Ông Hùng cho biết, khi trồng cây phải để lá cây chếch theo hướng đông – tây để cây có thể đón nhận được ánh sáng tốt nhất. Trước khi trồng, ngoài việc trộn phân chuồng, vôi bột với đất, cần phải bỏ thêm khoảng 2 xẻng cát dưới gốc. Việc này vừa làm mát gốc vừa chống mối xông vào thân cây.
|
Vợ chồng ông Hùng đang hái chọn bưởi mời khách tại vườn của gia đình ở huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình. Ảnh: Trần Quang |
Từ việc trồng được những cây bưởi sai quả kỷ lục lên đến trên dưới 500 quả/cây, gia đình ông Trần Hùng (81 tuổi) ở huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình đã phát tài, có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Nổi tiếng nhờ cây bưởi “trăm quả”
Từ một gia đình khó khăn, nhờ trồng thành công giống bưởi đỏ nhiều quả, đến giờ gia đình ông Hùng đã vươn lên thuộc tốp hộ giàu có nhất, nhì trong vùng. Nhiều người còn gọi ông Hùng là “tiên bưởi”, “vua bưởi” cũng không mấy ngoa ngôn.
Nghe nói cũng khó tin một cây bưởi có đến 800 quả, nhưng đến vườn ông Hùng, chúng tôi bị choáng ngợp. Cả vườn bưởi rộng hàng nghìn m2, có đến hàng trăm cây bưởi đỏ và da xanh, cây nào cũng sai trĩu quả, có trên 50 cây bưởi đỏ, chúng tôi đến tận gốc “mục sở thị” đều trên 400 quả, cây sai nhất lên đến trên 800 quả.
Ông Hùng cho biết, mỗi năm vườn bưởi của ông bán ra thị trường hàng nghìn quả bưởi đỏ và da xanh, cùng với hàng vạn cây giống, mang về cho ông nguồn thu hàng tỷ đồng mỗi năm. Theo ông Hùng, thời điểm năm 2014, có cây bưởi ông thu quả bán được trên 20 triệu đồng/cây, nhưng theo giá thị trường năm 2015 này, vườn bưởi của ông sẽ có cây nhiều quả bán được 30 - 40 triệu đồng/cây. “Khi bưởi chưa chín, đã có nhiều thương lái đến nhà trả 40.000 đồng/quả nhưng tôi chưa muốn bán vì chờ đến khi chín, giá sẽ nhích lên thêm” – ông Hùng chia sẻ.
Bí quyết “trồng 2 cây vào 1 hố”
Theo ông Hùng, bưởi thì ai cũng có thể trồng, nhưng để bưởi ra nhiều quả đều, đẹp thì không phải ai cũng làm được mà cần phải có kinh nghiệm và bí quyết riêng mới có thể thành công.
"Khi trồng xong, bà con cần chú ý chăm sóc vườn thường xuyên, như việc làm sạch cỏ, tỉa bỏ các cành vượt, cành sâu bệnh. Tưới dặm nếu nắng gắt, thoát nước khi bị úng. Tỉa bớt hoa quả vào năm chúng ra quá nhiều, làm cho bưởi kiệt sức. Thu hoạch tập trung và tăng cường phân bón vào những năm được mùa” .
Ông Trần Hùng
|
“Muốn trồng được cây bưởi có trên 500 quả, bà con chỉ cần chú ý khi tiến hành trồng phải chọn được giống chuẩn là bưởi đỏ và phải chọn đất gò đồi để hạ giống. Khi trồng bà con nên đào hố, bỏ phân và trồng kép (2 cây vào 1 hố) để tránh tình trạng cây bị chết và các hố trồng phải cách nhau đúng 7m thì khi bưởi phát triển mới đủ khoảng cách để tán cây tỏa ra lấy chất dinh dưỡng” – ông Hùng tiết lộ.
Hiện, trong vườn nhà ông Hùng có 2 giống bưởi mà ông đã tuyển chọn thành công là bưởi đỏ và bưởi da xanh của miền Nam. Bưởi đỏ được coi là giống quý ở miền Bắc và đây là giống cây chủ lực ông muốn nhân rộng.
Năm 2014, ông Hùng đã bán được 30.000 đồng/quả bưởi đỏ, bưởi da xanh được 90.000 đồng/quả. Chỉ với hơn 100 cây bưởi, ông đã thu về trên 400 triệu đồng. Thu hoạch từ quả chỉ là một phần nhỏ trong kế hoạch mở rộng sản xuất của ông Hùng. Vì đây là giống bưởi quý lại dễ trồng và chăm sóc nên ông đang tích cực nhân giống để bán cho bà con quanh vùng.
Mỗi năm, vườn bưởi nhà ông cung cấp ra thị trường hàng nghìn cây giống. Ai đến mua cây cũng được ông Hùng hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc tỉ mỉ từng công đoạn. Theo ông Hùng, bưởi đỏ tuy không kén đất, nhưng phải được chăm sóc đúng lúc.
Ông Hùng cho biết, khi trồng cây phải để lá cây chếch theo hướng đông – tây để cây có thể đón nhận được ánh sáng tốt nhất. Trước khi trồng, ngoài việc trộn phân chuồng, vôi bột với đất, cần phải bỏ thêm khoảng 2 xẻng cát dưới gốc. Việc này vừa làm mát gốc vừa chống mối xông vào thân cây. Đây là những kinh nghiệm xương máu sau mấy chục năm ông Hùng mới đúc rút được.
Ông Hùng cho biết thêm, cây bưởi cần nhiều nước, nhất là trong thời kỳ ra hoa và kết quả nhưng cũng không chịu ngập úng. Trong mùa nắng và những ngày khô hạn mùa mưa, cần phải tưới nước để duy trì sự phát triển nhanh của cây. Độ mặn trong nước tưới không quá 0,2% (2g/lít nước). Đất trồng phải có tầng canh tác dày ít nhất 0,6m, thành phần cơ giới nhẹ hoặc trung bình. Đất tơi xốp, thông thoáng, thoát nước tốt, pH nước từ 5,5-7, có hàm lượng hữu cơ cao >3%, mực thủy cấp dưới 0,8m.
Về thời điểm trồng, theo ông Hùng, bưởi có thể trồng quanh năm, song nên trồng vào đầu mùa mưa để tiết kiệm công tưới. Cũng có thể trồng vào cuối mùa mưa nếu có đủ điều kiện tưới trong mùa nắng.
Cũng theo ông Hùng, khi trồng chú ý, ở nơi đất cao cần đào hố ngang mặt đất và đắp vồng để dễ tưới trong mùa nắng, mùa mưa phá vồng để cây khỏi bị úng nước và chảy khi úng. Quanh vườn nên đào mương rộng 1,5 - 2m, sâu 1-1,2m và đắp bờ cao; mương nội đồng rộng 0,5-1m, sâu 0,8-1m. Nếu đất chua cần bón vôi để nâng pH = 5,5 - 6. Nên chú ý đặt cống để điều tiết nước…
Anh Nguyễn Xuân Tuấn, một chủ trang trại tổng hợp lớn ở TP.Hòa Bình cho biết: Là người đi nhiều nơi ở Việt Nam, nhưng tôi chưa thấy bưởi ở đâu trồng có nhiều quả như bưởi do ông Hùng trồng, không những nhiều quả mà các quả trên cây đều, đẹp, đây chính là điều đặc biệt bí hiểm cần các nhà khoa học nghiên cứu để nhân giống cho bà con nông dân trong cả nước làm theo.
“Hiện, tôi cũng đã mua 500 cây giống bưởi đỏ và da xanh của ông Hùng về trồng thử nghiệm, hiện đang phát triển rất tốt, hứa hẹn sẽ cho nhiều quả như các cây bưởi trong vườn của ông” – anh Tuấn chia sẻ.
Bà con muốn liên hệ mua bưởi giống hay tư vấn kỹ thuật liên hệ với ông Trần Hùng qua số điện thoại: 01697691501.
Ông Nguyễn Xuân Hồng - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cây có múi (Viện Nghiên cứu Rau quả, Bộ NNPTNT): Chưa thấy ai trồng được bưởi sai quả như thế
Tại vườn nhà ông Hùng đang trồng 2 giống bưởi, đó là bưởi da xanh có nguồn gốc từ tỉnh Bến Tre và bưởi đỏ có xuất xứ ở Ba Vì (Hà Nội). Bưởi đỏ là một giống bưởi quý, được người Pháp đưa sang trồng tại các đồn điền ở Ba Vì từ trước đây, đến giờ vẫn đang được người dân duy trì, phát triển tốt. Song, chưa ai có thể trồng được các cây bưởi ra nhiều quả như thế.
Theo khảo sát của chúng tôi tại vườn của ông Hùng mùa vụ 2014 vừa qua, nhiều cây bưởi có 200 đến hơn 300 quả, các quả thường ít hoặc không có hạt. Thời điểm chín vào trung tuần tháng 8 (đúng dịp rằm trung thu). Theo ông Hùng, nhờ cách trồng ghép (2 thân trong 1 bầu) và các kỹ thuật chăm sóc riêng. Đây là phương pháp khá lạ, chưa được chúng tôi kiểm chứng thực tiễn nên đang tiếp tục được trung tâm đưa về nghiên cứu tiếp.
Về việc ông Hùng để nhiều quả trên một cây như thế theo chúng tôi cũng sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến khả năng cho quả của cây vào các năm sau. Thông thường, người trồng bưởi muốn cây ra quả nhiều trong một năm nào đó, thì họ sẽ chăm sóc và để hoa và quả nhiều, tuy nhiên đến các năm tiếp sau đó, quả trên các cây đó sẽ ít dần hoặc không có quả hẳn.
Tuy nhiên, việc để quả như thế không ảnh hưởng đến chất lượng của các quả. Bưởi đỏ Tân Lạc vẫn có chất lượng ngon, mẫu mã đẹp như bình thường. Bởi theo nghiên cứu và qua thực tiễn, chúng tôi thấy, bưởi càng sai đều quả thì chất lượng bao giờ cũng tốt hơn các cây thưa quả.
Đăng Quang (ghi)