Tới thăm trang trại của ông Phạm Hữu Đắc ở thôn Tân Lập 2, xã Lương Sơn, huyện Ninh Sơn, Ninh Thuận, ấn tượng đầu tiên là một màu xanh trù phú của vườn táo, xoài, mít...
|
Lão nông Phạm Hữu Đắc và đàn bò trong trang trại |
Hơn 20 năm trước, nơi đây chỉ là một vùng đất hoang, không mấy ai nghĩ là có thể cải tạo được.
Trước khi mở trang trại, lão nông Phạm Hữu Đắc sinh sống ở thị trấn Ninh Sơn và làm việc cho một HTX ngoài ngành nông nghiệp. Sau khi nghỉ làm, ông mới nghĩ tới việc làm nông nghiệp.
Năm 1992, ông lặn lội vào thôn Tân Lập 2, xã Lương Sơn để tìm đất. Thấy một vùng đất bỏ hoang, tìm hiểu qua người dân địa phương, ông biết được chỗ đó không có nước tưới. Điều ấy không khiến cho ông Đắc phải chùn tay.
Ông bỏ nhiều thời gian quan sát kỹ và nhận thấy đất ấy nếu cải tạo được, chắc chắn có thể tổ chức trồng trọt, chăn nuôi. Ngay sau đó, ông Đắc lên UBND xã Lương Sơn xin được khai hoang ở ấp Tân Lập 2 và được chấp thuận.
Đó là một quyết định đầy táo bạo và có phần phiêu lưu bởi khi ấy ông chẳng có vốn liếng gì.
Sau nhiều ngày bỏ công sức khai khẩn đất hoang, đào ao lấy nước, cuối cùng, ông Đắc cũng tạo dựng được hình hài của một trang trại với diện tích 13 ha.
Để có vốn SX, ông vay mượn từ bạn bè và ngân hàng. Lúc đầu ông trồng mía, bắp và đậu. Vụ nào ông cũng không thành công vì cây cối phát triển kém, tỷ lệ chết cao.
Bỏ thời gian tìm hiểu nguyên nhân, ông phát hiện ra do đất còn nhiễm nặng phèn khiến cho cây bị hư rễ. Ngặt nỗi ông Đắc kinh nghiệm làm nông nghiệp còn thiếu, xử lý phèn lại càng chưa biết.
Hỏi han trong vùng cũng chẳng ai biết phải xử lý phèn ra sao. Vì thế trong mấy năm trời, việc trồng trọt của ông luôn ở trong tình cảnh bấp bênh, thua lỗ.
Phải đến khi được tham gia một đoàn nông dân do UBND xã Lương Sơn tổ chức đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm SX ở ĐBSCL, ông Đắc mới học hỏi được cách trị phèn, bằng cách đào những con mương để tiêu thoát phèn.
Dù tuổi đã cao nhưng lão nông Phạm Hữu Đắc vẫn ấp ủ nhiều dự định phát triển trang trại. Không còn nhiều đồng cỏ để nuôi giống bò truyền thống, ông quyết định đầu tư nuôi bò siêu thịt. Lúc đầu sẽ vay vốn để mua khoảng vài chục con. Dần dà sẽ nhân giống để biến trang trại là nơi nuôi bò siêu thịt cỡ lớn trong vùng. |
Trở về nhà, ông áp dụng giải pháp ấy vào trang trại của mình và đạt hiệu quả tốt. Từ đó, ông mới bắt đầu thu được thành công từ trồng trọt.
Đến năm 1996, khi cây màu đã cho thu nhập ổn định, ông Đắc quyết định phát triển chăn nuôi bò thịt. Để có vốn mua bò, ông lại gõ cửa ngân hàng. Từ khoản vay, ông mua về hơn 30 con bò. Sau nhiều năm tự nhân đàn, có thời điểm, đàn bò của ông đã lên tới 150 con.
Nhưng mấy năm gần đây, do nông dân trong vùng tăng gia khai hoang SX, diện tích đồng cỏ bị thu hẹp đi nhiều, ông Đắc đành phải giảm số lượng đàn bò xuống còn 50 con. Thay vào đó, ông nuôi hàng trăm con cừu, dê.
Phần trồng trọt cũng được ông Đắc nghiên cứu, bố trí lại theo hướng chọn những loại cây có đầu ra tốt. Hiện nay, cây trồng lâu năm chủ lực của ông là táo với diện tích 3 ha.
Các loài cây ăn trái khác như xoài, mít..., cũng chiếm 3 ha. Bên cạnh đó là 1 ha mặt nước để nuôi cá. Phần đất còn lại ông dùng để trồng các loại rau màu ngắn ngày như dưa hấu, mì... và trồng cỏ nuôi bò.
Nhờ khéo tính toán và luôn có đầu ra tốt, ông Đắc đã trở thành tỷ phú ngay trên mảnh đất mà người trong vùng từng cho rằng không thể SX được. Có những vụ dưa hấu, ông đạt doanh thu tới gần tỷ đồng.
Ngoài ra, ông còn tạo công ăn việc làm quanh năm với thu nhập ổn định cho 8 lao động là người địa phương và sử dụng 30 - 40 lao động thời vụ.