Thông đường, thông cả... tư duy
10:00 - 03/07/2015
Nằm ở huyện Si Ma Cai xa xôi của tỉnh Lào Cai, xã Quan Thần Sán đã thực sự “lột xác” kể từ khi triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), mà nói như ông Vũ Văn Sơn - Phó Chủ tịch UBND xã là, thông đường rồi thông... cả tư duy.

Mô hình trồng cây lê của anh Tráng Chín Liềng, thôn Lao Chải, xã Quan Thần Sán đã cho ra quả ngọt.

“Mình làm đường cho mình đi”

Dạo một vòng xã Quan Thần Sán, dễ dàng nhận thấy mạng lưới đường giao thông đã phủ kín các thôn, bản. Đối với một xã nằm xa trung tâm, ở một huyện còn nghèo như Si Ma Cai đây là một bước đột phá lớn. Nói về sự đổi thay này, ông Vũ Văn Sơn cho hay: “Có được kết quả này là nhờ quyết tâm của cả Nhà nước và người dân. Chúng tôi đã phát động phong trào “mình làm đường cho mình đi” sâu rộng tới tất cả thôn, bản; lấy trưởng bản, già làng, dòng họ làm hạt nhân để vận động, tuyên truyền và tổ chức bà con mở đường giao thông”.

Lúc mới triển khai xây dựng NTM, đường vào trung tâm xã Quan Thần Sán chưa được cải thiện nên xe chở cát đến được nơi phải mất 1 ngày nhưng cũng chỉ chở được 8 khối. Được hỗ trợ xi măng, cát, đá, người dân luân phiên làm đường nhưng cả một năm ròng rã cũng chỉ làm được hơn 1km. “Chúng tôi nhận thấy phương pháp này mang lại hiệu quả rất chậm. Từ đó, xã vận động bà con đóng góp để thuê một đội xây dựng do chính người dân địa phương tham gia làm liên tục, dứt điểm từng con đường một. Xã cử cán bộ hỗ trợ về mặt kỹ thuật. Sau 3 năm thực hiện, không cần cán bộ kiểm tra, các thôn tự bầu ra ban vận động, ban giám sát công khai các khoản tài chính để người dân giám sát, kiểm tra” – ông Sơn cho biết. 

Gặp chúng tôi, ông Tráng Seo Tú- Bí thư Chi bộ thôn Lao Chả, người dân tộc Mông, cười vui nói: “Nhờ có con đường, gia đình tôi cũng như nhiều người khác trong thôn mới bán được ngô, lợn, gà, mới có tiền mua máy, xây dựng nhà cửa kiên cố”. Được biết, cả thôn của ông Tú có 50 hộ, nhưng chỉ còn có 8 hộ nghèo.

Làm kinh tế theo sở thích
 

Ông Vũ Văn Sơn cho hay: “Xã vẫn chủ trương phát triển những cây trồng truyền thống đã có hiệu quả từ trước như ngô, lúa. Nhưng cách thức có khác lúc trước là chúng tôi hợp đồng với công ty từ cung cấp giống cho đến bao tiêu sản phẩm. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đưa vào những mô hình kinh tế gia đình. Cho người dân được lựa chọn muốn chăn nuôi hay trồng cây gì. Từ đó xã kiểm tra lại hiệu quả sau đó đưa vào kế hoạch hỗ trợ người dân”.

 

Cây lê là một trong những giống cây phát triển tốt ở địa phương nhưng trước nay vẫn chưa được trồng một cách bài bản. Cách đây 3 năm, từ nhu cầu của người dân và qua đánh giá hiệu quả, xã đã triển khai hỗ trợ người dân trồng.

 

Gia đình anh Tráng Chín Liềng, ở thôn Lao Chải là hộ trồng nhiều nhất trong xã, với hơn 800 gốc lê. Sau 3 năm chăm sóc, đồi lê của Liềng có cây đã cao gấp 2 lần chủ của nó và một phần tư đã cho thu hoạch. “Trung bình, một cây năm đầu tiên ra trái cũng được khoảng 8kg, những năm sau sẽ cho trái nhiều hơn, có thể là gấp đôi và cứ thế, cây càng to thì cho càng nhiều quả hơn. Với giá 18.000 đồng/kg tại vườn, năm nay em cũng thu đủ số vốn đối ứng đầu tư giống cây và phân bón khoảng 20 triệu đồng hơn 3 năm qua” - Liềng nhẩm tính.


Nguồn: danviet
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo