Thời gian gần đây, do nhu cầu mưu sinh, cư dân ven biển Bình Định đã khai thác thủy sản có tính tận diệt, khiến môi trường vùng biển ven bờ bị suy giảm nghiêm trọng.
|
Ngư dân nuôi cá lồng ở làng chải Hải Minh, phường Hải Cảng (TP Quy Nhơn) thiệt hại do sự cố tràn dầu |
Không chỉ vậy, những sự cố tràn dầu, nước thải từ các hoạt động nuôi tôm trên cát, nước thải từ dịch vụ hậu cần nghề cá… cũng góp thêm phần hủy hoại môi trường biển.
Theo ông Trần Văn Phúc, PGĐ Sở NN-PTNT Bình Định, môi trường và đa dạng sinh học vùng ven biển tỉnh này đang suy giảm nghiêm trọng. Hệ sinh thái san hô, thảm cỏ biển và nguồn lợi thủy sản dần mất đi do thác thủy sản mang tính tận diệt bằng chất nổ, chất độc hoặc lưới kéo.
“Đáng quan ngại là ghe tàu khai thác của ngư dân, tàu du lịch neo đậu làm hư hại các rạn san hô, không còn chỗ cho các loài thủy sản quần tụ, sinh sôi”, ông Phúc lo lắng.
Tại xã Nhơn Hải (TP Quy Nhơn), vấn đề này càng trở nên bức xúc khi 7ha mặt nước, bên dưới có rạn san hô rất đẹp nằm quanh Hòn Khô lớn được bảo tồn nguyên vẹn trong những năm qua, giờ đã được UBND tỉnh Bình Định giao cho doanh nghiệp Tấn Phát làm du lịch.
Do đơn vị quản lý không có biện pháp gìn giữ nên rạn san hô này đang bị tàn phá nghiêm trọng. Không chỉ vậy, 2 ha rạn san hô tại Hòn Khô nhỏ nằm sát bên cạnh cũng đang bị uy hiếp. Sự thể trên đã “phủi sạch” nỗ lực gìn giữ các rạn san hô trên vùng biển thuộc địa phương quản lý của chính quyền xã Nhơn Hải.
Anh Nguyễn Tôn Xuân Sáng, PGĐ HTX Dịch vụ du lịch-thủy sản xã Nhơn Hải, cho biết những năm qua, Nhơn Hải thành lập hẳn 1 tổ chuyên bảo vệ san hô gồm 8 người có nhiệm vụ vận động, tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân về tầm quan trọng của san hô. Từ đó kêu gọi ngư dân chấm dứt việc khai thác, hủy hoại san hô; và tổ chức lặn biển làm vệ sinh nền đáy để san hô phát triển.
Trên địa bàn Bình Định còn thường xuyên xảy ra sự cố tràn dầu uy hiếp môi trường biển. Ông Đinh Văn Tiên, PGĐ Sở TN-MT tỉnh này cho biết, đầu năm 2014 có 1 chiếc tàu buôn bán dầu bị chìm trên vùng biển Hải Minh (TP Quy Nhơn) gây sự cố tràn dầu khiến ngành chức năng 1 phen “bở hơi tai” khắc phục.
Hoặc như trong năm 2015, 1 chiếc tàu cá của ngư dân bị chìm tại vùng biển thuộc phường Gềnh Ráng (TP Quy Nhơn) gây tràn dầu, ngành chức năng lại phải ra tay khắc phục sự.
“Nhờ chúng tôi đã sẵn sàng kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu từ trước với lực lượng phối hợp hùng hậu gồm: Lực lượng vũ trang tỉnh, Bộ đội Biên phòng, các ngành liên quan nên khi xảy ra tràn dầu trên biển sự cố được khắc phục rất kịp thời”, ông Tiên nói.
Hiện nay, vùng biển ven bờ Bình Định chịu tác động từ nhiều nguồn gây ô nhiễm khác như nước thải từ nuôi tôm trên cát; nước thải của các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống; nước thải từ hoạt đông giao thông thủy tại các cảng biển; nước thải từ dịch vụ hậu cần nghề cá… Ngoài ra, các cửa sông còn thường xuyên mang dư lượng thuốc BVTV trong SX nông nghiệp cũng “trút” ra biển.
Tuy nhiên, việc quan trắc, xử lý môi trường biển chưa được thực hiện bài bản. Hiện tỉnh nhày có 2 đơn vị là Trung tâm Quan trắc môi trường và Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN-MT Bình Định) hàng năm lấy mẫu nước biển để quan trắc, tuy nhiên chỉ tiêu làm chưa được nhiều.
“Mình cần quan trắc 50 chỉ tiêu nhưng khi làm việc với Sở Tài chính thì họ bảo làm chi dữ vậy, không có tiền, làm 20 chỉ tiêu thôi. Hoặc mình cần quan trắc 3 tầng nước gồm tầng mặt, tầng lửng và tầng đáy thì họ lại bảo làm tầng mặt thôi chứ làm chi tầng lửng, tầng đáy! Do vậy, nếu bây giờ muốn nói mức độ ô nhiễm môi trường biển ở Bình Định như thế nào thì chúng tôi chưa có thông tin cụ thể”, ông Đinh Văn Tiên cho hay.
“Chúng tôi đã xin phép tỉnh thực hiện đánh giá môi trường biển nhưng tỉnh chưa cho. Chúng tôi mong các cơ quan chức năng tham mưu cho UBND tỉnh tạo điều kiện để chúng tôi có điều kiện triển khai quan trắc nhằm có cơ sở đánh giá và xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường biển”, ông Đinh Văn Tiên nói.