5 năm qua, chương trình 4C của NESCAFÉ Plan đã cung cấp hơn 15 triệu cây cà phê giống chất lượng cao cho nông dân trồng cà phê khu vực Tây Nguyên.
|
Người dân Cư M’gar thăm vườn cà phê 4C |
Đó là thông tin được TS. Nguyễn Văn Thường, Phó Viện trưởng Viện Khoa học nông lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI) cho biết tại Hội thảo tổng kết 5 năm hợp tác thực hiện chương trình phát triển cà phê bền vững tại Việt Nam, giai đoạn 2011 - 2015, giữa Nestlé Việt Nam và WASI.
Doanh nghiệp hỗ trợ
Ông Phạm Phú Ngọc, Trưởng đại diện Nestlé Việt Nam tại Tây Nguyên cho biết, hợp tác này là một phần trong hoạt động của dự án NESCAFÉ Plan mà Nestlé triển khai tại Việt Nam từ năm 2011 nhằm hỗ trợ canh tác cà phê bền vững. Hiện nay, Nestlé là doanh nghiệp nước ngoài đầu tiên và duy nhất hợp tác với WASI để triển khai trực tiếp các hoạt động về nghiên cứu, phát triển và chuyển giao kỹ thuật về phát triển cà phê bền vững mang lại hiệu quả thiết thực cho người nông dân trồng cà phê.
“Trong 5 năm qua, Nestlé phối hợp với WASI phân phối hơn 15 triệu giống cây cà phê kháng bệnh cho năng suất cao (trong đó vườn ươm của Viện là trên 4 triệu cây 2011-2016) tới nông dân trồng cà phê khu vực Tây Nguyên, góp phần đáng kể vào hoạt động tái canh vườn cà phê già cỗi, trong đó Nestlé hỗ trợ 50% tiền cây giống”, ông Ngọc cho biết thêm.
Theo TS. Thường, với sự hỗ trợ về tài chính của Nestlé, WASI đã xây dựng các phòng thí nghiệm, lắp đặt các thiết bị hiện đại cho vườn ươm để sản xuất các loại giống tốt, kháng sâu bệnh, năng suất cao. Xây dựng các mô hình vườn mẫu để nông dân đến tham quan học tập, trao đổi kinh nghiệm và áp dụng tại vườn của mình nhằm tăng năng suất và thu nhập. Trong đó có các mô hình như: Bón phân hợp lý, sản xuất phân từ vỏ cà phê (giảm trên 20% lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật); mô hình Cây che phủ; xen canh hợp lý (cà phê, tiêu…, giúp tăng thu nhập người nông dân lên tới 100%); mô hình So sánh giống; tưới tiết kiệm nước (giảm 40% lượng nước tưới)...
Nhà khoa học chung tay
Bà Đinh Thị Tiếu Oanh, Trưởng bộ môn Cây công nghiệp WASI cho biết, trong những năm gần đây, việc tái canh cà phê ở Việt Nam đang phải đối mặt với bệnh vàng lá thối rễ. Nguyên nhân chính gây ra những triệu chứng trên là do sự kết hợp gây hại của tuyến trùng ký sinh và nấm bệnh lên hệ thống rễ của cây. Cây bị nhiễm bệnh thường sinh trưởng kém, còi cọc, bị vàng lá và khô cành. Một trong những biện pháp phòng trừ bệnh là sử dụng nguồn cây giống sạch bệnh tuyến trùng sản xuất trong giai đoạn vườn ươm. Việc chuẩn bị cây giống khỏe mạnh và sạch bệnh là một trong trong những yếu tố quan trọng quyết định giúp tái canh cà phê thành công. 5 năm qua, cán bộ khoa học tại WASI đã sát cánh cùng đội ngũ các chuyên gia nông nghiệp, các chuyên gia quốc tế của Nestlé để trao đổi kinh nghiệm, làm chủ các công nghệ mới và lần đầu tiên có thể sản xuất giống cà phê nuôi cấy mô tại Việt Nam.
Theo bà Oanh, các giống nhập nội và giống mới trong nước có khả năng sinh trưởng tốt, độ đồng đều cao trong từng giống. Những giống nhập nội có năng suất cao như: FRT97, FRT105 và FRT09. Trong đó, giống FRT97 có năng suất trung bình 3 vụ nổi trội nhất, đạt 2,89 tấn nhân/ha. Đây là giống cà phê có năng suất cao hơn các giống trong nước khác ngoại trừ giống TR4 và TR11 (có năng suất 3,69 và 3,13 tấn/ha). Bà Oanh cũng đề nghị tiếp tục theo dõi năng suất, khả năng kháng bệnh gỉ sắt và chất lượng cà phê tách của các giống nhập nội 2017, nhằm đánh giá đúng tiềm năng của từng giống cũng như khả năng thích nghi với điều kiện Việt Nam.
“Chương trình hợp tác giữa Nestlé Việt Nam và WASI trong giai đoạn 2011 - 2015 đã mang lại nhiều kết quả thiết thực cho nông dân trồng cà phê, giúp nông dân sản xuất cà phê đảm bảo chất lượng ngay từ khâu canh tác, tăng thu nhập bền vững, góp phần tăng giá trị cho hạt cà phê Việt Nam. Chương trình hiện đang bước sang giai đoạn 2: 2016 - 2020”, TS. Thường cho biết thêm.
Nông dân tích cực tham gia
Hiện nay, Nestlé Việt Nam là đơn vị hỗ trợ nông dân chiếm tỷ trọng lớn nhất trong Chương trình Phát triển cà phê bền vững dựa vào nền tảng 4C. Việc có trên 21.000 hộ nông dân tham gia Chương trình NESCAFÉ Plan tại Việt Nam với gần 150.000 lượt người được tập huấn kỹ thuật về canh tác cà phê trong 5 năm qua cho thấy sự hưởng ứng mạnh mẽ của người trồng cà phê đối với chương trình này.
Anh Trần Đức Trường ở thôn 13 (Chư Quynh, Đắk Lắk) có 2ha cà phê cho biết, sau khi tham gia chương trình 4C từ tháng 8-2014, anh đã học thêm được nhiều kinh nghiệm và nắm bắt được về kỹ thuật cũng như cách chăm sóc cây cà phê từ đó năng suất tăng và giảm được chi phí về phân bón đem lại lợi nhuận cho gia đình.
Còn theo ông Huỳnh Đằng (70 tuổi), người có 29 năm trồng cà phê ở ấp 3, thị trấn Quảng Phú (Cư M’gar, Đắk Lắk), gia đình ông có 3ha cà phê hiện nay đã tái canh được 5 năm. Từ khi tham gia mô hình 4C, ông đã học được kỹ thuật trồng cà phê, cách bón phân, cách tưới nước, cách tỉa cành làm trồi, cách thu hoạch… sao cho hiệu quả để áp dụng vào vườn cà phê của gia đình nhằm đạt chất lượng cao hơn, đồng thời giảm được một lượng phân bón hóa học đáng kể thông qua việc tiết kiệm nước tưới, phân bón…
Anh Tăng Thượng Dũng ở thôn Hiệp Hòa, xã Quảng Hiệp (Cư M’gar, Đắk Lắk) có 2ha cà phê tham gia mô hình 4C từ năm 2012 thì cho hay, sau khi tham gia 4C thì lợi nhuận thu được hàng năm từ vườn cà phê của gia đình anh cao hơn nhờ áp dụng đúng kỹ thuật canh tác, qua đó giảm chi phí sản xuất. “Tham gia mô hình 4C sẽ giúp cho người trồng cà phê có thêm kiến thức cũng như cách chăm bón và thu hoạch cà phê ngày càng tốt hơn. Cà phê từ mô hình này cũng có chất lượng cao hơn, nên khi bán luôn được đại lý thu mua cộng thêm giá”, anh Dũng chia sẻ.
Thông qua 4C, Nestlé Việt Nam đã xây dựng hơn 274 trưởng nhóm nông dân tại 4 tỉnh. Các trưởng nhóm nông dân này sẽ là nguồn lực cung cấp cho các địa phương trong việc nhân rộng chương trình phát triển cà phê bền vững trên nền tảng 4C cho trên 500.000 nông dân trồng cà phê trên cả nước. Qua đó từng bước giúp nông dân trồng cà phê tại Việt Nam tiếp cận với các tiêu chuẩn sản xuất cà phê quốc tế (4C, UTZ, Rainforest, Fairtrade…).
Sản xuất cà phê 4C là: Common (Chung) dựa trên quyết định của mọi thành viên, được xây dựng trên sự nhất trí nội bộ và giữa các nhóm bên liên quan (người sản xuất, thương mại/công nghiệp và tổ chức xã hội); Code (Bộ quy tắc) Bộ quy tắc tự nguyện này bước đầu đưa ra một mức tối thiểu về sự bền vững. Việc tuân thủ được kiểm tra xác nhận. Không phải chứng nhận sản phẩm; Coffee (Cà phê) Dòng cà phê chủ lực/cà phê đại trà. Tất cả các loại cà phê, các hệ thống sản xuất, các vùng trồng cà phê; và Community (Cộng đồng) của ngành cà phê cho chính ngành cà phê: Tính tự chủ. Hệ thống thành viên.