Thu chục tỷ mỗi năm từ sầu riêng, măng cụt
22:11 - 31/08/2015
Nhiều trang trại cho doanh thu hàng năm từ vài tỷ đến hàng chục tỷ đồng giúp cho nhiều nông dân trở thành tỷ phú nhờ cây ăn quả.
 
Bạt ngàn sầu riêng

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Đắk Nông, toàn tỉnh hiện có gần 1.000 trang trại, trong đó 90% là trang trại trồng trọt, phần còn lại là trang trại chăn nuôi. Nhiều trang trại đã tiên phong ứng dụng khoa học kỹ thuật để sản xuất sạch, giúp nâng cao thu nhập và tạo thương hiệu cho các loại nông sản.

Ông Nguyễn Ngọc Trung (xã Đắk Nia, thị xã Gia Nghĩa) là một trong những nông dân đầu tiên mạnh dạn đầu tư hàng chục tỷ đồng để trồng 60 ha sầu riêng tại Đắk Nông ngay từ những năm  đầu thành lập tỉnh (năm 2004).

Hiện trang trại của ông Trung đang có hàng chục nghìn gốc sầu riêng như: Thái Lan, RI 6... cho quả ổn định . Với sản lượng khoảng 400 tấn và giá xuất tại vườn trung bình 28.000 đồng/kg, năm nay trang trại của ông cho thu về hơn 10 tỷ đồng.

Nói về tâm cơ duyên với quả sầu riêng, ông Trung chia sẻ, ở đây do thổ nhưỡng khí hậu nên có một số thuận lợi so với các vùng miền khác, thành ra chất lượng cơm sầu riêng rất ngon. Mùa vụ thì trong cả nước sớm nhất là các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Rải rác dần dần lên miền Đông Nam Bộ rồi lên Tây nguyên rồi đi ngược ra Bắc. Nhờ đó nên thời điểm thu hoạch không trùng với nhau.

“Ngay từ đầu khi trồng sầu riêng, tôi quyết định làm theo hướng sầu riêng sạch để có thể đưa trái sầu riêng vươn xa”, ông Trung tâm sự.

Gần trang trại sầu riêng của ông Trung là trang trại trồng măng cụt của ông Trần Quang Đông, có diện tích 8 ha. Hiện hàng nghìn gốc măng cụt hơn 10 năm tuổi của ông Đông đang cho thu nhập ổn định với sản lượng khoảng 70 tấn mỗi năm.

Bên cạnh măng cụt, ông Đông còn trồng một số loại cây ăn quả khác như bơ, sầu riêng, cam quýt…

Ông Đông cho biết, sau nhiều năm thử nghiệm thấy măng cụt rất phù hợp với đất Đắk Nông. Hiện tại trái cây măng cụt đem ra thị trường được bạn hàng và người tiêu dùng đánh giá rất cao về chất lượng.

“Tôi tin rằng măng cụt Đắk Nông còn nhiều tiềm năng để phát triển lớn hơn nữa. Lợi thế là thời tiết tự nhiên làm lệch mùa với các vùng lân cận. Khí hậu làm trái măng cụt ngon, to, đẹp cả về mẫu mã, chất lượng. Khi tôi tìm hiểu về mực thủy cấp, đất đai, thổ nhưỡng thì Đắk Nông có lợi thế là tầng canh tác rất sâu và măng cụt là cây sống trên trăm năm. Nếu tầng canh tác càng sâu càng phát huy hiệu quả”, ông Đông chia sẻ thêm.

thu chuc ty moi nam tu sau rieng, mang cut - 2

Nông dân tạo nên thương hiệu cho sản phẩm trái cây.

Theo Hội Nông dân tỉnh Đắk Nông, nhiều năm nay, việc phát triển kinh tế trang trại, kinh tế hợp tác tại tỉnh được sự ủng hộ, hỗ trợ rất lớn từ cơ quan chức năng các cấp. Một số chủ trang trại đã mạnh dạn đầu tư lớn, đi đầu ứng dụng khoa học kỹ thuật cũng như tiên phong trồng thử nghiệm một số loại cây mới trên vùng đất đỏ bazan Đắk Nông.

Việc một số chủ trang trại xây dựng thương hiệu nông sản, trái cây sẽ giúp các hộ sản xuất nhỏ lẻ thuận lợi hơn trong tiêu thụ sản phẩm, cũng định hướng phát triển cho các hộ này. Thời gian tới đây Hội sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan và chính quyền các địa phương mở rộng các tổ hợp tác trong nông nghiệp, cũng như hỗ trợ nông dân phát triển các mô hình nông nghiệp sạch như VietGAP, GlobalGAP nhằm giúp nông dân mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, phát triển nông nghiệp bền vững hơn.

Ông Nguyễn Văn Xá - Phó Chủ tịch Hội nông dân tỉnh Đắk Nông cho biết: “Hiện trên địa bàn tỉnh có nhiều trang trại, gia trại mạnh dạn đầu tư tiền vốn, khoa học kỹ thuật để đảm bảo đưa chất lượng sản phẩm lên. Có nhiều hộ thu nhập cả chục tỷ mỗi năm. Yếu tố quan trọng nhất là những chủ trang trại này tập trung được nguồn vốn, kỹ thuật để nâng cao chất lượng. Để xây dựng thương hiệu thì phải có những mô hình kinh tế hợp tác như tổ hợp tác, trang trại, gia trại”.

Theo số liệu báo cáo của Sở NN&PTNT Đắk Nông tổng, diện tích các trang trại của tỉnh hiện gần 7.000 ha, tạo việc làm cho khoảng 13.000 lao động, thu nhập bình quân 1,1 tỉ đồng/trang trại/năm. Kinh tế trang trại đang giúp ngành nông nghiệp tỉnh Đắk Nông, vốn là ngành kinh tế chính của tỉnh, có thêm bước phát triển mới, phát huy được các tiềm năng sẵn có, tạo thêm công ăn việc làm và bước đầu hình thành thương hiệu nông sản.

Đức Cường
Nguồn: Dân Trí
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo