Mía tím Khánh Sơn
15:54 - 07/07/2015
Ngoài sầu riêng thì mía tím cũng là một trong những cây trồng chủ lực của huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa).
Anh Vang cho biết, mía tím Khánh Sơn mềm, thơm, ngọt


Mía tím ở đây còn gọi là mía Badila, thuộc loài mía ăn (Saccharum officinarum), có nguồn gốc từ đảo New Guinea, du nhập vào Úc năm 1896 dưới tên gọi NG 15.

Năm 1965 giống mía này được người Mỹ đưa vào miền Nam Việt Nam  theo chương trình viện trợ phát triển ngành mía đường miền Nam. Tại huyện Khánh Sơn, cây mía tím chính thức “gia nhập” trên vùng đất này từ đầu những năm 1990.
 

Do hợp chất đất, khí hậu nơi đây, nên cây mía tím sinh trưởng và phát triển tốt, cho thu nhập khá cao và ổn định. Từ 2.000 hom ban đầu, đến nay toàn huyện đã phát triển lên khoảng 320 ha mía tím, tập trung tại các xã Sơn Hiệp, Ba Cụm Bắc, Sơn Trung, Sơn Bình…Với đặc tính thơm, ngọt lại mềm nên cây mía tím được thị trường trong và ngoài tỉnh ưa chuộng.
 

Theo nhiều nông dân trồng mía tím, nếu đầu tư thâm canh, 1 sào mía tím cho thu nhập từ 10 - 15 triệu đồng, sau khi trừ chi phí nông dân lãi ròng từ 5 - 6 triệu đồng, cá biệt lãi đến 7 - 8 triệu đ/sào.  
 

Ông Trần Tấn Chóng, Chủ tịch UBND xã Sơn Hiệp cho biết, nếu như những năm 1995, toàn xã chỉ có vài ha mía tím thì đến nay diện tích lên đến khoảng 60 ha và tiếp tục mở rộng trong thời gian tới. Nhờ trồng mía tím mà đời sống của người dân địa phương ngày càng khấm khá, nhiều hộ vươn lên làm giàu. Có thể khẳng định cây mía tím rất phù hợp với trình độ canh tác của nông dân.
 

“So với cây trồng khác tại địa phương như bắp, mì, lúa rẫy, cây mía tím hiệu quả kinh tế hơn hẳn. Xã thường xuyên tập huấn, chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc cây mía tím cho bà con; đồng thời khuyến cáo trồng xen cây họ đậu, bắp để duy trì độ phì cho đất”, ông Chóng chia sẻ.
 

Tháng 2/2014, dự án Xây dựng mô hình thâm canh phát triển cây mía tím do Phòng NN-PTNT huyện Khánh Sơn chủ trì; được triển khai từ tháng 4/2011 đã được Hội đồng KH-CN cấp tỉnh nghiệm thu loại khá. Dự án được triển khai trên 40 ha.
Kết quả cho thấy, Khánh Sơn có lợi thế phát triển cây mía tím theo hướng hàng hóa, bởi thổ nhưỡng thích hợp, thị trường tiêu thụ và giá cả tương đối ổn định…

Anh Bo Bo Vang, một người trồng mía có thâm niên ở thôn Hòn Dung cho biết, cây mía tím Khánh Sơn to, thẳng, cao khoảng 2,5 - 3m, chiều dài lóng trung bình 8 - 12 cm, đường kính từ 2,5 - 4 cm.
 

Thời vụ xuống giống từ tháng 10 - 11 và thu hoạch vào tháng 7 - 8 năm sau. Mía tím trước đây chủ yếu bán cho các tỉnh Bình Định, Phú Yên, nay đã vươn tới thị trường TP.HCM và một số tỉnh phía Nam. Do được giá nên các vụ gần đây nông dân đều có mức lãi khá.
 

“Gia đình tôi vụ mía năm ngoái trồng 6 sào, sau khi thu hoạch bán cho thương lái được hơn 110 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi hàng chục triệu đồng, rất phấn khởi. Còn vụ này không biết giá cả ra sao chứ theo tôi giá mía sẽ tăng vì năm nay nắng hạn nên nhiều nơi giảm diện tích trồng, trong khi nhu cầu tiêu thụ tăng cao”, anh Vang hồ hởi.
 

Còn ông Bo Bo Liên, người cùng thôn cũng có 3 sào đất, từ năm 2012 bắt tay vào trồng mía tím. Sau khi thu hoạch, trừ chi phí, ông lãi từ 5 - 6 triệu đ/sào/vụ.
 

Theo nhiều người trồng mía cho hay, hiệu quả mía tím đem lại đã thấy rõ, song những năm gần đây cây đã có dấu hiệu thoái hóa, cứng hơn và không còn thơm, ngọt như nhiều năm trước. Trước thực tế đó, địa phương đã đặt vấn đề nghiên cứu phục tráng nguồn giống bằng phương pháp nuôi cấy mô; đồng thời xây dựng quy trình canh tác phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu.


Kim Sơ- Mạnh Tuấn/ Theo NNVN
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo