Gian nan bảo vệ rừng Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Quang
17:12 - 13/12/2016
Là Khu bảo tồn rộng gần 8.500ha, lại giáp ranh với Trung Quốc, trữ lượng gỗ nghiến được xác định lớn nhất nhì khu vực miền núi phía Bắc...
Vận chuyển gỗ khỏi rừng

Là Khu bảo tồn rộng gần 8.500ha, lại giáp ranh với Trung Quốc, trữ lượng gỗ nghiến được xác định lớn nhất nhì khu vực miền núi phía Bắc nên công tác bảo vệ và gìn giữ những cánh rừng nguyên sinh với cán bộ, kiểm lâm Khu bảo tồn Thiên nhiên Phong Quang (Hà Giang) luôn thường trực hiểm nguy như nơi đầu sóng, ngọn gió.
 

17 cán bộ/8.500ha

Men theo hàng chục cây số đường dốc đá chúng tôi mới đến được 2 trong số 4 trạm kiểm lâm được đặt trong Khu bảo tồn Thiên nhiên Phong Quang. Ấn tượng đầu tiên là sự ngăn nắp, chỉn chu như những người lính thực sự. Ở đây, có cả thanh niên trẻ lẫn những cán bộ đã có thâm niên, nhưng tất cả đều bám địa bàn 24/24 bất kể ngày lễ, ngày Tết.

Khu bảo tồn Thiên nhiên Phong Quang có diện tích trên 8.500ha, trải dài trên địa bàn 4 xã thuộc huyện Vị Xuyên và 1 xã thuộc thành phố Hà Giang. Đây là khu vực rộng lớn, địa bàn núi đá hiểm trở lại có khoảng 7,5km đường rừng là biên giới giáp ranh với Trung Quốc nên công việc của người kiểm lâm nơi đây không chỉ có giữ rừng mà còn góp phần vào việc đảm bảo an ninh, chính trị vùng biên giới.

Đi tuần rừng cùng các anh, tôi được giới thiệu về những cây gỗ nghiến có tuổi đời lên tới cả trăm năm, mỗi cây gỗ này ước tính được khoảng 40 mét khối. Một con số quá lớn khiến cho gỗ nghiến tại Phong Quang từ lâu đã nổi tiếng như những “mỏ vàng lộ thiên” luôn bị lâm tặc nhòm ngó. Điều này cũng đồng nghĩa với việc bảo vệ những “mỏ vàng” này gặp rất nhiều gian nan…

15-33-38_go-v-xe-my-bi-tich-thu
Gỗ và xe máy bị tịch thu

 

17 cán bộ bảo vệ địa bàn rộng hơn 8.500ha, có nghĩa mỗi người sẽ phải bảo vệ một khu vực rộng tầm 500ha. Trên đường đi tuần rừng, chúng tôi có nghe thấy tiếng rìu chặt gỗ tưởng như gần lắm nhưng âm thanh cứ văng vẳng vang từ vách núi nọ đến ngọn đồi kia, vọng cả vào không trung.

Tôi tò mò hỏi… làm sao biết họ đang chặt gỗ ở đâu? Thì nhận được câu trả lời: Tất cả phải dựa vào kinh nghiệm và sự tập trung phán đoán mới có thể phát hiện ra vị trí. Tuy nhiên, có những lúc phát hiện ra vị trí cây đang bị chặt, nhưng đi đến đó mất cả ngày thì lúc đến nơi, tang vật đã được lâm tặc phát tán đi các ngả khác nhau, chẳng để lại dấu tích, và cũng chẳng thể làm gì để xử lý chúng.
 

Đau đáu giữa dân và rừng

Khu bảo tồn Thiên nhiên Phong Quang với địa hình hiểm trở, chỉ có duy nhất con đường độc đạo để dẫn vào địa phận rừng được bảo vệ nghiêm ngặt nên việc người dân từ nơi khác đến khai thác gỗ là rất khó. Lúc đó, tôi đặt câu hỏi, lâm tặc đến đây bằng cách nào? Thì nhận được câu trả lời: Lâm tặc ở ngay trong rừng… đó chính là hơn 500 hộ dân sinh sống lâu đời ở vùng lõi của khu bảo tồn.

Tìm đến vùng này, tôi mới hiểu được hoàn cảnh của những “lâm tặc bất đắc dĩ”. Theo đó, mỗi hộ nằm trong vùng lõi khu bảo tồn chỉ được phân chia khoảng 2.000m2 đất để trồng cây nông nghiệp. Vì rừng đã có chính sách đóng cửa nên bà con không thể khai hoang mở rộng diện tích sản xuất, cũng không thể vào rừng khai thác gỗ, củi hay lâm sản ngoài gỗ một cách “đàng hoàng” như trước kia.

Cứ như vậy, năm này qua năm khác, người người sinh sôi, nhà nhà tách hộ… nhưng diện tích đất bất biến. Hệ lụy, trung bình mỗi hộ dân tại đây sẽ phải gồng mình với 2-3 tháng thiếu đói/năm. Không có cái ăn, thanh niên trai tráng trong làng lại vào rừng chặt nghiến. Mỗi khoanh gỗ nghiến có đường kính trên 50cm, dày khoảng 20-25cm được người phía bên kia biên giới mua với giá 1,2 - 1,8 triệu đồng tùy từng thời điểm. Thử hỏi người dân nghèo nơi đây làm gì để ra ngần ấy tiền?!?

15-33-38_tun-rung-2
Tuần tra rừng

 

Hơn nữa, nếu như trước đây, những cây nghiến to quá chắc chắn đến độ không thể chặt được bằng rìu, búa hay cưa tay. Nhưng ngày nay, cưa máy xăng ra đời đã giải quyết mọi vấn đề, trung bình mỗi hộ dân tại đây đều trang bị cho mình một cái cưa xăng sản xuất từ Trung Quốc với giá chưa tới 1 triệu đồng. Thế là gỗ cứ ầm ầm đổ xuống rồi được xẻ nhỏ ra, phụ nữ gùi được 1-2 khoanh, đàn ông xốc gỗ vắt vẻo bằng xe máy tự chế không biển số, sau đó tất cả cùng băng rừng qua biên giới để bán cho đầu nậu phía bên kia biên giới.

Năm 2014, kể từ khi Ban quản lý Rừng đặc dụng Phong Quang được thành lập cộng sự vào cuộc quyết liệt của cán bộ kiểm lâm, số vụ phá rừng đã giảm được 60 - 70%, nhưng để giảm hoàn toàn là rất khó. Bởi, chỉ khi dân làng ấm cái bụng, có của ăn của để, có sinh kế bền vững thì mới hi vọng họ không phải vào rừng khai thác gỗ.

Trò chuyện với một vị trưởng thôn tên Hoàng Lỳ Pả, cũng là Đảng viên đầu tiên được kết nạp tại đây, ông đã chia sẻ về những khó khăn trong công tác vận động người dân, cũng như việc ông đã bị nhiều người ghét như thế nào khi đến nhà các đối tượng phá rừng để vận động. Nhưng bản thân ông cũng nhận thấy, cái đói là nguyên nhân buộc người dân phải mưu sinh bằng cách phá rừng hoặc khai thác những sản vật từ rừng.

Còn đối với chốt kiểm lâm địa bàn, hàng năm các anh có thể bắt tới gần 20 vụ khai thác, vận chuyển, buôn bán các loại gỗ quý như nghiến, đinh, lát hoa… nhưng việc xử phạt cũng gặp muôn vàn khó khăn để rạch ròi giữa lý và tình.

“Với xử phạt hành chính, có những hộ quá nghèo, gia sản chỉ có vài cái nồi để nấu ăn có gì để mà nộp phạt. Vậy là biên bản lập ra xong, chữ ký đôi bên có cả… nhưng tiền nộp phạt đành bỏ trống. Hoặc với những đối tượng là thanh niên có vợ và con nhỏ, nếu xử lý hình sự vợ con chúng nó nheo nhóc, bố mẹ già không nơi nương tựa… không đành lòng mà xử theo đúng luật. Lại còn có đứa ngày hôm trước mình bắt được nó đi bán gỗ, nó đánh mình chảy máu, ngày hôm sau gặp nó trong làng, nó lại nhìn mình cười hì hì, thế em bảo phải làm sao?”. Anh Hải, một cán bộ kiểm lâm khác ngậm ngùi chia sẻ.

HÀ NGUYÊN
Nguồn: NNVN
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo