“Ông bụt” ở cánh đồng Chó Ngáp
09:00 - 08/09/2015
Nằm lọt thỏm trong cánh đồng Chó Ngáp, gia đình ông Nguyễn Thanh Hải, ấp 2B, xã Phong Thạnh Tây A, huyện Phước Long (Bạc Liêu) được nhiều người khâm phục bởi những nghĩa cử cao đẹp đối với cộng đồng.

Vợ chồng ông Nguyễn Văn Hải và bằng khen của Nhà nước trao tặng vì những đóng góp cho ngành giáo dục, xây dựng nông thôn mới…

Cuộc sống tuy còn nhiều khó khăn, nhưng vợ chồng ông Hải đã hiến hơn 1ha đất để địa phương xây dựng trường học và các công trình phúc lợi xã hội khác. Đáng quý hơn, số đất này là do ông làm thuê mấy chục năm trời mới mua được.

“Mấy đứa con hỏi sao ba mẹ “dại” thế. Đất ở đây 1 công (1.000m2) có giá đến mấy cây vàng, ai đời cho không. Vợ chồng tui chỉ biết cười, rồi từ từ phân tích cho chúng nghe. Cái mất ở đây là mất hơn 1ha đất của gia đình, nó không đáng gì, nhưng cái được thì có ý nghĩa biết bao. Đó là chuyện gần 1.000 học sinh có chỗ học tốt, bà con có nơi sinh hoạt văn hóa…” - ông Hải tâm sự.

Còn nhớ, cách đây chưa lâu, để có được cái ăn, cái mặc, vợ chồng ông Hải còn phải đi làm mướn. Hàng ngày, ông đi làm thuê đủ nghề từ cấy lúa, dọn cỏ… Hết mùa, ông lại ôm cưa, đục đi làm thợ mộc. Còn bà Đinh Thị Phận - vợ ông Hải ngoài việc bán bún dạo ở chợ Phước Long, còn có nhiệm vụ chăm sóc cho 3 đứa con khôn lớn.

Năm tháng dần trôi, số tiền tích lũy của hai vợ chồng ông Hải cuối cùng cũng mua được mấy công đất phèn trũng ở ấp 2B. “Vùng này đất đai nhiễm phèn mặn, khó sản xuất nên không ít người kêu bán, lúc đó hễ ai bán là tui tìm đến hỏi mua chịu. Chỉ trong vòng 10 năm, tui đã mua được hơn 2ha đất sản xuất lúa mùa…” - ông Hải cho biết.

Đất ruộng mang lại nhiều lúa, gạo, mỗi vụ có đồng ra đồng vào, nhưng vợ chồng Hải cứ cảm thấy bứt rứt trước cảnh trẻ nhỏ trong vùng học tập trong ngôi trường dột nát, chật hẹp. Năm 2005, thấy gần 700 học sinh Trường THCS Phong Thạnh Tây A phải học trong điều kiện khó khăn, ông bàn với vợ rồi tự nguyện viết đơn gởi lên xã xin hiến 7.000m2 đất cho địa phương xây trường.

Ngoài ra ông còn tự bỏ tiền túi mua hàng chục cây xanh đem về trồng quanh trường tạo bóng mắt cho học sinh vui chơi. Ông Hải thổ lộ: “Tôi hiến đất xây trường là để tạo điều kiện cho thầy cô đào tạo các cháu thành những người có ích phục vụ quê hương. Thời mình do chiến tranh, cộng với cái nghèo nên không được học hành đàng hoàng. Bây giờ tuy không giàu, nhưng mình phải làm cái gì đó để đáp lại cái tình của quê hương đã cưu mang mình”.

Đến năm 2010, khi Nhà nước phát động phong trào xây dựng nông thôn mới, gia đình ông Hải tiếp tục hiến thêm 4.000m2 đất xây dựng lộ, nhà sinh hoạt văn hóa… “Đất như ruột, gan của người nông dân, nhưng nếu so sánh giữa đất và tương lai các cháu, dù có cho tôi chọn lại thì tôi cũng làm như vậy” – ông Hải quả quyết.

Hoàng Hạnh
Nguồn: danviet
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo