định cư ở làng M3 thuộc xã Vĩnh Thịnh (huyện Vĩnh Thạnh, Bình Định) dắt díu nhau băng qua núi Eo Bói Cá về định cư trong lòng hồ Suối Tre nằm trên địa bàn thôn Đại Khoan, xã Cát Lâm.
 

Người dẫn đầu là già làng Phan Chí Thành, nay đã 88 tuổi. Ban đầu, họ sang khá đông, đến mấy chục hộ; nhưng do không nhà không cửa, không đất SX, cái ăn không có, nước uống cũng không, nên một số hộ đã không cầm cự được phải băng núi quay về chốn cũ là làng M3, xã Vĩnh Thịnh. Cư dân của 12 hộ còn lại, cố bám trụ, dựng vợ gả chồng, sinh con đẻ cái nay tăng lên 14 hộ với 59 nhân khẩu.

Ông Trần Văn Miên nhờ kết hợp chăn nuôi, trồng trọt đã tở nên người giàu trong làng Trà Hương

“Lúc họ sang chính quyền địa phương không hề biết. Đến khi phát hiện trong lòng hồ Suối Tre nảy sinh nạn phá rừng làm rẫy, xã cử đoàn công tác vào kiểm tra thì mới phát hiện hàng chục hộ dân Bana sống trong lòng hồ. 

Già làng Phan Chí Thành đứng ra làm việc với chúng tôi bảo rằng, không biết cách nào để gặp chính quyền địa phương, họ phải phá rừng để đánh động cho xã vào kiểm tra mới gặp được. Họ muốn gặp cán bộ xã để xin chính sách được định cư, xin đất làm ăn, ổn định cuộc sống”, Chủ tịch UBND xã Cát Lâm Nguyễn Tấn Đạt, kể.

15-30-10_1

Già làng Phan Chí Thành kể chuyện nhớ quê

Gặp già làng Phan Chí Thành trong căn nhà xây khá kiên cố. Thoạt nhìn, ít ai nghĩ ông sắp chạm tuổi 90. Râu ria um tùm, bạc trắng, nhưng thần thái ông trông vẫn ngời ngời, nhất là đôi mắt tinh anh. Già làng kể, xưa ở đây từng đã có ngôi làng cũ của người dân Bana định cư.
 

Chiến tranh ly loạn, bom đạn bủa giăng, họ phải băng núi sang làng M3 xã Vĩnh Thịnh lánh cư. Hòa bình, dù ở Vĩnh Thịnh họ không thiếu đất SX, cuộc sống đã ổn định nhưng nỗi nhớ quê luôn thôi thúc. Thế là họ dắt díu nhau quay về lập làng mới.
 

“Trong chiến tranh tôi tham gia cách mạng, hòa bình về phục vụ trong ngành công an, về hưu với chức vụ thượng úy, Phó trưởng Công an huyện Tây Sơn. Làm ông này ông kia ở đâu tôi vẫn nhớ quê, do đó sau khi về hưu tôi quyết định quay về đất cũ lập làng mới sinh sống tuổi già”, già làng Phan Chí Thanh, chia sẻ.

15-30-10_2

Già làng Phan Chí Thành biểu diễn nhạc cụ cổ vũ

Đời sống thăng hoa

Về năm 2001, đến năm 2006 chính quyền các cấp của huyện Phù Cát và huyện Vĩnh Thạnh mới hoàn tất thủ tục cắt, chuyển hộ khẩu của những cư dân mới của làng Trà Hương. Về Cát Lâm, để tránh nạn phá rừng làm nương rẫy, chính quyền xã này trích quỹ đất 5% cấp cho những hộ mới nhập cư, mỗi khẩu được 600m2 ruộng hạng 2, liền kề hồ Suối Tre, mặc sức chủ động nước, SX mỗi năm 3 vụ ổn định. Đất ở mỗi hộ được cấp 200m2 và nhiều diện tích đất vườn.
 

Sau khi nhập cư, những hộ đồng bào Bana ở làng Trà Hương được hưởng chính sách hỗ trợ di dân 11 triệu đồng/hộ để xây nhà.

Năm 2011, Chính phủ cho tiền làm đường bê tông từ trung tâm xã về làng và làm cầu kiên cố bắc qua suối Ngang tổng kinh phí lên đến 11 tỷ.

15-30-10_4

Chiếc cầu kiên cố bắc qua suối Ngang đi vào làng Trà Hương

Năm 2012, ngân sách tỉnh và huyện đầu tư hoàn thiện hệ thống cung cấp nước sạch gồm giếng và bể chứa cho làng tổng kinh phí hơn 400 triệu đồng. Năm hạn, giếng khô, xã lại trích kinh phí cho đào sâu thêm giếng để lấy nước. Gặp năm hạn gắt, tỉnh lại cho thêm kinh phí đào giếng sâu hơn để người dân làng Trà Hương không bị thiếu nước sinh hoạt.
 

“Khi đồng bào dân tộc Bana ở làng Trà Hương làm ăn khấm khá, bản sắc văn hóa truyền thống của họ liền được phát huy. Khi đời sống tinh thần của họ càng lên cao càng thúc giục họ chăm chỉ làm ăn. Đời sống vật chất và tinh thần của họ hỗ tương nhau rất đáng học hỏi”, ông Nguyễn Tấn Đạt.

Nhìn cư dân làng Trà Hương bây giờ không còn thấy cái đói, cái nghèo, dù hầu hết các hộ dân ở đây còn được hưởng chính sách hộ nghèo.

Ông Trần Văn Dũng, nguyên trưởng xóm Trà Hương, khoe: “Ở đây nhà nào cũng có ruộng làm lúa nước, gạo ăn không hết; có rẫy trồng đào, ngô, chuối, đu đủ, trồng rừng keo.
 

Người có nhiều được 1 ha, người ít cũng dăm ba sào. Nhiều hộ còn phát triển chăn nuôi bò, nuôi gà thả vườn. Nhiều hộ nhận khoán quản lý bảo vệ hàng trăm ha rừng, cứ 3 ha mỗi năm được hỗ trợ 6 triệu đồng. Hầu hết nhà nào cũng đã sắm được xe máy, ti vi”.
 

Thấy dân làng đã có của ăn của để, già làng Trà Hương Phan Chí Thành bắt tay vào công cuộc phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của người Bana. Già làng Phan Chí Thành xưa nay nổi tiếng là người tài hoa vì ông thông thạo, có khả năng chế tác và biểu diễn 15 loại nhạc cụ truyền thống của đồng bào dân tộc Bana.


Có những loại nhạc cụ có cái tên lạ hoắc như: bờ lâng lâng, bờ lơn khơn, cổ vũ, hơ đâng, trờ triếp, ta lum, pơ lơn, phù hồ, tơ nút, sáo… Mặc dù giờ đã gần 90 tuổi nhưng ông vẫn miệt mài tham gia phong trào văn nghệ địa phương.

Để bảo tồn gia sản quý của đồng bào dân tộc Bana, ông động viên thanh niên làng Trà Hương học hỏi, biểu diễn nhiều loại nhạc cụ truyền thống để bản sắc văn hóa của dân tộc mình không bị mai một. Nhiều thanh niên trong làng đã được ông truyền nghề như: Đinh Văn Núi, Đinh Xuân Nhứt, Trần Văn Dũng, Đinh Nông…

Dương Lam/ Theo NNVN
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo