Nuôi tôm hiệu quả hơn nhờ luân canh
17:21 - 30/09/2015
(TNNN) - Theo cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT cho biết 9 tháng đầu năm 2015, cả nước đã thả nuôi được hơn 650.000 ha tôm nước lợ, với lượng tôm giống là 80 tỉ con, sản lượng thu hoạch gần 320.000 tấn.
Nuôi tôm luân canh giúp tăng năng suất và chất lượng tôm, đem lại lợi nhuận cao hơn cho nông dân. Ảnh minh họa

Tuy nhiên, người nuôi tôm nước lợ đang gặp nhiều khó khăn từ thời tiết và thị trường. Cụ thể, người nuôi gặp nhiều khó khăn như điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp, giá thị trường không ổn định, dịch bệnh xảy ra liên tục gây thiệt hại trên tôm nuôi, dẫn đến sản lượng tôm nước lợ 9 tháng đầu năm giảm so với cùng kỳ.


Vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long của Việt Nam đang chịu ảnh hưởng ngày càng tăng từ những hiệu ứng của biến đổi khí hậu. Việc xâm nhập mặn liên tục đã tạo ra một hệ sinh thái mới khiến nông dân ở ba tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang phải xoay vòng giữa nuôi tôm và trồng lúa. Trong những tháng đầu năm, vào mùa khô, khi độ mặn của đất trong khu vực tăng, người nông dân bắt đầu nuôi tôm. Khi những cơn mưa lớn đến vào mùa hè, độ mặn của đất được rửa sạch và người nông dân buộc phải chuyển sang trồng lúa với hiệu quả lợi nhuận thấp cho đến khi độ mặn của đất tăng trở lại. Tuy nhiên, theo truyền thống, người nông dân chỉ chủ yếu tập trung vào việc nuôi tôm và chưa nhận ra lợi ích tiềm năng của trồng lúa do những hạn chế của kỹ thuật canh tác lúa và thiếu giống lúa phù hợp.

                   
Diện tích nuôi tôm sú ước đạt 577.300 ha, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm ngoái, sản lượng ước đạt 189.000 tấn, giảm 1,6%. Tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, diện tích tôm sú tăng 3,6% so với cùng kỳ năm ngoái, ước đạt 555.411 ha, sản lượng ước đạt 177.287 tấn, giảm 5,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, một số tỉnh có sản lượng giảm đáng kể như Cà Mau giảm 15,4%, Trà Vinh giảm 3,5%, Sóc Trăng giảm 22%.


Diện tích tôm thẻ chân trắng ước đạt 76.300 ha, giảm 9,3% so với cùng kỳ năm trước, sản lượng ước đạt 218.000 tấn, giảm 8,2%. Diện tích và sản lượng tôm thẻ chân trắng vùng ĐBSCL 9 tháng đầu năm 2015 đều giảm so với cùng kỳ năm trước, diện tích ước đạt 52.672 ha, giảm 8,9%; sản lượng ước đạt 139.086 tấn, giảm 16,9%. Trong đó, Trà Vinh diện tích giảm 10,6%, sản lượng giảm 28,2%.


Để khắc phục tình trạng này, công ty Bayer CropScience đã phối hợp với Khoa Thủy Sản, trường Đại học Cần Thơ và Trung tâm Khuyến Nông - Khuyến Ngư các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang triển khai đề tài nghiên cứu khoa học có tên “Tác động tích cực của giống lúa lai Arize B-TE1 đến hiệu quả nuôi tôm ở vùng tôm lúa Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang.


Đề tài này đã được nghiên cứu thực tế từ năm 2012 đến 2014 với mục đích tìm hiểu cơ chế và chứng minh tác động tích cực của giống lúa lai Arize B-TE1 đến hiệu quả nuôi tôm. Nghiên cứu được phối hợp thực hiện với Khoa Thủy Sản, trường  Đại học Cần Thơ và Trung tâm Khuyến Nông - Khuyến Ngư các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang; cùng nông dân tại các địa phương trên.


Theo kết quả nghiên cứu, giống lúa lai Arize B-TE1 đem lại hiệu quả tích cực cho môi trường nuôi tôm nhờ vào đặc điểm của giống, trong đó có hệ thống rễ khỏe mạnh. Quần thể các vi sinh vật có lợi và các loài thủy sinh làm thức ăn cho tôm tại các cánh đồng trồng lúa lai Arize B-TE1 cao hơn. Đồng thời, tại các cánh đồng trồng lúa lai Arize B-TE1 có ít vi sinh vật có hại hơn. Kết quả năng suất vụ tôm cao hơn, chất lượng tôm tốt và to hơn, đem lại lợi nhuận cao hơn cho người nông dân – tăng đến 45% lợi nhuận.


Riêng hình thức tôm-lúa (luân canh một vụ tôm, một vụ lúa) thời gian qua phát triển khá ổn định và thể hiện tính bền vững cao. Đến nay toàn vùng đạt 160.000 ha, năng suất đạt từ 300-500 kg/ha, sản lượng trên 60.000 tấn/năm. Mô hình tôm-lúa chủ yếu phát triển mạnh tại các tỉnh Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Tiền Giang, Sóc Trăng, Bến Tre… với tổng diện tích tiềm năng khoảng 250.000 ha.
 

Giống lúa lai Arize B-TE1 đã được sử dụng rộng rãi trong luân canh tôm-lúa nhờ vào hiệu quả kinh tế cao đối với cả vụ lúa và vụ tôm. Mỗi năm, hơn 20 ngàn ha giống lúa này được trồng, thu hút hơn 20 ngàn gia đình nông dân các vùng nước lợ của ba tỉnh. Đề tài khoa học này được thực hiện để chứng minh tác động tích cực của giống lúa lai Arize B-TE1 lên việc nuôi tôm.


Cho đến nay, đề tài đã cho thấy kết quả tích cực – chứng minh rằng luân canh tôm-lúa với giống lúa lai Arize B-TE1 không chỉ có hiệu quả kinh tế cao mà còn đồng thời có tác động tích cực đến hệ sinh thái và môi trường.


Với mục tiêu phát triển 200.000-250.000 ha tôm-lúa, sản lượng tôm thương phẩm 100.000-150.000 tấn, nông dân sẽ có doanh thu trên 20.000 tỉ đồng, tương đương 1 tỉ USD. Mục tiêu này hoàn toàn có thể đạt được nếu có sự đầu tư và khai thác hết các tiềm năng lợi thế.
 
Thành Công
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo