|
Thương hiệu nông sản Việt Nam còn mờ nhạt (Ảnh minh họa, nguồn Internet) |
Theo số liệu thống kê vài năm trước của Cục Sở hữu công nghiệp (Bộ Khoa học và Công nghệ), có đến 90% hàng nông sản của Việt Nam được bán ra thị trường thế giới thông qua các thương hiệu nước ngoài, gây thiệt hại cho nền kinh tế hàng trăm triệu USD.
Điển hình là lúa gạo, theo TS Ma Quang Trung – Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT): Hiện Việt Nam đã trở thành một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu trên thế giới, nhưng giá trị xuất khẩu trên đơn vị sản phẩm lại thấp do chất lượng gạo Việt Nam còn thấp, độ lẫn giống còn cao, chưa có thương hiệu riêng mà phải mang một nhãn hàng khác của quốc gia nhập khẩu.
Trên thế giới có nhiều thương hiệu gạo đã thành danh như: Jasmines, Khaodakmali (của Thái Lan), hay Basmati của Ấn Độ và Pakistan… và khi nói đến một thương hiệu gạo nào đó thì người tiêu dùng nghĩ ngay đến nước sản xuất như: Thái Lan, Ấn Độ,…
Trước đây, Việt Nam từng cử chuyên gia sang giúp Campuchia sản xuất lúa nước. Đến nay, thương hiệu gạo thơm Campuchia đã bắt đầu nổi danh trên thị trường thế giới, còn gạo Việt vẫn vắng bóng thương hiệu. Ngay trong thị trường nội địa, nhiều người vẫn thích tìm mua gạo thơm Thái Lan, gạo thơm Campuchia và nhiều nước khác để sử dụng chứ không ưa chuộng gạo nội.
Với sản phẩm chè, PGS.TS Lê Văn Bảnh – Cục trưởng Cục chế biến NLTS và nghề muối (Bộ NN&PTNT) cho biết: Hiện có tới 80% sản lượng chè sản xuất trong nước được xuất khẩu tới hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, song rất ít người tiêu dùng nước ngoài biết đến thương hiệu chè Việt Nam. Lý do là phần lớn chè của chúng ta được xuất khẩu ở dạng thô, rời, chưa được chế biến và gia công. Sau khi nhập về, các doanh nghiệp nước ngoài mới chế biến và sử dụng tên, thương hiệu của họ và bán dưới nhãn chè của nhiều nước như: Nhật Bản, Ấn Độ, Trung Quốc…
Về cà phê, dù chúng ta là quốc gia đứng thứ hai thế giới về sản xuất cà phê, trong đó đứng đầu thế giới về cà phê robusta, nhưng thực tế tại thị trường nước ngoài, vẫn chưa có thương hiệu cà phê của Việt Nam theo đúng nghĩa. Lý do là cà phê nước ta chủ yếu chỉ bán hạt cho các nhà rang xay lớn trên thế giới, sau đó họ chế biến, đóng hộp với thương hiệu của họ để bán cho người tiêu dùng với giá gấp nhiều lần.
Hiện có khá nhiều mặt hàng nông sản mới chỉ xây dựng được thương hiệu nhưng tồn tại dưới dạng chỉ dẫn địa lý chứ chưa nâng tầm thành thương hiệu đặc trưng của một quốc gia. Đơn cử như nhãn lồng Hưng Yên, sản phẩm này mới chỉ được tiêu thụ tại thị trường trong nước, chưa được nhiều người tiêu dùng thế giới biết đến. Ngoài ra, hiện tượng mạo danh nhãn lồng Hưng Yên thường xuyên xảy ra, gây ảnh hưởng đến uy tín và thương hiệu của đặc sản địa phương.
Một trong những trở ngại khiến việc xây dựng thương hiệu nông sản của Việt Nam trở nên khó khăn là do quy mô sản xuất ngành nông nghiệp còn manh mún, nhỏ lẻ. Sản phẩm chưa có chất lượng cao, vẫn tồn tại tình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép.
Việt Nam đã xây dựng được một hành lang pháp lý và có những biện pháp hữu hiệu, nhằm hỗ trợ các địa phương khẳng định thương hiệu quốc gia cho các sản phẩm đặc sản trong nước. Tuy nhiên, theo ông Đỗ Kim Lang, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), nhiều cơ sở sản xuất hay người dân chưa hiểu hết giá trị của việc đăng ký bảo hộ nên đã không hợp tác tích cực, thậm chí còn cạnh tranh không lành mạnh, làm ảnh hưởng đến việc hình thành các sản phẩm mang đặc trưng riêng của một vùng.
Ngoài bước đầu xây dựng thương hiệu, phải nhấn mạnh một trong những điểm yếu của Việt Nam là có những thương hiệu xây dựng xong nhưng lại không bảo vệ nổi. Điển hình như khi xuất xứ cà phê Buôn Mê Thuột bị các nhà kinh doanh nước ngoài xâm phạm, đến khi bị xâm phạm rồi các nhà sản xuất trong nước mới “ngã ngửa”. Điều đó cho thấy, chỉ dẫn địa lý của cà phê Buôn Mê Thuột chưa được chú ý bảo vệ đúng đắn.
Theo PGS.TS Phạm Tất Thắng, nghiên cứu viên cao cấp, Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công Thương), nguyên nhân chính mang tính bản chất là tư duy kinh doanh chộp giật của cả cơ quan quản lý nhà nước lẫn doanh nghiệp khi chỉ thấy lợi ích trước mắt mà không tính lâu dài. Muốn có thương hiệu phải xây dựng cả chiến lược, kết hợp giữa xây dựng, bảo vệ và khuếch trương thương hiệu.
Bên cạnh đó, TS Phạm Tất Thắng cho rằng quan niệm về thương hiệu của các doanh nghiệp cũng như các nhà quản lý cấp địa phương chưa đúng. Họ quan niệm chỉ cần sản phẩm có bao bì đẹp, tên tuổi nổi một chút, chịu khó quảng cáo trên truyền hình, tờ rơi… đã là có thương hiệu. Trong khi thực chất đã gọi là thương hiệu phải tìm câu trả lời từ phía khách hàng xem khách hàng thực sự suy nghĩ, đánh giá về sản phẩm đó như thế nào. Muốn có thương hiệu, sản phẩm đòi hỏi phải chất lượng, tiện lợi, luôn đổi mới, bổ sung thêm những giá trị mới. Ngoài ra, dịch vụ trước, trong và sau bán hàng của doanh nghiệp phải tốt,…
Để xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt nam đủ sức cạnh tranh trên sân nhà và vươn tầm ra thị trường quốc tế, theo PGS.TS Lê Văn Bảnh – Cục trưởng Cục chế biến NLTS và nghề muối (Bộ NN&PTNT) cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp trong đó có việc hoàn thiện cơ chế, chính sách và hệ thống pháp luật để xây dựng và bảo hộ thương hiệu. Mặt khác, cần có chiến lược phát triển nông sản bền vững dựa trên mối quan hệ hữu cơ giữa sản phẩm nông nghiệp với con người và môi trường xã hội.
Ts Phạm Nguyên Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu thương mại đưa ra bài học từ việc xây dựng thương hiệu gạo Thái đáng để cho Việt Nam học hỏi. Trong chiến lược tuyên truyền hàng xuất khẩu, “Gạo Thái” được đặt lên vị trí hàng đầu và Thái Lan đổ nhiều công sức, kể cả tài chính vào công tác quảng cáo. Tất cả các cơ hội, như Festival, Hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước đều được Thái Lan tận dụng tối đa.
Ngoài ra, Thái Lan còn hợp tác với các nước, nhất là các nước ASEAN, lập ra các tổ chức như Hiệp hội lúa gạo, Hợp tác đối tác trao đổi lúa gạo, Hiệp hội tiêu thụ gạo…nhằm tăng cường hợp tác trao đổi kinh nghiệm với các nước. Chính vì vậy, “Gạo Thái” đã trở thành thương hiệu nổi tiếng toàn cầu.
Trước bối cảnh Việt Nam tham gia ký kết nhiều Hiệp định thương mại đặc biệt là TPP, việc xây dựng và quảng bá thương hiệu, tạo sức cạnh tranh riêng cho nông sản Việt là một vấn đề mang tính dài hạn. Do vậy, Nhà nước cần lựa chọn sản phẩm, ngành nông nghiệp có lợi thế cạnh tranh, có tiềm năng phát triển để có cơ chế chính sách đặc thù đối với những sản phẩm, ngành hàng này.