|
Tham gia tổ Hội trồng lúa, được trao đổi kinh nghiệm giữa các hội viên, nông dân sẽ giúp cây lúa phát triển tốt hơn |
Trước đây, vẫn tồn tại một thực tế là hầu hết tổ Hội được tổ chức theo địa bàn dân cư để tiện cho việc đi lại và sinh hoạt của hội viên. Tuy nhiên, việc sản xuất của hội viên lại rất đa dạng như: Chuyên trồng lúa, trồng tranh, trồng rau màu, chăn nuôi bò, nuôi heo, nuôi vịt… do đó nội dung sinh hoạt không thiết thực với điều kiện sản xuất của từng hộ, từ đó mà hội viên không cảm thấy thiết tha khi sinh hoạt Hội.
Xuất phát từ tình hình thực tế trên, hoạt động của tổ Hội theo địa bàn dân cư gặp rất nhiều khó khăn trong sinh hoạt, chủ yếu các nội dung tuyên truyền là các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các nhiệm vụ của Hội, còn việc bàn và trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất của từng hộ hội viên thì không phù hợp với điều kiện sản xuất của từng hộ gia đình. Cũng từ nguyên nhân đó mà có ít hội viên muốn tham gia sinh hoạt Hội.
Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đã chỉ đạo, hướng dẫn sắp xếp lại và thành lập tổ Hội theo nghề nghiệp. Đối với những hộ hội viên có cùng ngành nghề sản xuất thì thành lập tổ Hội theo nghề nghiệp như: Tổ Hội trồng lúa, tổ Hội trồng chanh, tổ trồng rau màu, tổ Hội trồng hoa kiểng, tổ Hội chăn nuôi heo, nuôi bò, nuôi cá, nuôi tôm, tổ đan lục bình, đan chiếu…
Tính từ năm 2013 đến nay, trong chỉ tiêu thi đua hàng năm, Hội Nông dân tỉnh giao cho mỗi cơ sở Hội phải sắp xếp hoặc thành lập mới được ít nhất 01 tổ Hội nghề nghiệp và hoạt động có hiệu quả.
Qua quá trình triển khai và tổ chức thực hiện, đến nay toàn tỉnh đã có 429 tổ Hội nghề nghiệp với 5.600 hội viên hoạt động trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, ngành nghề. Nội dung sinh hoạt các tổ Hội nghề nghiệp rất thiết thực, cụ thể gắn với tình hình sản xuất của hội viên, từ đó thu hút hội viên tham gia sinh hoạt ngày càng đông hơn.
Hội viên, nông dân cũng thấy gắn bó với Hội hơn khi nội dung sinh hoạt của các tổ Hội nghề nghiệp ngoài việc tuyên truyền các chủ trương chính sách của Đảng pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ và các phong trào của Hội còn được chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật. Đặc biệt thông qua các buổi sinh hoạt, hội viên, nông dân còn có thể trao đổi những kinh nghiệm thực tiễn trong sản xuất như: Cách chọn giống, cách chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh… nhằm giúp cho các thành viên trong tổ Hội giảm được giá thành trong quá trình sản xuất, tăng thu nhập, nâng cao đời sống.
Hiệu quả có thể thấy rõ qua mô hình tổ Hội nghề nghiệp đó là đã thu hút được đông đảo nông dân tham gia vào tổ chức Hội. Đồng thời, công tác quản lý hội viên, nông dân được chặt chẽ hơn; hội viên gắn bó với tổ chức Hội hơn, chất lượng ngày một nâng lên, hội viên thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình tốt hơn. Bên cạnh đó, việc duy trì nề nếp sinh hoạt cũng được đều đặn hơn, tỷ lệ hội viên tham gia sinh hoạt Hội ngày càng tăng đồng nghĩa với việc thu Hội phí được đầy đủ hơn, việc đóng góp xây dựng các loại quỹ Hội ngày càng nhiều giúp cho Hội có thêm điều kiện tốt để hoạt động.
Ngoài việc được chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, hội viên, nông dân còn tích cực trao đổi những kinh nghiệm thực tiễn trong sản xuất để cùng giúp nhau áp dụng nhằm hạ giá thành sản xuất, nâng cao hiệu quả trong sản xuất, góp phần tăng thu nhập.
Bên cạnh nguồn vốn được vay từ các Ngân hàng, vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân, hàng tháng trong sinh hoạt, hội viên, nông dân còn tự đóng góp vốn xoay vòng nhằm để tích lũy tiết kiệm và kịp thời giúp cho nhiều hội viên khác có thêm nguồn vốn đầu tư cho sản xuất. Hiện nay, nguồn vốn xoay vòng trong các tổ Hội nghề nghiệp do hội viên, nông dân đóng góp đạt khoảng 14 tỷ đồng.
Nhờ có hiệu quả kinh tế, thu nhập cho mỗi hộ hội viên, nông dân tăng lên, từ đó tích cực đóng góp cho các công trình xây dựng nông thôn mới, xây dựng nhà tình thương, tình nghĩa, Quỹ vì người nghèo, Quỹ đền ơn đáp nghĩa… Tổ Hội nghề nghiệp còn xuất quỹ để thăm hỏi, động viên những gia đình hội viên, nông dân khi gặp hữu sự như đau bệnh, tang chế, từ đó tình đoàn kết ở nông thôn ngày càng được gắn bó hơn.
Điển hình như tổ Hội nghề nghiệp chăn nuôi heo ở ấp Bình An- xã Bình Lãng- huyện Tân Trụ, được thành lập từ tháng 3/2014, lúc mới thành lập chỉ có 14 hội viên, trung bình mỗi hộ nuôi từ 40 heo thịt, 10 con heo nái.
Qua các buổi sinh hoạt tổ Hội được thực hiện đều đặn theo quy chế vào lúc 18 giờ chiều ngày 29 dương lịch hàng tháng (không cần giấy mời), hội viên bàn bạc trao đổi về kinh nghiệm kỹ thuật trong chăn nuôi, chuyển giao tiến bộ KHKT, sử dụng thuốc thú y. Đồng thời, lồng ghép để tuyên truyền các chủ trương, chính sách của địa phương như xây dựng nông thôn mới, an toàn giao thông, tình hình an ninh trật tự ở nông thôn, bảo vệ môi trường, các nhiệm vụ của Hội… Tỷ lệ hội viên tham gia sinh hoạt bình quân đều đạt từ 95% trở lên.
Tổ Hội đã thu hút được đông đảo nông dân tham gia, từ ban đầu có 14 hội viên, đến nay đã phát triển thành 23 hội viên (hiện đang có 5 hộ nông dân khác cũng đang xin vào tổ Hội). Tổ gồm có: Tổ trưởng, tổ phó, thủ quỹ và các hội viên trong tổ, hội viên tham gia đóng góp Hội phí đạt 100%. Xây dựng quỹ xoay vòng đóng góp mức 100.000 đồng/hội viên/tháng. Hiện nay, số tiền quỹ của Tổ thu được đạt khoảng 34 triệu đồng, lãi suất cho vay trong tổ ở mức 0,8%/tháng, tiền lãi thu được sẽ chi cho việc sinh hoạt tổ Hội.
Nhờ được chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật và thường xuyên trao đổi kinh nghiệm trong chăn nuôi nên hiệu quả sản xuất ngày tăng tăng, giá thành giảm, tăng lợi nhuận cho hội viên, nông dân. Năm 2014, tất cả các hội viên trong tổ đều đạt danh hiệu nông dân SXKD giỏi các cấp; trong đó, hộ đạt SXKD giỏi cấp tỉnh có 04 hộ, cấp huyện 05 và cấp xã 14 hộ.
Từ việc sản xuất có hiệu quả, hội viên còn tích cực đóng góp cho công trình xây dựng nông thôn mới, đóng góp xây nhà tình thương, trang bị đèn đường xóm ấp nhằm đảm bảo an toàn giao thông cũng như tình hình an ninh ở địa bàn dân cư. Hội cũng đóng góp đầy đủ các loại quỹ do địa phương phát động, tổ chức thăm hỏi các thành viên trong tổ Hội khi đau ốm mức 300.000 đồng/người, tang chế 500.000 đồng/người, qua đó tình làng nghĩa xóm của hội viên, nông dân ngày càng gắn bó hơn.
Hay như Tổ Hội nghề nghiệp trồng rau an toàn ở Ấp 3- xã Phước Vân- huyện Cần Đước, được thành lập từ tháng 10/2011 có 11 hội viên lúc ban đầu. Với những nội dung sinh hoạt định kỳ như: Bàn về kỹ thuật trồng rau an toàn, cách phòng trừ sâu bệnh trên rau màu, các loại thuốc phòng trừ sâu bệnh có hiệu quả, nguồn nước sử dụng cho sản xuất rau; nghe chuyển giao các tiến bộ KHKT về trồng rau an toàn… Bên cạnh đó, qua các buổi sinh hoạt cũng sẽ được lồng ghép tuyên truyền các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ chính trị của địa phương như: Chương trình xây dựng nông thôn mới, về an toàn giao thông, bảo vệ môi trường, các nhiệm vụ của Hội tại cơ sở…
Tổ Hội đã thu hút rất đông nông dân vào tổ chức Hội, từ 11 thành viên đến nay đã được 20 hội viên. Duy trì nề nếp sinh hoạt lệ hàng tháng đầy đủ, tỷ lệ hội viên tham gia sinh hoạt thường xuyên bình quân đều đạt trên 80%. Hội viên đóng Hội phí đạt 100%, xây dựng quỹ hoạt động ở mức 10.000 đồng/hội viên/ tháng. Ngoài ra, hội viên còn đóng góp quỹ xoay vòng trong tổ và hiện nay số tiền đã được 21,500 triệu đồng.
Từ việc chuyển giao KHKT, các hội viên trong tổ thường xuyên trao đổi kinh nghiệm thực tế để sản xuất rau an toàn cho hiệu quả cao đã góp phần nâng cao cả đời sống vật chất và tinh thần cho hội viên, nông dân, không còn hộ đói nghèo. Từ đó, hội viên, nông dân thêm phần tích cực trong việc đóng góp cho các phong trào do địa phương phát động, tinh thần đoàn kết gắn bó của hội viên trong tổ ngày càng gần gũi hơn, tình hình an ninh trật tự ở địa bàn cũng ngày càng được ổn định.