Đến thăm trang trại lợn của gia đình ông Tân (58 tuổi), chúng tôi không hề thấy mùi hôi thối, ô nhiễm như các trang trại lợn khác từng đến trước đó. Ông Tân cho biết, trang trại chăn nuôi lợn của gia đình ông hàng chục năm nay chưa từng bị dịch bệnh đe dọa, mà lợn nái đẻ đều, con giống đẹp. Nghề nuôi lợn đem lại cho gia đình ông khoản doanh thu trên dưới 5 tỷ đồng/năm.
Dẫn chúng tôi thăm khu chuồng nuôi, ông Tân bê các bao cám đổ vào các máng ăn tự động. Bên dưới hệ thống máng nhỏ, đàn lợn lúi húi ăn, cứ ăn tới đâu cám chảy đều ra tới đó, nom con nào cũng mập ú, mông vai nở đều, rất thích mắt.
Ông Tân cười: “Trước đây, lợn ăn bằng máng bê tông, mỗi ngày phải đổ cám nhiều lần lại phải có người trông không lợn ăn dễ làm vương vãi ra ngoài; giờ mỗi ngày chỉ cần đổ cám 1 lần, có khi 2 ngày mới phải đổ, không cần người vào trông, đàn lợn ăn tới đâu cám chảy ra tới đó, khi nào lợn no rời máng ăn, hệ thống sẽ tự dừng tiếp cám, rất tiện lợi, không chỉ giảm được chi phí đầu tư, nhân công mà còn rất nhàn”.
Không chỉ cho lợn ăn bằng máy hiện đại, cách xây dựng chuồng trại và xử lý ô nhiễm của trang trại được ông làm rất bài bản. Hệ thống các gian chuồng nuôi được ông bố trí, xây dựng rất hợp lý, từ khu chuồng nuôi lợn nái sinh sản, úm lợn giống sau sinh hay chuồng nuôi lợn thương phẩm đều được tách biệt nhưng gần sát nhau, tiện cho việc theo dõi, chăm sóc. Đặc biệt, các chuồng đều được ông xây dựng cao, sạch, đảm bảo thoáng mát về mùa hè và ấm áp về khi mùa đông về.
“Sạch và xanh” với công nghệ khí sinh học
Quan điểm
Làm gì thì làm, riêng về chăn nuôi thì việc xây dựng chuồng trại và an toàn dịch bệnh phải đặt lên hàng đầu, bởi chỉ cần sơ sảy nhỏ là có thể phải trả giá bằng cả gia sản ngay.
Riêng về xử lý chất thải chăn nuôi, vào năm 2010, ông Tân đã bỏ ra một thời gian dài mày mò, học hỏi tại các trang trại trong và ngoài tỉnh để thiết kế hệ thống bể, tận dụng khí thải làm biogas phục vụ đun nấu sinh hoạt hàng ngày. Với việc ứng dụng công nghệ này, ông Tân không chỉ tiết kiệm được chi phí mua gas đun nấu mà còn đảm bảo chuồng nuôi luôn sạch mùi, đàn lợn lớn nhanh như mong muốn.
Hiện đàn lợn nái của gia đình ông đang nuôi duy trì gần 100 con, sinh sản mỗi lứa từ 700-1.000 con lợn giống. Ông không bán lợn giống mà để nuôi xuất bán lợn thịt. “Mỗi năm tôi xuất bán ra thị trường khoảng 170-200 tấn lợn thịt. Nhiều vậy nhưng chưa khi nào bị ế, giá bán luôn cao hơn các trang trại khác từ 3.000-7.000 đồng/kg, doanh thu đạt từ 3-5 tỷ đồng/năm, tùy vào thời điểm và giá bán” – ông Tân chia sẻ.
Bạn đọc muốn liên hệ trao đổi, tư vấn kỹ thuật phòng dịch chăn nuôi lợn, hoặc hợp tác làm ăn, có thể liên hệ với ông Trịnh Duy Tân qua số điện thoại: 0165 819 8933.