Môi trường - tiêu chí dễ bị trừ điểm
10:09 - 01/10/2015
Là một trong những tiêu chí chiếm nhiều điểm nhất trong Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới (NTM), phản ánh một phần bộ mặt văn minh của khu vực nông thôn, song để đạt điểm tối đa về tiêu chí môi trường là nhiệm vụ không hề đơn giản.

Hệ thống cống rãnh chưa có nắp đậy tại xã Cát Quế, huyện Hoài Đức
Nhiệm vụ khó
Theo Hướng dẫn số 456/HD-SNN ngày 11/12/2013 của Sở NN&PTNT Hà Nội về phương án đánh giá, chấm điểm các tiêu chí công nhận xã đạt chuẩn NTM, tiêu chí số 17 (môi trường) chiếm 10 điểm chia đều cho 5 chỉ tiêu. Trong đó, các chỉ tiêu dễ thực hiện hơn là tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh theo quy chuẩn quốc gia chiếm từ 90% trở lên, không có các hoạt động suy giảm môi trường và có các hoạt động phát triển môi trường xanh - sạch - đẹp. Còn lại, nhóm các chỉ tiêu khó khăn hơn là các cơ sở sản xuất, kinh doanh đạt tiêu chuẩn về môi trường, nghĩa trang được xây dựng theo quy hoạch và chất thải, nước thải được thu gom xử lý theo quy định.
Qua thực tiễn xây dựng NTM, hầu hết các địa phương đang loay hoay với quy hoạch nghĩa trang và xử lý chất thải, nước thải. Tại xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì, nghĩa trang Nhân dân cơ bản đáp ứng được nhu cầu chôn cất trên địa bàn. Tuy nhiên, tình trạng các ngôi mộ được chôn cất rải rác trên cánh đồng vẫn còn diễn ra ở một số thôn. Điều đáng nói là dù nằm ngay cạnh nghĩa trang Văn Điển nhưng tỷ lệ hỏa táng của xã Vĩnh Quỳnh lại đạt không cao, hiện mới đạt 67%, còn lại là hung táng.
Chính vì vậy, qua chấm điểm NTM mới đây, Vĩnh Quỳnh bị trừ 0,5 điểm về tiêu chí môi trường. Tương tự, tại xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, hệ thống thoát nước của nghĩa trang Nhân dân chưa đảm bảo theo yêu cầu quy định nên cũng bị trừ 0,5 điểm.
Bên cạnh nghĩa trang, việc hoàn thiện hệ thống xử lý chất thải, rác thải nông thôn cũng là nhiệm vụ khó đối với nhiều địa phương.
Ông Nguyễn Ngọc Dũng - Bí thư Đảng ủy xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm cho biết, một số cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn chưa có giấy phép xả thải, xử lý nước thải đạt quy chuẩn môi trường. Đồng thời, chưa có hệ thống thu gom và xử lý khí thải đạt quy chuẩn nên xã bị trừ 0,5 điểm về tiêu chí môi trường. Hay như tại xã Cát Quế, huyện Hoài Đức - một địa phương có làng nghề chế biến nông sản, số hộ chăn nuôi lớn nhưng tình trạng chất thải chưa được xử lý thải ra hệ thống thoát nước vẫn còn diễn ra thường xuyên.
Nâng cao ý thức người dân
Theo Ban Chỉ đạo Chương trình 02 TP, một trong những tồn tại, hạn chế trong xây dựng NTM hiện nay là VSMT nông thôn ở một số nơi chưa được quan tâm thường xuyên, nhất là các làng nghề. Tính đến tháng 7/2015, toàn TP vẫn còn 84/386 xã chưa đạt tiêu chí môi trường, tập trung tại các huyện Sóc Sơn (13 xã), Thanh Oai (9 xã), Thường Tín (13 xã), Quốc Oai (12 xã), Phú Xuyên (11 xã)… Đây là một trong những tiêu chí chiếm số điểm lớn và tác động đến đời sống hàng ngày của người dân. Do đó, tiếp tục hoàn thiện tiêu chí môi trường là yêu cầu cấp thiết đặt ra cho mỗi địa phương trong hành trình cán đích NTM.
Ngay cả với những xã đã đạt chuẩn NTM, việc tiếp tục nâng cao chất lượng tiêu chí môi trường cũng là nhiệm vụ rất quan trọng để cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân. Ông Trần Thế Huy – Chủ tịch UBND xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh, xã vừa được Tổ công tác giúp việc Hội đồng thẩm định xã NTM TP chấm điểm đạt chuẩn NTM cho biết, xã đã xây dựng 4 điểm thu gom rác thải ở 4 thôn trên địa bàn. Mỗi sáng thứ Bảy hàng tuần, bà con Nhân dân các thôn lại tổ chức tổng vệ sinh đường làng, ngõ xóm. Thời gian tới và những năm tiếp theo, xã tập trung chỉ đạo công tác thu gom triệt để rác thải nông thôn. Đồng thời quản lý chặt chẽ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về môi trường.
Theo bà Hoàng Thị Huyền – Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội, để hoàn thành tiêu chí môi trường, các địa phương cần tích cực vào cuộc vận động người dân tham gia giữ gìn VSMT nông thôn xanh, sạch, đẹp. Trong đó phát động các phong trào vệ sinh đường làng ngõ xóm, duy trì các tuyến đường tự quản. Đối với chỉ tiêu nghĩa trang, trong khi chưa có kinh phí xây dựng hệ thống tường bao, các địa phương cần tổ chức trồng cây xanh bao quanh khu vực nghĩa trang Nhân dân, đảm bảo VSMT. Bên cạnh đó, vận động người dân thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc tang, nâng cao tỷ lệ hỏa táng.
Nguồn: KTĐT
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo