Sau 5 tháng được chính thức cho phép thương mại hóa tại Việt Nam, ngô biến đổi gen đã được trồng ở một số vùng ở Sơn La đã cho thu hoạch, đạt năng suất trung bình 19 tấn/1ha (tính cả bắp tươi).
|
Gốc ruộng ngô đối chứng cỏ mọc um tùm (bên trái) so với ruộng ngô biến đổi gen sạch cỏ (bên phải) |
Trong 2 ngày 29 và 30.8, Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam (Bộ NNPTNT) đã tổ chức đoàn khảo sát mô hình trồng ngô biến đổi gen của Công ty Sygenta và Công ty Dekalb Việt Nam tại Mộc Châu (Sơn La) nhằm đánh giá chương trình “Ứng dụng và phát triển ngô biến đổi gen tại Việt Nam”. Mục tiêu của đợt khảo sát là phục vụ cho định hướng ứng dụng và phát triển cây trồng biến đổi gen ở Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 11 ngày 12.1.2006.
Ông Phan Văn Chi ở tiểu khu 9, xã Tân Lập (Mộc Châu – Sơn La) cũng có 4 ha đất trông ngô, nhưng năm nay là năm đầu tiên làm quen với giống ngô biến đổi gen nên chỉ thử nghiệm trồng 2ha giống NK66 BT/GT. “Tôi thấy trồng ngô biến đổi gen kỹ thuật cũng không có gì khác so với ngô lai thường, thậm chí còn đỡ tốn công chăm sóc hơn, đỡ cỏ, giảm sâu và năng suất tăng nên thu nhập cũng tăng. Gia đình tôi vừa thu hoạch 2ha, đạt năng suất trung bình 19 tấn/1ha (tính cả bắp tươi), nếu quy tỉ lệ hạt sấy khô là 57% thì vẫn đạt khoảng 10 tấn hạt khô/ha. Lợi nhuận tăng thêm 8 triệu so với trồng ngô lai thường” - ông Chi cho biết.
Ngày 17.3.2015, Bộ NNPTNT đã chính thức cho phép thương mại hóa ngô biến đổi gen tại Việt Nam. Đến nay, nhiều nông dân đã và đang tìm hiểu về giống ngô biến đổi gen so với ngô lai thường trước khi đưa ra quyết định có trồng giống ngô còn mới mẻ này.
Theo đánh giá của các chuyên gia Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, điểm khác biệt lớn nhất của ngô biến đổi gen so với ngô lai thường là giảm được công chăm sóc, kiểm soát cỏ dại, kháng lại 3 loại sâu chính phá hoại ngô là sâu khoang, sâu đục thân, sâu đục bắp. Trong đó, sâu gây hại lớn nhất thường là sâu đục bắp vì gần tới lúc thu hoạch, loại sâu này không chỉ phá hoại bắp mà còn làm cho bẹ ngô bị thủng làm nước mưa ngấm vào gây mốc ở bắp ngô.
Theo tính toán của người trồng thử nghiệm giống ngô mới này ở Mộc Châu, nhờ giảm được 1,6 triệu đồng tiền thuốc bảo vệ thực vật đồng thời góp phần tăng thêm năng suất nên lợi nhuận của người dân tăng thêm gần 8 triệu đồng/ha.
Giá giống ngô biến đổi gen bán tới tay người nông dân là 210.000 đồng/1kg, đắt gấp đôi giống ngô lai thường.