Năm 2015 ngành chăn nuôi tập trung tái cơ cấu
15:08 - 29/09/2015
(TNNN) - Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), những năm qua, ngành chăn nuôi khởi sắc, sản lượng các sản phẩm chính đều tăng. 

Ảnh minh họa

 
Ước tính tổng sản lượng thịt hơi các loại đạt 4,47 triệu tấn tăng 2,7%. Trứng và sữa tươi tăng lần lượt là 3,8% và 15,6%. Sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp quy đổi đạt 14,7 triệu tấn. Trong năm qua, để tập trung triển khai Đề án tái cơ cấu lĩnh vực chăn nuôi, Bộ đã hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ, phát triển chăn nuôi nông hộ theo hướng an toàn, bền vững giai đoạn 2014-2020 tại Quyết định số 50/2014/QĐ-TTg ngày 4/9/2014; xây dựng chính sách phát triển chăn nuôi bò sữa giai đoạn 2014-2020, tầm nhìn 2030 thay thế Quyết định 167/QĐ-TTg ngày 26/10/2001; tiếp tục xây dựng các chương trình, dự án hỗ trợ thực hiện tái cơ cấu chăn nuôi một cách toàn diện.



Qua đó, xuất hiện ngày càng nhiều cơ sở, trang trại chăn nuôi kiểu công nghiệp, áp dụng công nghệ cao, kỹ thuật tiên tiến, hiệu quả cao.Bộ cùng các địa phương đã tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh, sớm kiểm soát dịch cúm gia cầm, lở mồm long móng, tai xanh; tăng cường quản lý vật tư chăn nuôi thú y; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong chăn nuôi.



Năm 2015, ngành đặt mục tiêu từng bước tái cơ cấu ngành chăn nuôi, phát triển chăn nuôi phù hợp với nền kinh tế thị trường; đáp ứng cơ bản các loại thực phẩm thiết yếu (thịt, trứng, sữa) cho tiêu dùng xã hội, xây dựng các điều kiện tiếp cận thị trường, tiến tới xuất khẩu một số sản phẩm chăn nuôi có tiềm năng.




Theo đó, tốc độ tăng GTSX khoảng 2,8-3,2%; tỷ trọng chăn nuôi trong tổng GTSX nông nghiệp (thuần) từ 26-27%; sản lượng thịt hơi các loại đạt hơn 4,6 triệu tấn; sản lượng trứng xấp xỉ 9 tỷ quả; sữa tươi 590 ngàn tấn; thức ăn chăn nuôi công nghiệp 15,6 triệu tấn.




Bộ NN&PTNT cũng định hướng ngành chăn nuôi cần triển khai mạnh các nhiệm vụ, giải pháp tái cơ cấu ngành, chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang phát triển chăn nuôi tập trung theo mô hình trang trại, gia trại, duy trì chăn nuôi nông hộ nhưng theo hình thức công nghiệp và ứng dụng công nghệ cao; khuyến khích tổ chức sản xuất khép kín, liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị để cắt giảm chi phí, tăng hiệu quả và giá trị gia tăng.




Khuyến khích chuyển dịch dần chăn nuôi từ vùng mật độ dân số cao (vùng đồng bằng) đến nơi có mật độ dân số thấp (vùng trung du, miền núi), hình thành các vùng chăn nuôi xa thành phố, khu dân cư; chuyển dịch cơ cấu đàn vật nuôi theo hướng tăng tỷ trọng gia cầm (trọng tâm là gà lông màu và vịt đẻ trứng), tiếp tục phát triển chăn nuôi lợn và gia súc lớn, tạo sản phẩm an toàn vệ.



Thực tế cho thấy, trong 2 năm qua, dịch bệnh trên đàn vật nuôi hầu như đã được kiểm soát, giúp mức tăng trưởng của ngành chăn nuôi luôn trên 4%, trong đó 6 tháng đầu năm nay, mức tăng trưởng đã đạt 4,8%. Đây cũng là mức tăng trưởng đáng ghi nhận trong bối cảnh nền nông nghiệp còn nhiều khó khăn. Mặc dù vậy, vẫn còn rất nhiều vướng mắc để ngành chăn nuôi trụ vững trong bối cảnh hội nhập hiện nay.



 
Theo đó, các công việc cần chỉ đạo quyết liệt triển khai thực hiện trong năm 2015 liên quan tới chăn nuôi  cần tiếp tục nỗ lực phòng chống dịch bệnh tạo môi trường thuận lợi phát triển chăn nuôi, xúc tiến việc xây dựng các vùng an toàn dịch bệnh tạo thuận lợi cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi; chấn chỉnh công tác quản lý giống, trước hết đối với con đực giống, nguồn tinh, giống cụ kỵ, ông bà, bố mẹ đảm bảo cung cấp con giống chất lượng cho nông dân. Tăng cường quản lý chất lượng thức ăn chăn nuôi, kiên quyết đấu tranh với việc sử dụng chất cấm, kiểm soát việc sử dụng kháng sinh quá mức tạo thuận lợi phát triển chăn nuôi hộ quy mô lớn hơn, áp dụng kỹ thuật tiến tiến an toàn dịch bệnh, hạn chế ô nhiễm môi trường; khuyến khích phát triển chăn nuôi công nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhất là trong chăn nuôi bò sữa, lợn, gà.




Thực hiện Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 899/QĐ-TTg, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã và đang tích cực triển khai thực hiện tái cơ cấu ngành chăn nuôi. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, nội dung Đề án tái cơ cấu ngành chăn nuôi đề cập đến các vấn đề chính gồm tái cơ cấu chăn nuôi theo vùng chăn nuôi; tái cơ cấu về vật nuôi; tái cơ cấu chăn nuôi theo phương thức sản xuất chăn nuôi; đổi mới hệ thống giết mổ gia súc, gia cầm và tái cơ cấu theo chuỗi giá trị ngành hàng.



Thực hiện Đề án “Tái cơ cấu ngành chăn nuôi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” trong thời gian qua, sản xuất chăn nuôi đã có sự chuyển biến tích cực. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để Đề án tiếp tục triển khai đạt kết quả, cần hoàn thiện quy hoạch chăn nuôi phù hợp với nội dung và mục tiêu tái cơ cấu, đảm bảo phát huy lợi thế so sánh của từng địa phương về điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội và thị trường. Trong đó thị trường là yếu tố quan trọng cần phải được cân nhắc kỹ trong các phương án quy hoạch phát triển chăn nuôi. Phải gắn quy hoạch phát triển chăn nuôi với yêu cầu xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh, với hệ thống giống và giết mổ chế biến gia súc, gia cầm.



Trên cơ sở đó, các địa phương hoàn thành việc rà soát quy hoạch chăn nuôi, hoàn thành đề án tái cơ cấu chăn nuôi trình cấp thẩm quyền phê duyệt chậm nhất là trước 30/10/2015 làm cơ sở cho triển khai các nội dung tái cơ cấu chăn nuôi ngay từ các tháng đầu tiên của năm 2016.




Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NN& PTNT), hiện nay cả nước có 27 tỉnh, thành phố ban hành đề án, kế hoạch hành động tái cơ cấu nông nghiệp, trong đó có lĩnh vực chăn nuôi. Có 52/63 tỉnh, thành phố phê duyệt quy hoạch phát triển chăn nuôi theo định hướng tái cơ cấu, phát triển chăn nuôi theo chuỗi liên kết nhằm gia tăng giá trị các sản phẩm.


Viện trưởng Viện Chăn nuôi Nguyễn Thanh Sơn tình hình sản xuất chăn nuôi trong cả nước hiện đang có chuyển biến tích cực, xuất hiện nhiều trang trại quy mô lớn, mang lại hiệu quả cao. Song việc triển khai đề án tái cơ cấu ngành ở nhiều địa phương vẫn còn khó khăn mà nguyên nhân chủ yếu là do ngành chăn nuôi của Việt Nam còn nhỏ lẻ, việc sản xuất con giống và liên kết sản xuất còn yếu. Việc đầu tư phát triển chăn nuôi còn thiếu đồng bộ, trong đó khu vực chăn nuôi nông hộ có mức đầu tư thấp; mất vệ sinh an toàn thực phẩm còn cao, đặc biệt là tồn dư kháng sinh và chất tăng trọng nên hạn chế cho việc xuất khẩu. Trong khi đó, thủ tục hành chính của ta còn rườm rà, gây khó khăn cho việc tiếp cận nguồn vốn của người chăn nuôi để mở rộng quy mô trang trại...



Các chuyên gia cho rằng, để đề án tái cơ cấu ngành chăn nuôi có hiệu quả, thời gian tới các tỉnh, thành phố cần tập trung rà soát, xây dựng quy hoạch vùng chăn nuôi ở địa phương mình theo hướng hàng hóa, liên kết chuỗi để bảo đảm khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ, nhằm nâng cao giá trị gia tăng trong chuỗi cung cấp thực phẩm đến tay người tiêu dùng. Thời gian tới, cần thực hiện tối đa xã hội hóa, hỗ trợ cho các doanh nghiệp tư nhân phát triển chăn nuôi. Các địa phương cần có đề án hoặc kế hoạch tổng thể riêng cho chăn nuôi.




Cần lựa chọn đối tượng vật nuôi chính cụ thể, phù hợp để tập trung chỉ đạo phát triển; tập trung tăng cường quản lý quy hoạch, giống, thức ăn và môi trường chăn nuôi. Đặc biệt, cần tổ chức cập nhật và thông tin thị trường các sản phẩm chăn nuôi thông qua nắm bắt thông tin từ các doanh nghiệp, xây dựng bộ chỉ tiêu giám sát, đánh giá tái cơ cấu trình Bộ ban hành sao cho phù hợp với tình hình địa phương.




Phan Giang
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo