Thành phố Hồ Chí Minh: Chung sức xây dựng nông thôn mới
10:25 - 07/09/2015
(TNNN) -  Xác định xây dựng nông thôn mới là cuộc cách mạng của toàn Đảng, toàn dân, của cả hệ thống chính trị, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân Thành phố chủ động xây dựng và triển khai Chương trình hành động, chỉ đạo thành lập và khẩn trương đi vào hoạt động.
Phong trào xây dựng Nông thôn mới ở thành phố Hồ Chí Minh được cấp Ủy, chỉnh quyền quan tâm, tạo điều kiện

(TNNN) -  Xác định xây dựng nông thôn mới là cuộc cách mạng của toàn Đảng, toàn dân, của cả hệ thống chính trị, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân Thành phố chủ động xây dựng và triển khai Chương trình hành động, chỉ đạo thành lập và khẩn trương đi vào hoạt động.


Thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, trong những năm qua thành phố đã đầu tư cho các xã của 5 huyện ngoại thành nhiều công trình xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu (tiêu chí 2 đến tiêu chí 9). Tính đến nay, đã huy động nguồn lực xã hội đầu tư được 5.196 công trình, bao gồm: giao thông - 1.107 công trình, thủy lợi - 321 công trình, điện - 477 công trình, trường học - 133 công trình, cơ sở vật chất văn hóa - 445 công trình, chợ - 42 công trình, bưu điện - 26 công trình, y tế - 24 công trình, 16 công trình khác và xóa 2.605 căn nhà tạm, dột nát.


Riêng về công trình giao thông đã nâng cấp, duy tu được 136km đường trục xã, liên xã; làm mới, nâng cấp 400km đường trục ấp, liên ấp, trục xóm, liên xóm và làm mới, nâng cấp gần 100km đường nội đồng. Qua đó, cơ bản giải quyết việc đi lại cho người dân ở các xã của 5 huyện ngoại thành, trong đó có nhiều địa bàn khó khăn, cách trở. Các công trình giao thông còn tạo bộ mặt khang trang, hiện đại cho các xã nông thôn mới ngoại thành TPHCM.


Phong trào “Thành phố chung sức xây dựng nông thôn mới” đã xóa 2.367/2.367 căn nhà tạm, dột nát tại 5 huyện; tổng kinh phí thực hiện xóa nhà tạm, dột nát và công tác an sinh xã hội (học bổng, hộ nghèo…) hơn 98,4 tỷ đồng. Tại 56 xã không còn nhà tạm, dột nát và không còn hộ nghèo so với chuẩn nghèo quy định của Trung ương (4,8 triệu đồng/người/năm), đạt tiêu chí hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 4 của Thành phố với mức từ 16 triệu đồng/người/năm trở xuống. Thu nhập bình quân hộ gia đình tại 56 xã đến cuối năm 2014 là 40,02 triệu đồng/người/năm.

Khoảng cách thu nhập giữa thành thị và nông thôn ngày càng thu hẹp qua các năm: năm 2008 - năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Trung ương Đảng lần thứ 7 (khóa X) – Nghị quyết 26, về nông nghiệp, nông dân, nông thôn – thu nhập bình quân đầu người ở thành thị là 2,359 triệu đồng/người/tháng; cao gấp 1,8 lần so với ở nông thôn; đến năm 2010, cao gấp 1,5 lần và đến cuối năm 2014 chỉ còn cao gấp 1,2 lần.


Chương trình đã góp phần tích cực nâng cao hiệu quả đầu tư của Thành phố trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. GDP ngành nông, lâm, ngư nghiệp của Thành phố bình quân giai đoạn 2011 - 2015 ước tăng 5,8%/năm. Giá trị sản xuất trên 01 ha đất canh tác đạt từ 158 triệu đồng/ha/năm năm 2010 tăng lên 325 triệu đồng/ha/năm năm 2014, tăng 2 lần so với năm 2010. Chương trình chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2011 – 2015 (Quyết định số 36/2011/QĐ-UBND ngày 10/6/2011, Quyết định số 13/2013/QĐ-UBND ngày 20/3/2013), đến nay có 4.504 quyết định phê duyệt, 15.328 hộ vay, tổng vốn đầu tư 6.759,8 tỷ đồng, tổng vốn vay 4.013 tỷ đồng, để sản xuất các loại cây trồng, vật nuôi, thủy sản, diêm nghiệp và ngành nghề nông thôn tại các quận huyện ngoại thành.


Quá trình 5 năm thực hiện, nhiều địa phương đã có những cách làm sáng tạo, huy động được cả hệ thống chính trị vào tham gia các nội dung, chương trình xây dựng nông thôn mới. Qua đó đã tạo được khí thế đồng thuận trong nhân dân, thu hút được nguồn lực quan trọng từ xã hội. Đã có 8.122 hộ dân tự giác hiến đất xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật với diện tích 841.570m2 đất (chiếm 30% tổng diện tích đường giao thông nông thôn đã thực hiện) và nhiều công trình, vật kiến trúc với tổng giá trị hơn 713 tỷ đồng; cộng đồng dân cư đóng góp hơn 97% trong tổng giá trị hơn 900 tỷ đồng đầu tư chăm lo việc học, chăm sóc sức khỏe, hoạt động văn hóa, bảo vệ môi trường… Những kết quả trên đã góp phần làm thay đổi cơ bản và toàn diện vùng nông thôn ngoại thành TPHCM những năm qua.


Xã Tân Thông Hội (huyện Củ Chi) được Trung ương chọn là một trong 7 xã điểm xây dựng nông thôn mới của cả nước. Thành phố cũng chọn xã Thái Mỹ làm thí điểm xây dựng nông thôn mới của thành phố. Đây vừa là vinh dự, vừa là trách nhiệm rất nặng nề của Đảng bộ, chính quyền và các đoàn thể, nhân dân huyện Củ Chi. Từ tháng 5-2009, xã Tân Thông Hội chính thức bắt tay vào xây dựng các tiêu chí nông thôn mới và lúc đó đã có 9/19 tiêu chí đạt chuẩn. Đến tháng 11-2011, xã được công nhận đạt 19/19 tiêu chí, trở thành xã nông thôn mới đầu tiên của cả nước. Đối với xã Thái Mỹ, lúc bắt đầu thực hiện đề án, xã đã đạt 7/19 tiêu chí và cũng hơn 2 năm sau thì hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới. 


Một thành công khác của Chương trình xây dựng nông thôn mới được người dân thấy khá rõ, đó là các công trình phục vụ dân sinh được xây dựng khang trang hơn, giúp người dân đi lại, làm ăn sinh sống thuận lợi hơn. Các chương trình xây dựng nông thôn mới còn giúp người dân cách làm ăn hiệu quả từ các mô hình chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp và qua đó tăng thu nhập, cải thiện đời sống, tăng hộ khá giả trên địa bàn. Qua 5 năm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, nhiều địa bàn khó khăn của huyện Nhà Bè gần như được “lột xác”. Một diện mạo mới mang tầm vóc phát triển của một đô thị nông thôn văn minh, hiện đại và phát triển đang làm thay đổi toàn bộ huyện Nhà Bè - địa phương nhiều năm xếp vào diện nghèo của thành phố.


Trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Nhà Bè nhiệm kỳ mới vừa được thông qua chương trình trọng điểm, tiếp tục thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, với mục tiêu hoàn thiện và nâng cao chất lượng các tiêu chí theo hướng bền vững, trong đó có chỉ tiêu nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 70% hiện nay lên hơn 90%; thu nhập bình quân đầu người từ 41,8 triệu đồng/người/năm hiện nay lên gần 70 triệu đồng/người/năm. Đây là một mục tiêu khó, nhưng với quyết tâm của toàn Đảng bộ, chắc chắn sẽ hoàn thành sớm nhất với kết quả cao nhất.


Qua 5 năm thực hiện, Chương trình xây dựng nông thôn mới đã phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị; khơi dậy, nuôi dưỡng và phát huy mạnh mẽ nguồn lực của cộng đồng dân cư nông thôn, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn mới và giúp cho nhiều xã sớm hoàn thành xây dựng 19 tiêu chí nông thôn mới.

 
 
Minh Hà
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo