“Ông ngân hàng” biến đồi hoang thành rừng kinh tế
Sau ngày lập gia đình, cuộc sống của vợ chồng ông Phúc rất khó khăn. Không chấp nhận đói khổ, ông Phúc cất công đi nhiều nơi, gặp nhiều nông dân giỏi để học hỏi cách làm ăn. Sau những chuyến đi ấy, năm 1993, ông vay vốn ngân hàng phát triển mô hình chăn nuôi, trồng rừng và sản xuất cây giống.
|
Ông Đoàn Trọng Phúc (giữa) trao đổi kinh nghiệm làm giàu với các đại biểu bên lề Đại hội thi đua yêu nước tỉnh Thừa Thiên- Huế giai đoạn 2010-2015. Ảnh: An Sơn |
Thời điểm đó, ở xã Hương Lộc cũng như huyện Nam Đông có rất nhiều đất trống đồi núi trọc. Lúc này, khái niệm trồng rừng kinh tế với người dân huyện miền núi còn rất mới mẻ. Vì vậy, khi thấy ông Phúc vác cuốc lên đồi hoang đào hố trồng rừng, nhiều người bảo ông “bị khùng”. Sau nhiều năm quăng quật với những đồi hoang đầy sỏi đá, ông khai hoang được 40ha đất trồng keo, dó bầu và các loại cây gỗ quý. Trồng và chăm sóc đúng kỹ thuật nên rừng của ông phát triển nhanh và đưa lại hiệu quả kinh tế cao.
Cùng với trồng rừng, ông Phúc xây dựng trang trại chăn nuôi 25 con bò sinh sản, 20 con dê, hơn 1.000 gia cầm các loại và nhiều ao hồ nuôi cá nước ngọt. Biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi nên vật nuôi của ông không bị dịch bệnh. Khi phong trào trồng rừng kinh tế ở Nam Đông phát triển mạnh, ông Phúc đầu tư xây dựng vườn ươm cây giống để cung ứng cho người dân trong vùng.
Mỗi năm, vườn ươm của ông cung cấp hàng chục triệu cây giống, đưa lại nguồn thu lớn. Hơn 10 năm qua, ông Phúc liên tục nhận được hợp đồng trồng các loại cây huê, lim, kiền, gõ… cho Vườn quốc gia Bạch Mã với diện tích lên tới 50ha/năm. Với sự đa năng trong làm ăn, mỗi năm gia đình ông Phúc có doanh thu hàng tỷ đồng, trong đó lợi nhuận đạt 300- 400 triệu đồng/năm.
Giúp hộ khó khăn vượt nghèo
"Ông Phúc thực sự là tấm gương sáng về nghị lực vượt khó để làm giàu cho bản thân và quê hương. Mới đây, ông Phúc là một trong những gương điển hình được tuyên dương tại Đại hội thi đua yêu nước tỉnh Thừa Thiên- Huế giai đoạn 2010-2015”.
Ông Đoàn Trọng Hậu - Chủ tịch UBND xã Hương Lộc
|
Hàng chục năm qua, mô hình kinh tế của ông Phúc tạo việc làm thường xuyên cho hơn 50 lao động trên địa bàn xã, trong đó hơn 75% lao động là phụ nữ. Lao động làm việc cho ông Phúc được trả tiền công 6 triệu đồng/tháng nên có đời sống ổn định. Ông Phúc là người có mô hình kinh tế tạo nhiều việc làm với thu nhập ổn định cho người lao động thuộc diện nhất nhì trên địa bàn huyện miền núi Nam Đông.
Nhiều năm qua, hàng chục hộ dân trên địa bàn xã Hương Lộc đã được ông giúp đỡ về vốn để phát triển kinh tế gia đình. Những hộ trồng rừng khó khăn về vốn mua cây giống được ông hỗ trợ bằng cách bán chịu cây giống không tính lãi đến khi thu hoạch rừng mới trả nợ.
Trường hợp không có tiền thuê nhân công trồng rừng, ông sẵn sàng cho mượn một lúc 30-40 triệu đồng. Sự hỗ trợ này đã giúp hàng chục hộ khó khăn có điều kiện thoát nghèo vươn lên làm giàu. Vì vậy người dân trong vùng gọi ông Phúc là “ông ngân hàng” của người nghèo ở địa phương.
Từ khi xã Hương Lộc đi vào xây dựng nông thôn mới, gia đình ông Phúc luôn gương mẫu đi đầu trong việc hiến đất, hiến cây để xây dựng các công trình phúc lợi. Mới đây nhất, ông hiến 1.000m2 đất để xã xây dựng đường giao thông nông thôn. Ông cũng luôn dành một khoản kinh phí hàng chục triệu đồng để sẵn sàng giúp đỡ những hộ dân khó khăn có người thân đau ốm, bệnh tật.