Quảng Trị: Nông dân giỏi gắn kết các phong trào
14:10 - 29/09/2015
(TNNN) - Những năm qua, phong trào xây dựng nông thôn mới gắn với thi đua sản xuất kinh doanh giỏi được Hội Nông dân xã Vĩnh Thủy- huyện Vĩnh Linh chú trọng và triển khai sâu rộng. Từ đó đã phát huy tinh thần năng động, sáng tạo, chủ động trong lao động sản xuất của hội viên, nông dân, góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả kinh tế cao.
Thử nghiệm nuôi lợn rừng thành công, anh chia sẻ kinh nghiệm với các hộ khác để học tập

 
Tấm gương điển hình cho phong trào này là anh Nguyễn Khắc Cận- Hội viên nông dân làng Thủy Ba Hạ- xã Vĩnh Thủy, anh được nhiều người dân khâm phục bởi cách nghĩ, cách làm táo bạo trong phát triển kinh tế. Thấm nhuần chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, anh đã tích cực trong việc vận động gia đình, người thân và bà con trong thôn mạnh dạn tiên phong lên vùng gò đồi để khai phá đất hoang, trồng cây phủ xanh đất trống, đồi núi trọc.

 
Anh Cận tính toán cụ thể, lấy mô hình kinh tế trang trại (VACR) làm chủ đạo, đầu tư theo hướng sản xuất nông, lâm nghiệp; lấy ngắn nuôi dài, trồng cây cao su tiểu điền là chính kết hợp với trồng rừng để bảo vệ môi trường. Hiện nay, gia đình anh đã có 15ha cây cao su, 15ha cây lâm nghiệp, 2ha cây ăn quả, 0,5ha ao nuôi cá, 0,5ha đất trồng lúa 2 vụ.


 
Anh xác định, việc phát triển kinh tế hộ gia đình góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và phát triển bền vững thì phải kết hợp sản xuất với kinh doanh, dịch vụ. Từ đó, anh ưu tiên đầu tư cho mua sắm máy nông nghiệp để từng bước công nghiệp hoá, tiến tới chuyên môn hoá trong sản xuất.

 
Gia đình anh đang có 1 máy gặt đập liên hợp, 1 máy cày 50 mã lực, 2 máy xúc, 1 máy ủi, 2 xe ô tô. Sau thời gian đi tham quan ở một số địa phương để học hỏi kinh nghiệm, anh đã đưa về áp dụng và thực hiện thành công một số mô hình sản xuất, kinh doanh có hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với địa phương như mô hình: Nuôi hươu lấy nhung, mô hình nuôi lợn rừng, nuôi gà nhốt… và được bà con nông dân trong xã học tập cùng làm theo.

 
Trải qua nhiều lần không thành công, thậm chí có lúc cả gia đình còn thấy chán nản vì thua lỗ nhưng bản thân anh có một nghị lực rất cao. Anh quyết tâm vừa làm, vừa học hỏi kinh nghiệm của một số nơi, thực hiện lấy ngắn nuôi dài. Kết quả đã được đền đáp xứng đáng khi mô hình trang trại kết hợp với kinh doanh dịch vụ máy nông nghiệp của gia đình anh đã là sự chứng minh cho một hướng đi đúng. Không những đạt hiệu quả kinh tế cao, còn tạo thêm công ăn việc làm thường xuyên cho 10 hội viên, nông dân với mức thu nhập ổn định trên 4 triệu đồng/tháng và 30 lao động khác theo thời vụ.


 
Thu nhập bình quân qua các năm của gia đình anh Cận năm sau cao hơn năm trước. Năm 2010, anh thu nhập 600 triệu đồng, sang năm 2011 cho thu nhập 800 triệu đồng, năm 2012 là 1.200 triệu đồng. Riêng năm 2013 thu nhập 900 triệu đồng do thiệt hại từ 2 cơn bão khiến doanh thu của gia đình anh bị tổn thất 300 triệu đồng.

 
Bước sang năm 2014, thu nhập gia đình anh đã đạt ngưỡng 1.312 triệu đồng. Trong đó: Từ trồng trọt, thu lợi nhuận được 517 triệu đồng; chăn nuôi 95 triệu đồng; dịch vụ 700 triệu đồng/năm, doanh thu đem lại nhờ các dịch vụ máy cày, máy gặt đập liên hợp, máy xúc, máy ủi...

 
Hưởng ứng chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, phong trào học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, anh Cận trước tiên đã vận động gia đình mình phải gương mẫu đi đầu trong việc chỉnh trang khuôn viên, tạo cảnh quan môi trường nông thôn xanh sạch đẹp; sau đó tiếp tục vận động người thân và bà con trong thôn cùng nhau thi đua thực hiện tốt.

 
Có rất nhiều hộ dân đã đồng lòng với việc làm của anh, tự nguyện hiến đất, thậm chí dỡ bỏ tường rào có trị giá tới hàng chục triệu đồng, giải tỏa hoa màu lâu năm để mở rộng và làm mới đường giao thông nông thôn; tự giác tích cực đóng góp tiền, ngày công lao động thực hiện hoàn thành chương trình bê tông hóa giao thông, thủy lợi. Hàng năm, anh Cận dùng máy ủi của mình cho san ủi mặt bằng, đổ hàng chục m3 đất cấp phối để tu sửa lại đường giao thông nông thôn trị giá lên đến 20 triệu đồng/năm.


 
Không chỉ biết hưởng thụ thành quả một mình, hàng năm, gia đình anh còn cho những hộ nghèo và cận nghèo trong thôn vay vốn không lãi hoặc vay lãi suất thấp trị giá trên 120 triệu đồng. Bên cạnh đó, còn tạo thêm việc làm, phổ biến, chia sẻ những kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh, quản lý kinh tế để giúp họ phát triển sản xuất, tăng thu nhập tiến tới thoát nghèo bền vững. Anh cũng luôn mở lòng sẵn sàng hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật cho các hộ nông dân phát triển theo những mô hình mà gia đình đã thực hiện thành công.

 
Với vai trò là hội viên nông dân, để góp phần xây dựng tổ chức Hội luôn vững mạnh toàn diện, anh Cận cũng vận động vợ con mình tích cực tham gia các hoạt động phong trào thi đua do Hội, đoàn thể, địa phương phát động. Đồng thời, để góp phần gây dựng quỹ, hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các tổ chức, đoàn thể trong thôn, hàng năm anh đều ủng hộ cho mỗi tổ chức từ 1- 2 triệu đồng.

 
Chính nhờ sự cố gắng, nỗ lực bền bỉ suốt quá trình làm ăn kinh tế trong những năm vừa qua, anh Cận đã vinh dự được khen tặng danh hiệu “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi” cấp tỉnh nhiều năm liền (từ năm 2009- 2014). Anh còn vinh dự được UBND huyện Vĩnh Linh trao tặng giải Cá nhân xuất sắc- “Bông sen hồng” năm 2014. Có thể thấy, anh Nguyễn Khắc Cận được bà con trong thôn, xã yêu quý, là tâm gương để mọi người học hỏi làm theo.
 

Như Ngọc
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo