Hội thảo “Quản lý chăn nuôi lợn hiện đại và thực hiện VietGAHP” do Cục Chăn nuôi vừa tổ chức, đã thẳng thắn chỉ ra bất cập trong việc triển khai quy trình chăn nuôi không còn mới mẻ này.
|
Tỷ lệ trang trại chăn nuôi lợn VietGAHP còn quá ít |
Theo báo cáo của 12 tổ chức chứng nhận VietGAHP, từ năm 2008 đến nay đã chứng nhận được 175 trang trại chăn nuôi lợn, gà, bò sữa và ong mật phù hợp quy trình "Thực hành chăn nuôi tốt" (VietGAHP). Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, chỉ còn 100 trang trại được chứng nhận còn hiệu lực. Trong đó có 65 trang trại chăn nuôi lợn, 31 trang trại gà, 2 trang trại bò sữa và 2 trang trại ong mật.
Còn theo báo cáo của BQL dự án LIFSAP, dự án đã phối hợp với các tổ chức chứng nhận đánh giá và cấp chứng nhận GAHP nông hộ cho gần 9.600 hộ thuộc 12 tỉnh trong vùng dự án. Tổng sản lượng các hộ cung cấp hàng năm khoảng trên 800.000 con lợn thịt và trên 4 triệu con gà thịt.
Theo ông Phạm Văn Duy, Trưởng phòng Gia súc nhỏ (Cục Chăn nuôi), các sản phẩm thịt, sữa và trứng của các cơ sở chăn nuôi được chứng nhận phù hợp quy trình VietGAHP cung ứng ra thị trường đảm bảo an toàn thực phẩm đã tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Đồng thời, nó đã làm thay đổi cơ bản thực hành của người chăn nuôi từ không có quy trình chung hướng đến có quy trình chung đảm bảo an toàn thực phẩm.
Tuy nhiên, các tiêu chí đưa vào quy trình chưa thực sự sát với trình độ và cơ sở vật chất chăn nuôi của nước ta; các tiêu chí còn rườm rà, khó thực hiện; chi phí chứng nhận cao. Bên cạnh đó, nội dung quan trọng để truy xuất nguồn gốc theo quy trình VietGAHP là ghi chép và theo dõi. Tuy nhiên, đây là việc khó thực hiện đối với người chăn nuôi có trình độ hạn chế.
Bà Hoàng Thị Tố Nga, PGĐ Sở NN-PTNT Nam Định chia sẻ: "Suốt nhiều năm qua, Nam Định chỉ có 4 trang trại được chứng nhận quy trình VietGAHP (trong đó 2 trang trại lợn và 2 trang trại gà). Đến nay, 1 trang trại gà đã hết hiệu lực bảo hộ, nhưng họ không đăng ký để xin cấp lại giấy chứng nhận. Việc triển khai thực hành quy trình VietGAHP chậm, bởi người dân chưa mặn mà. Vì sao? Ngành chăn nuôi cần xem lại cách tiếp cận. Bởi vì, chúng ta chưa có kênh thông tin để giúp người tiêu dùng phân biệt được đâu là thịt lợn sản xuất theo quy trình VietGAHP, đâu là thịt lợn thông thường".
Đồng quan điểm trên, ông Đào Xuân Trúc, Phó Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam nhận định: “Chúng ta chưa có chế tài để bảo vệ quyền lợi cho người nuôi lợn theo quy trình VietGAHP”. Ở TP Hồ Chí Minh có mô hình rất hay. Tất cả thịt lợn từ các cơ sở chăn nuôi thực hành quy trình VietGAHP sẽ được một doanh nghiệp thu mua với giá cao hơn để đưa vào lò giết mổ, cung ứng cho thị trường. Nhưng thử hỏi rằng, có bao nhiêu địa phương làm được như TP Hồ Chí Minh? Tôi biết rất nhiều người không mặn mà với giấy chứng nhận VietGAHP, bởi trong đó quy định quá nhiều tiêu chí cứng nhắc và chi phí chứng nhận VietGAHP không hề rẻ".
Hiện Cục Chăn nuôi đã ban hành 8 quy trình chăn nuôi VietGAHP đối với các trang trại mới xây dựng theo hướng phù hợp với điều kiện thực tế tại Việt Nam. Nhưng theo ông Phạm Công Thiếu, Phó Viện trưởng Viện Chăn nuôi, chúng ta chưa có chế tài bắt buộc tất cả người chăn nuôi phải tuân thủ các quy trình chăn nuôi VietGAHP. Như thế chẳng khác nào “đánh bùn sang ao”, “đánh lận con đen”. Nhà nước cần dựa vào pháp luật để điều hành. Đồng thời, phải tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát và công khai minh bạch thông tin về chất lượng sản phẩm của các cơ sở chăn nuôi VietGAHP, để người tiêu dùng tin tưởng vào chứng nhận VietGAHP.
Ông Đinh Xuân Thủy, chủ trang trại nuôi lợn quy mô lớn ở huyện Ứng Hòa (Hà Nội) chia sẻ: "Một số người cho rằng các tiêu VietGAHP rích rắc, nhưng tôi thấy nó rất đơn giản và hoàn toàn áp dụng được. Chỉ có điều, tạo ra được sản phẩm tốt mà phải bán cho cái anh “ngủ trong rừng” thì rất bất cập. Vì thế, cần phải thiết lập kênh tiêu thụ riêng cho thịt lợn VietGAHP trước, như vậy, chẳng cần nhà nước hô hào thì nông dân cũng tự áp dụng đúng quy trình". |