Ba gã khùng trên đỉnh Quế
10:37 - 16/09/2015
Ba người đàn ông ở thôn Voòng, xã Tr’hy, huyện Tây Giang, Quảng Nam góp vốn đổ vào đỉnh Quế làm du lịch sinh thái. 
Gã khùng Clâu Hạnh người khởi xưởng khu du lịch sinh thái

Họ mong muốn đồng tiền mình bỏ ra sẽ sinh lời, tuy nhiên cũng nhận được nhiều lời gièm pha.

Không giống ai

Từ trung tâm huyện Tây Giang, theo con đường có tên Clâu Blao lên bên giới Việt - Lào, đi chừng gần 25 km, đỉnh Quế xuất hiện. Tại đây, có một tấm bảng ghi rất rõ được dựng bên đường, với cái tên: “Điểm dừng chân đỉnh Quế”.

Nhìn thoáng qua có mấy ngôi nhà được kết hợp đủ loại kiến trúc, gồm văn hóa đồng bào dân tộc Cơ Tu cùng nhiều họa tiết của người miền xuôi. Do đó mỗi căn nhà được kết hợp gồm nền xi măng gạch hoa sáng bóng, cột nhà bằng gỗ, mái nhà tranh tre nứa lá... Tổng cộng có đến gần 10 ngôi nhà nằm san sát.

Thấy chúng tôi tò mò tìm hiểu, một người đàn ông đi ra. Đó chính là ông là Clâu Hạnh, trưởng nhóm thành lập ra khu này.

Ông Hạnh chia sẻ, vào tháng 4/2014, nhận thấy làm du lịch sẽ giúp tăng thêm thu nhập, lại được quảng bá văn hóa truyền thống, nét đẹp đời sống của bà con dân tộc Cơ Tu nên 3 hộ gia đình ở thôn Voòng, xã Tr’hy gồm Clâu Hạnh, Bling Apú và Clâu Tùng đã góp 200 triệu đồng đầu tư xây dựng. 

Tuy nhiên, ở miền  biên viễn, đụng đến cái gì tiền ngốn hết cả đống. Từng viên gạch, bao xi măng, sắt thép… đắt gấp đôi, gấp ba so với miền xuôi, do vậy hết 200 triệu đồng song dự án vẫn dở dang. Đâm lao phải theo lao, họ quyết định vay ngân hàng 300 triệu đồng đầu tư thêm.

Clâu Hạnh nhớ lại: “Thời điểm thành lập nhóm, ngoài 2 hộ “cùng phe” với tôi thì hầu hết những người còn lại ở Tr’hy đều lắc đầu ngao ngắn. Họ cho rằng đây là điều hết sức viển vông, có người còn đến tìm gặp tôi khuyên dừng ngay việc làm điên rồ này lại, hãy dùng số tiền đó mà gửi ngân hàng kiếm tiền lãi, chứ ném vào đỉnh Quế rồi sẽ trắng tay! Lúc đó bán nhà cửa trả nợ vay ngân hàng không đủ, vợ con ra rừng mà ở. Có người bảo, dùng số tiền đó đầu tư mua vài con bò thả vào rừng ăn lá, ăn cỏ, hàng năm bò mẹ sinh bê con đem bán có lãi hơn…”.

14-37-05_nh-3
Khu du lịch sinh thái đỉnh Quế

Mặc kệ, ông Hạnh mạnh dạn đầu tư, ban đầu làm giấy tờ xin được cấp phép, khi biết tin chính quyền huyện, xã hết sức ủng hộ. Thủ tục xong, ông thuê máy đào, máy ủi san lấp mặt bằng và từng căn nhà mọc lên nhanh chóng. Mỗi căn nhà rộng chừng 10m2 phục vụ nghỉ dưỡng, còn khu dừng chân kéo dài vài chục mét để du khách qua đây ngắm cảnh núi rừng.

"Họ nói tôi khùng không hoàn toàn sai, bởi người dân nơi này, bao đời nay chỉ biết đi làm rẫy, đi suối bắt cá, bắt ốc, lên rừng săn thú… còn du lịch, mới mẻ quá, không mường tượng hết được. Đặc biệt, ở giữa đỉnh Quế lấy đâu ra nguồn nước để phục vụ, khó khăn là vậy, nhưng mình đã làm được”, ông Clâu Hạnh cho hay.

Chỉ trong một thời gian ngắn, đúng dịp kỷ niệm 40 năm giải phóng Quảng Nam, ngày 24/3/2015, khu du lịch đỉnh Quế đưa vào sử dụng. Toàn khu rộng gần 2ha với 7 ngôi nhà được làm bằng nguyên liệu là gỗ, tranh, tre, nứa lá... đượm chất hoang dã, gần gũi với thiên nhiên. Bên cạnh cảnh quan, những món ăn truyền thống đậm bản sắc văn hóa Cơ Tu cũng góp phần làm say lòng du khách.

Tôi hỏi sao lại đầu tư vào đỉnh Quế? Ông Hạnh cho hay, trước đây đỉnh Quế là điểm dừng chân của cán bộ, nhân dân vùng thấp mỗi khi lên đây công tác hay thăm người thân. Biết được nỗi vất vả sau một đường dài, nhiều đèo dốc, Đoàn Thanh niên xã Tr’hy bèn xây một căn nhà bằng tre và nứa lá để mọi người nghỉ ngơi, dần dần nơi này có nhiều du khách, kể cả khách nước ngoài tìm đến. Ngoài ra, đỉnh Quế có độ cao 1.369m so với mực nước biển; khi hậu mát mẻ quanh năm, cảnh quan đẹp, hùng vĩ.

Ông Hạnh dẫn chúng tôi tham quan dự án và cho biết, đây là giai đoạn đầu nên đang còn thô sơ, nay mai khi có vốn thì khu du lịch sinh thái đỉnh Quế được xây dựng sẽ hút khách lắm.

Bởi từ đỉnh đi xuống chừng 2km có thác Raai rất tuyệt đẹp, xung quanh là rừng cây cổ thụ, nếu ai đặt chân đến sẽ muốn ngắm nhìn mà ở lại, không chịu về xuôi! Nhưng làm được cái đó cần nhiều vốn, muốn làm phải có phương án dài hơi.

“Bây giờ lấy ngắn nuôi dài rồi tính tiếp, chắc chắn khi khu dịch được hoàn thiện sẽ trở thành điểm dừng chân cho mỗi ai đến Tây Giang. Mới đi vào hoạt động nhưng du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng dần đông lên.

Thậm chí những người từ trời Tây tìm về đỉnh Quế, họ ở lại ngắm cảnh, thưởng thức những món ăn đậm chất Cơ Tu. Có một thực tế du khách bây giờ thích tìm về rừng núi để khám phá, trong khi đó ở đây đáp ứng được nhu cầu du khách”, ông Hạnh khoe.

14-37-05_nh-1
Khách nước ngoài tham quan đỉnh Quế

Đến đỉnh Quế, du khách còn được xem các điệu múa tơ tung da dá, múa cồng chiêng, nghe các làn điệu dân ca Cơ Tu... Chị Nguyễn Thị Loan (du khách đến từ TP Đà Nẵng) không giấu nổi sự bất ngờ về cảnh đẹp cũng như sự mến khách của người dân nơi đây. 

“Vượt gần 200 cây số chinh phục đỉnh Quế, mình thấy cảnh quan nơi đây rất đẹp, hoang dã, thiên nhiên gần gũi với con người. Một khung cảnh cây cối cổ thụ, khí hậu mát mẻ, đặc biệt khám phá những nét văn hóa của bà con vùng cao rất đặc sắc”, chị Loan chia sẻ.

Ông Ploong Plênh, PGĐ Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Phát triển du lịch Tây Giang, cho biết: “Chúng tôi đánh giá cao mô hình Câu lạc bộ “Nhóm hộ du lịch sinh thái” của xã Tr’hy. Đây là cách làm hay, cần nhân rộng ở các địa phương có tiềm năng phát triển du lịch. Thực tế cho thấy, qua mô hình này của nhóm, ngành du lịch ở Tây Giang dần có nhiều khởi sắc”.

Còn anh Steve Knight (34 tuổi, du khách Anh) cho biết: “Sau khi kết thúc tham quan Hội An, cả nhóm định về, nhưng nghe nói trên này có nhiều cái hay nên cả nhóm kéo lên. Cảnh quan và khí hậu trên này thật tuyệt. Cả món ăn nữa, rất lạ với chúng tôi, nhưng vô cùng hấp dẫn và ngon. Một khung cảnh rất đẹp mà tôi đi nhiều nơi chưa gặp”.

Tiền bắt đầu về

Từ ngày đi vào hoạt động, khu du lịch đỉnh Quế đã có nhiều du khách ghé thăm, người dừng chân ngắm cảnh núi rừng, người săn những bức ảnh đẹp, người ở lại để được sống gần với thiên nhiên… Cũng vì thế, mỗi tuần nhóm làm du lịch của ông Hạnh thu gần 3 triệu đồng. Đây là số tiền không lớn, nhưng giúp nhóm có thêm động lực.

Ông Apú, một thành viên của nhóm chia sẻ, cuộc sống thường ngày, bên cạnh việc lên nương, lên rẫy, giờ đây người dân vùng cao Tây Giang lại có thêm nghề mới - nghề làm làm du lịch sinh thái. Nhờ làm du lịch mà kinh tế gia đình ông đã có nhiều tiến triển, lại đỡ vất vả hơn đi rẫy nhiều.

Cũng theo ông Apú, du khách lên đây đến từ mọi miền Tổ quốc, còn khách nước ngoài chủ yếu là từ Hội An lên. Có nhiều khách, không chỉ đơn thuần lên tham quan, mà còn chọn làm nơi nghỉ dưỡng ngắn ngày. 

14-37-05_nh-6
Từ đỉnh Quế nhìn xuống các bản làng Cơ Tu như một bức tranh huyền ảo

“Từ những việc làm của chúng tôi đến giờ có thể khẳng định, nhóm chọn cách làm đúng, nó không những đem lại nguồn thu cho nhóm mà con quảng bá văn hóa Cơ Tu đến mọi người. Cứ đà này, không thể ngăn nổi chúng tôi mở rộng dự án đúng với dự định ban đầu - Khu du lịch sinh thái”, ông Apú nói.

Điều đáng nói, từ ngày khu du lịch ra đời những sản vật của bà con dân tộc Cơ Tu như: Thổ cẩm, mật ong rừng, rau rừng, tượng gỗ… đều được đưa ra đây bày bán để quảng bá. Do đó giúp nhiều hộ gia đình ở Tr’hy tiêu thụ sản phẩm, đem lại nguồn thu nhập cao.


ĐẮC THÀNH
Nguồn: NNVN
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo