Sản xuất nông nghiệp theo chuỗi: Vai trò đầu tàu của doanh nghiệp
Nông nghiệp đang dần đi vào chuyên nghiệp hóa theo hướng minh bạch chuỗi sản xuất từ đồng ruộng đến bàn ăn. Tuy nhiên, để nhân rộng những chuỗi sản xuất như vậy, cần lực lượng doanh nghiệp (DN) vừa có tâm, vừa có tầm cùng bắt tay với người nông dân trong ứng dụng công nghệ cao vào lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro này.
|
VinEco cam kết bao tiêu sản phẩm cho các hộ sản xuất trên toàn thị trường. |
Liên kết “win - win”
Tập đoàn Vingroup mới đây chính thức khởi động “Chương trình liên kết 1.000 hợp tác xã và hộ nông dân” để cung ứng nông sản sạch cho thị trường. Giữa nỗi lo “thực phẩm bẩn” hàng ngày thì động thái trên đã phần nào giúp người tiêu dùng yên tâm.
Việc DN đóng vai trò đồng hành cùng người nông dân trong liên kết sản xuất là một trong những mục tiêu của ngành nông nghiệp đề ra trong đề án tái cơ cấu và trầy trật thực hiện trong 3 năm vừa qua. Trước đó, năm 2002, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 80 về chính sách khuyến khích tiêu thụ hàng hóa nông sản thông qua hợp đồng giữa nông dân và doanh nghiệp, sau gần 15 năm, kết quả thu về cũng chưa mấy khả quan.
Đầu tư vào nông nghiệp, đặc biệt là ngành trồng trọt, độ rủi ro thường rất cao, rủi ro từ thời tiết, gieo trồng đến chế biến, vận chuyển, tiêu thụ..., khâu nào cũng có thể biến sản phẩm tươi ngon thành sản phẩm hư, hỏng, mất an toàn vệ sinh thực phẩm.
Lý giải về sự khác biệt của chương trình liên kết lần này, đại diện Vingroup cho biết, thông qua Công ty Đầu tư Phát triển sản xuất nông nghiệp VinEco (VinEco), Tập đoàn sẽ trực tiếp đào tạo và hướng dẫn các hộ nông dân có nhu cầu về quy trình sản xuất sạch; Hỗ trợ công nghệ, kỹ thuật và giống; Kiểm soát chất lượng trong quá trình sản xuất và trước thu hoạch; Thu mua sản phẩm và hỗ trợ phát triển thương hiệu. Với việc kiểm soát khép kín từ đồng ruộng đến siêu thị, chương trình sẽ cắt giảm được tối đa các khâu trung gian, tập trung nâng cao chất lượng nông sản cung ứng ra thị trường.
“Cam kết của Vingroup đưa ra chính là giúp nông dân sản xuất và thu lời hiệu quả nhất trên chính mảnh ruộng của họ. Đổi lại, chúng tôi có nông phẩm sạch, đa dạng và chủ động cung cấp cho thị trường. Đây là quan hệ kinh tế đôi bên cùng có lợi (win – win) nên nếu được triển khai đúng, chắc chắn sẽ bền vững”, đại diện VinEco - đơn vị trực tiếp triển khai chương trình hỗ trợ nông dân cho biết.
Trong liên kết chuỗi ngành hàng nông nghiệp, người ta thường nói đến liên kết 4 “nhà”: Nhà nông - Nhà khoa học - Nhà DN và Nhà nước. Tuy nhiên, dưới góc độ hiệu quả kinh tế thì vai trò của nông dân và DN được xác định là trọng tâm của chuỗi liên kết này. Nhìn gần hơn, chỉ khi DN mở lòng với người nông dân, cùng chí hướng xây dựng thương hiệu nông sản an toàn thì mối liên kết này mới có thể bền vững trong yêu cầu hội nhập hiện nay.
Cần “bắt tay” bền chặt
TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn, phân tích: “Nông nghiệp Việt Nam buộc phải phát triển theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa lớn, có giá trị gia tăng cao và bền vững, dựa trên nền tảng hộ nông dân chuyên nghiệp, kinh tế hợp tác và DN.
Trong đó, DN đóng vai trò chủ đạo trong việc phát triển chuỗi giá trị, gắn nông dân và HTX với thị trường, xây dựng các vùng chuyên canh quy mô lớn, nâng cao khả năng cạnh tranh, áp dụng công nghệ phù hợp để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường về chất lượng, tiêu chuẩn, quy chuẩn cả về kinh tế, xã hội và môi trường”.
Với mô hình liên kết mới trên, Vingroup hay hàng loạt các DN khác có thể thành công hay không còn nhờ vào “cái bắt tay” từ phía cơ quan quản lý nhà nước. Tuy nhiên, cốt lõi vấn đề là Vingroup đã tiên phong làm chỗ dựa cho người nông dân, khơi dậy một tinh thần khởi nghiệp. Hơn lúc nào hết, cần có chính sách để lan tỏa và nhân rộng những mô hình kết nối cả nghìn hộ nông dân như Vingroup…