Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, qua 4 năm (2011-2014) thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, Trung ương và địa phương, sự hưởng ứng và tham gia tích cực của người dân, chương trình đã đạt đựợc nhiều kết quả khả quan trên các lĩnh vực.
Theo thống kê của Ban Chỉ đạo Trung ương về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), đến nay, cả nước đã có 889 (9,94%) xã được công nhận đạt chuẩn NTM và 5 huyện được công nhận đạt chuẩn NTM.
Sau 4 năm thực hiện chương trình, bộ mặt nông thôn nhiều nơi được đổi mới, cơ sở hạ tầng thiết yếu được nâng cấp. Hệ thống chính trị cơ sở tiếp tục được củng cố; thu nhập và điều kiện sống của nhân dân được cải thiện, nâng cao.
Về lập và phê duyệt quy hoạch NTM, đã có 97,4% số xã hoàn thành phê duyệt quy hoạch, dự kiến hoàn thành 100% số xã vào năm 2015. Về phát triển giao thông nông thôn, chương trình đã xây dựng được trên 5 nghìn công trình với khoảng 700.000 km đường giao thông nông thôn.
Trong đó 23,3% số xã đạt tiêu chí giao thông, dự kiến đến hết năm 2015 đạt 35,3%. Trên lĩnh vực thủy lợi, hiện có 44,5% số xã đã đạt tiêu chí, dự kiến đến hết năm 2015 đạt 52,7%; 75,6% xã đạt tiêu chí về điện, dự kiến hết năm 2015 đạt 80,9%.
Bên cạnh đó, công tác phát triển sản xuất, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo được triển khai mạnh mẽ tại nhiều địa phương. Trong đó, nhiều địa phương thực hiện dồn điền, đổi thửa, thiết kế lại cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện đưa cơ giới hóa vào sản xuất.
Đồng thời đổi mới tổ chức sản xuất thông qua tăng cường họat động của các Hợp tác xã nông nghiệp, tổ chức liên kết sản xuất với mô hình “cánh đồng lớn”, sản xuất tập trung, ứng dụng công nghệ cao. Nhiều địa phương đã chủ động ban hành chính sách hỗ trợ người dân mua máy cày, gặt, sấy, đưa tỷ lệ cơ giới hóa của các khâu này tăng từ 40-50% lên 80-90% như các tỉnh: Thái Bình, Hà Tĩnh, An Giang, Hậu Giang, Đồng Tháp.
Các hoạt động này đã góp phần tăng thu nhập của người dân nông thôn đạt bình quân 22,1 triệu đồng/người/năm, tăng 1,98 lần so với năm 2010. Tỷ lệ hộ nghèo nông thôn 10,1%, giảm bình quân 2%/năm (2008-2014).
Bênh cạnh đó, cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư đã động viên, khơi dậy tinh thần đoàn kết giúp đỡ trong cộng đồng dân cư. Hiện đã có 56,5% số xã đạt tiêu chí về văn hóa, dự kiến đến hết năm 2015 đạt 66,5%.
Về hệ thống chính trị, tổ chức cơ sở đảng ở nông thôn được đổi mới nội dung, phương thức họat động, nâng cao vai trò hạt nhân lãnh đạo. Đội ngũ cán bộ xã đã có bước trưởng thành nhanh; công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cơ sở đạt chuẩn được quan tâm. Đến hết năm 2014 có 68,2% số xã đạt tiêu chí về hệ thống tổ chức chính trị xã hội, dự kiến đến hết năm 2015 đạt 79,5%.
Nhìn chung, đến hết năm 2014, có 785 xã đạt chuẩn (8,8%) và bình quân mỗi xã còn lại đạt 10 tiêu chí, tăng 5,38 tiêu chí so với năm 2010. Dự kiến đến hết năm 2015 cả nước sẽ có 1.800 xã đạt chuẩn (đạt 20%), 1.527 xã đạt từ 15-18 tiêu chí và chỉ còn 600 xã đạt dưới 5 tiêu chí.
Công tác tuyên truyền, vận động xây dựng nông thôn mới đã được tỉnh Kon Tum triển khai thực hiện tiên phong, đồng bộ dưới nhiều hình thức như phát động phong trào thi đua “Kon Tum chung sức xây dựng nông thôn mới”; lồng ghép, phối hợp thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân doàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư gắn với xây dựng nông thôn mới”.
Qua đó, giúp người dân hiểu và nhận thức được ý nghĩa, vai trò và đồng thuận tham gia, nhiều phong trào về xây dựng nông thôn mới được hình thành, phát động và hưởng ứng. Bắt tay vào công cuộc xây dựng nông thôn mới, các xã đã tích cực phối hợp lập Quy hoạch và Đề án xây dựng nông thôn mới đối với địa phương mình.
Đến nay, đã có 81/86 xã hoàn thành quy hoạch chung. 19 xã hoàn thành quy hoạch chi tiết; 81/86 xã xây dựng hoàn thành và được phê duyệt Đề án xây dựng nông thôn mới. Do phần lớn các xã trên địa bàn tỉnh thuộc vùng sâu, vùng xa nên việc huy động vốn, thu hút đầu tư trong xây dựng nông thôn mới gặp không ít kho khăn; tuy nhiên, trong những năm qua, tổng nguồn vốn huy động để thực hiện mục tiêu vẫn lên tới 659.738 tỷ đồng, đạt gần 20% so với nhu cầu vốn giai đoạn 2011-2015.
Trong đó, nguồn ngân sách Nhà nước bố trí trực tiếp là 175,3 tỷ đồng, vốn lồng ghép 415,893 tỷ đồng, vốn tín dụng 36,523 tỷ đồng, vốn doanh nghiệp hỗ trợ 15,717 tỷ đồng và vốn nhân dân tham gia đóng góp trên 17 tỷ đồng. Đây là nguồn lực hết sức quan trọng quyết định kết quả triển khai xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Ngoài ra, việc xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội nông thôn luôn được chú trọng. Trong những năm qua, tỉnh đã ưu tiên tập trung nguồn ngân sách địa phương để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội nông thôn, và gần đây, Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết 03/NQ-HĐND và Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định 991/QĐ-UBND về Đề án Cơ chế chính sách hỗ trợ xây dựng một số công trình hạ tầng kinh tế-xã hội thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Kon Tum giai đoạn 2014-2020.
Nhờ vậy, diện mạo nông thôn đã có nhiều thay đổ, hệ thống kết cấu hạ tầng đã từng bước được xây dựng đồng bộ. Tỉnh đã có 2/86 xã đạt chuẩn tiêu chí về giao thông; 51/86 xã đạt chuẩn tiêu chí về thủy lợi; 58/86 xã đạt chuẩn tiêu chí về điện; 12/86 xã đạt chuẩn tiêu chí về trường học, hầu hết các xã đều đã có trạm y tế xã.
Công tác phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân đã có chuyển biến tích cực. Các cấp ủy, chính quyền đã tập trung mọi nguồn lực hỗ trợ phát triển sản xuất; triển khai thực hiện các Đề án, Chương trình như: Phát triển cao su tiểu điền; phát triển cây cà phê xứ lạnh; phát triển chăn nuôi; nuôi trồng thủy sản, rau và hoa xứ lạnh; phát triển lâm nghiệp bền vững đã có một số mô hình đạt hiệu quả cao như việc ứng dụng chế phẩm sinh học trên các loại cây trồng, đệm lót sinh học chăn nuôi gia súc, gia cầm; nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện; trồng hoa, rau xứ lạnh; nhóm hộ sơ chế cà phê, mủ cao su…Việc hỗ trợ sản xuất đã góp phần nâng cao đời sống của nhân dân, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm đáng kể.
Tình hình an ninh chính trị, trật tự xã hội nông thôn được giữ vững, ngăn chặn, phát hiện và xử lý kịp thời đối với các hành vi vi phạm pháp luật. Công tác bảo đảm an toàn giao thông được đẩy mạnh và duy trì thường xuyên; đặc biệt là công tác tuyên truyền, tuần tra, xử lý đến nay, đã có 77/86 xã đạt chuẩn về an ninh trật tự xã hội. Đến cuối năm 2014, toàn tỉnh đã có 03 xã đạt chuẩn 19 tiêu chí (xã Hà Mòn, huyện Đăk Hà đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới); 12 xã đạt chuẩn từ 11 đến 18 tiêu chí; 52 xã đạt từ 5 đến 10 tiêu chí; tỷ lệ bình quân số tiêu chí đạt chuẩn/xã là trên 7,25 tiêu chí/xã.
Đến nay, đã có 889 xã và 5 huyện trong cả nước được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, gồm: Xuân Lộc, Xuân Long (tỉnh Đồng Nai), Đông Triều (tỉnh Quảng Ninh), Củ Chi (Thành phố Hồ Chí Minh), Hải Hậu (tỉnh Nam Định). Bình quân mỗi xã đạt 11,56 tiêu chí, tăng 6,7 tiêu chí so với năm 2011.
Nhằm tiếp tục thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, theo Bộ NN&PTNT trong giai đoạn từ 2016-2020 sẽ tiếp tục phấn đấu thực hiện các nhiệm vụ cụ thể. Trong đó, mục tiêu tới năm 2015 có 20% số xã và tới năm 2020 có 50% số xã đạt tiêu chí NTM; các xã chưa đạt chuẩn tăng từ 2-3 tiêu chí mỗi năm.
Bên cạnh đó, cơ bản hoàn thành các công trình thiết yếu, đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất và đời sống của cư dân nông thôn như: giao thông, điện, nước, trường học, trạm xá xã. Nâng cao chất lượng cuộc sống của cư dân nông thôn: thu nhập tăng 2,5 lần, tỷ lệ hộ nghèo giảm 2%/năm, 90% dân số tham gia bảo hiểm y tế.
Trong đó, các nhiệm vụ cần ưu tiên gồm tập trung phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu trên địa bàn thôn; phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân. Bảo vệ môi trường, xây dựng đời sống văn hóa, giữ vững an ninh, trật tự xã hội nông thôn, quy hoạch xây dựng NTM.
Đồng thời, để thực hiện các mục tiêu đề ra, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức cho cán bộ, người dân bằng nhiều hình thức phù hợp nhằm nâng cao tính tự giác, chủ động, sáng tạo trong quá trình tổ chức thực hiện.
Đẩy mạnh phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng Nông thôn mới” và cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư gắn với xây dựng NTM. Đồng thời rà soát, sửa đổi, bổ sung để ban hành đồng bộ các chính sách về huy động nguồn lực xã hội, thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ chương trình. Trong đó ưu tiên cho các vùng còn nhiều khó khăn, tăng cường phân cấp cho cấp xã, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân và cộng đồng cùng thực hiện chương trình.
Bùi Ánh