Nghề trồng dâu nuôi tằm vượt khó
11:00 - 27/10/2015
(TNNN)- Từ xa xưa, nông dân ta đã có câu “Nuôi lợn ăn cơm nằm, nuôi tằm ăn cơm đứng” để hình dung về sự vất vả của nghề trồng dâu nuôi tằm. Những năm qua, nghề này đã trải qua một giai đoạn nhiều khó khăn, không ổn định do thiếu nguồn giống dâu có năng suất, chất lượng cao, quy trình thâm canh chưa thực sự hiệu quả; sự liên kết giữa người trồng dâu và nuôi tằm chưa tốt; việc ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất còn hạn chế... dẫn đến năng suất, chất lượng dâu thấp, hiệu quả kinh tế không cao… 
Ảnh minh họa


Thời gian qua, do sự cạnh tranh của thị trường tơ thế giới, thu nhập từ nghề trồng dâu nuôi tằm ươm tơ thấp so với mặt bằng chung của các ngành nghề cây trồng khác. Mặt khác năng suất, chất lượng trồng dâu nuôi tằm còn thấp. Ngành dâu tằm chủ yếu nhập giống dâu, giống tằm, khâu chuyển giao công nghệ - kỹ thuật chưa được chú trọng nên năng suất dâu, kén, tơ thấp, giá thành không ổn định. Công tác quản lý nhà nước về sản xuất, cung ứng giống tằm không chặt chẽ, thiếu những mô hình thâm canh dâu tằm hiệu quả. Phát triển dâu tằm còn mang tính quảng canh, theo phong trào, vì thế chất lượng tơ kén thấp, giá thành không ổn định, sức cạnh tranh kém, các đơn vị chế biến tơ có thời kỳ lâm vào cảnh khó khăn, thua lỗ kéo dài. Thực trạng này làm cho ngành dâu tằm phát triển không ổn định, kém hiệu quả và thiếu bền vững.
 
Các sản phẩm của tơ tằm được tiêu dùng trong nội địa và xuất khẩu qua các thị trường như: Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc, Mỹ, Lào, Campuchia, Ý, Pháp... Tuy nhiên, hiệu quả của việc xuất khẩu sản phẩm này còn chưa cao do chất lượng kén, tơ thường không ổn định. Tiêu chuẩn chất lượng còn chưa đáp ứng được yêu cầu của nhà nhập khẩu (doanh nghiệp chưa kiểm soát được chất lượng nguyên liệu đầu vào, nguyên liệu mua trôi nổi trên thị trường). Các sản phẩm chưa phong phú, thường nhận gia công cho các đơn vị nước ngoài khi có đơn hàng... Nhà xưởng, thiết bị và công nghệ chế biến chưa được quan tâm đầu tư đổi mới (thiết bị thường không đồng bộ, nhà xưởng chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất, chỉ một số doanh nghiệp lớn và có sản phẩm xuất khẩu mới quan tâm đầu tư công nghệ mới và đồng bộ). Trình độ quản lý chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất và yêu cầu của thị trường (các doanh nghiệp chủ yếu vẫn sản xuất theo quy mô gia đình, cán bộ chuyên trách cho việc quản lý chất lượng rất hạn chế, nếu có thì chỉ là cán bộ kiêm nhiệm).
 
Một nguyên nhân khác dẫn đến diện tích dâu giảm là do bà con trồng manh mún, nhỏ lẻ nên gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm kén. Khó khăn khác nữa là lực lượng lao động có tay nghề, có kiến thức đối với ngành dâu tằm tơ bị mai một, số còn lại đang khao khát việc làm bởi nhiều nhà máy bị phá sản.
 
Tại Quảng Ngãi, nghề trồng dâu nuôi tằm phát triển mạnh nhất vào thời điểm năm 1990 đến năm 2000, thời điểm này huyện Nghĩa Hành có khoảng trên 100 hộ, ở các xã Hành Dũng, Hành Nhân, Hành Phước, Hành Thịnh, Hành Thiện. Tuy nhiên từ đầu năm 2003 giá kén trên thị trường xuống thấp, nhiều gia đình đã chặt bỏ cây dâu để chuyển sang các cây trồng khác cho hiệu quả cao hơn như đậu, bắp, mì…. Do đó, đến nay nghề này chỉ còn lại khoảng trên 20 hộ chủ yếu là ở xã Hành Thịnh, Hành Nhân và Hành Dũng.
 
Tại Bắc Ninh, làng nghề tơ tằm Vọng Nguyệt thuộc xã Tam Giang, huyện Yên Phong đã tồn tại nghìn năm nay. Tuy nhiên, khoảng gần 7 năm trở lại đây, cả làng Vọng Nguyệt còn khoảng 10 hộ bám trụ với nghề nhưng cũng chỉ ươm tơ, cắt kén, bán nhộng thương phẩm và 3 hộ mua kén chất lượng từ các nơi khác về dệt tơ.
 
Mặc dù vào chính vụ sản xuất dâu tằm nhưng nay, những nương dâu bạt ngàn, xanh mướt chỉ còn những bãi đất trống. Sự tác động của kinh tế thị trường, vướng mắc trong đầu tư công nghệ và đầu ra sản phẩm khiến cho nhiều người làng Vọng Nguyệt không còn mặn mà với nghề truyền thống. Một số gia đình nuối tiếc muốn bảo tồn nghề phụ từ thời cha ông truyền lại, mặc dù còn quay tơ nhưng họ không sản xuất khép kín từ trồng dâu, nuôi tằm, tạo kén, quay tơ như trước đây nữa, thay vào đó, họ đi khắp nơi tìm mua kén chất lượng cao về lấy tơ, nhưng cũng chỉ sản xuất một cách cầm chừng.
 
Do không tìm được đầu ra cho sản phẩm, tiêu thụ phần lớn phải qua khâu trung gian, hầu hết các hộ sản xuất trong thôn "ngại" đầu tư trang, thiết bị, máy móc hiện đại. Tơ tằm Vọng Nguyệt vẫn được làm theo hình thức thủ công, lạc hậu nên sản phẩm tơ không cạnh tranh được với công nghệ mới. Chính sự bế tắc này càng khiến giới trẻ trong thôn không còn mặn mà với nghề truyền thống, nghề làm tơ tằm đang đối mặt với nguy cơ thất truyền.
 
Những năm gần đây, nghề trồng dâu nuôi tằm đã có một số đổi thay quan trọng trong quá trình tiến lên chuyên nghiệp hóa. Trên khắp mọi miền đất nước xuất hiện ngày càng nhiều những mô hình trồng dâu nuôi tằm có hiệu quả.
 
Tại tỉnh Lâm Đồng, với nhiều cách thức nuôi tằm mới cùng với nhiều giống dâu cho năng suất, chất lượng cao đã giúp nghề trồng dâu, nuôi nằm dần được “hồi sinh”. Nuôi tằm dưới nền nhà, nuôi bằng né gỗ và trồng dâu lai là những cách làm mới giúp giảm công lao động, tăng chất lượng kén mà nhiều hộ nông dân tại các huyện phía Nam Lâm Đồng đã áp dụng. Qua khảo sát tại nhiều hộ trồng dâu nuôi tằm, bình quân 1ha dâu sử dụng để nuôi tằm, người nông dân thu được lợi nhuận khoảng 70 - 120 triệu đồng/năm. Hiện diện tích trồng dâu của huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng đạt 1.498/3.741 ha trong toàn tỉnh với sản lượng lá dâu đạt 18.438 tấn. 3 huyện phía Nam là Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên cũng đang “ăn nên làm ra” từ nghề này. Hiện toàn huyện Đạ Huoai có khoảng 290ha dâu, huyện Cát Tiên 45ha. Với giá kén như hiện tại thì bình quân thu nhập trên 1ha trồng dâu đạt từ 150 - 200 triệu đồng/năm.
 
Đặc biệt, Công ty TNHH Dệt Tơ Tằm Vietsilk được thành lập từ năm 2012. Năm 2013 đã xuất khẩu sản phẩm đạt tiêu chuẩn vào thị trường Nhật Bản. Từ đó sản phẩm dệt tơ tằm do Công ty Vietsilk sản xuất đã khẳng định được thương hiệu Lụa tơ tằm Bảo Lộc tại thị trường Nhật. Năm 2013 doanh thu của công ty đạt 86 tỷ VNĐ, 10 tháng 2014 đã đạt 100 tỷ. Đảm bảo đời sống cho gần 150 lao động với thu nhập từ 4,5 đến 6,5 triệu đồng/tháng sau khi đã thực hiện đầy đủ các chế độ BHYT.
 
Tại làng nghề dâu tằm Phú An (thôn Phú An, xã Đức Hiệp, Mộ Đức, Quảng Ngãi), hiện nay còn khoảng trên 30 hộ gia đình sống với nghề dâu tằm. Cách nuôi hiện nay chia 2 giai đoạn: Từ trứng lên tằm con mất 10 ngày, từ tằm con lên tằm lớn lấy kén cũng mất 10 ngày. Về chế độ cho ăn, tằm con 7 lần/ngày đêm, tằm lớn 5 lần/ngày đêm. Người nuôi thực hiện chuyên môn hóa ở mỗi giai đoạn. Nhờ vậy mà người nuôi có đủ kinh nghiệm trong chăm sóc tằm, trị bệnh, cho ăn… Với cách nuôi như thế mỗi tháng được hai lứa rưỡi. Mỗi năm hành nghề từ tháng giêng đến hết tháng 9 âm lịch. Sử dụng lượng lá dâu trên 10 sào để nuôi giai đoạn tằm lớn, mỗi lứa thu được khoảng 54kg kén, bán ra được khoảng 4,5 triệu đồng. Mỗi tháng người nuôi thu nhập được hơn 10 triệu đồng.
 
Tại Vĩnh Phúc, thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, bà con nông dân xã Bắc Bình, huyện Lập Thạch đã chuyển đổi nhiều vùng đất trồng hoa màu kém hiệu quả trước đây sang trồng dâu nuôi tằm, trở thành nghề chính đem lại thu nhập cho các hộ gia đình. Hiện người dân đã có cách làm mới nên toàn bộ diện tích dâu đều sinh trưởng, phát triển tốt, đáp ứng nguồn thức ăn dồi dào cho tằm. Bên cạnh đó, khi nuôi người dân đã cải tiến và áp dụng khoa học kỹ thuật nên mỗi lứa tằm đều có sức sống tốt. Với giá bán hiện nay là 110.000 đồng/kg kén, tằm chín đến đâu có thương lái đến tận nhà thu mua hết đến đó, trung bình mỗi gia đình có thu nhập khoảng 50 triệu đồng/năm. Hiệu quả từ mô hình này đã giúp người dân nơi đây vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng.
 
Thị trường thế giới hiện vẫn thiếu đến 40% nhu cầu về lụa tơ tằm. Việt Nam lại có nhiều lợi thế cạnh tranh trong ngành này, vì lao động rẻ, lại giàu kinh nghiệm. Trong khi đó, đây là nghề làm hoàn toàn bằng thủ công. Với tiềm năng, lợi thế sẵn có, việc các địa phương từng bước phát triển nghề trồng dâu, nuôi tằm theo hướng sản xuất hàng hóa sẽ góp phần tăng thu nhập, ổn định đời sống cho bà con nông dân.

Hoài Nam
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo