|
Cam Cao Phong (Hòa Bình) là đặc sản nổi tiếng trong nước, tuy nhiên với thị trường thế giới vẫn chưa khẳng định được tên tuổi |
Nước mắm Phú Quốc, chả mực Hạ Long, nhãn lồng Hưng Yên, cam Cao Phong Hòa Bình, gạo tám Hải Hậu, Điện Biên hay vải thiều Bắc Giang… đều là những đặc sản gắn liền với các địa phương. Trong số đó, lần đầu tiên vải thiều Bắc Giang đã khẳng định được thương hiệu, chất lượng và xuất khẩu ra nước ngoài với 63.000 tấn, có 1.000 tấn được xuất khẩu sang thị trường Mỹ.
Tuy nhiên, hiện có khá nhiều mặt hàng nông sản mới chỉ xây dựng được thương hiệu nhưng tồn tại dưới dạng chỉ dẫn địa lý chứ chưa nâng tầm thành thương hiệu đặc trưng của một quốc gia.
Một trong những trở ngại khiến việc xây dựng thương hiệu nông sản của Việt Nam trở nên khó khăn là do quy mô sản xuất ngành nông nghiệp còn manh mún, nhỏ lẻ. Sản phẩm chưa có chất lượng cao, vẫn tồn tại tình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép.
Có những sản phẩm mặc dù theo quy chuẩn Vietgap, nhưng đến khi kiểm tra dư lượng chất bảo vệ thực vật, hóa chất vẫn còn. Điều này đã đánh mất niềm tin của người tiêu dùng và là rào cản lớn cho việc xây dựng thương hiệu hàng hóa. Do vậy, hợp tác để tiêu thụ nông sản là một vấn đề mà Nhà nước cũng như các doanh nghiệp đặc biệt là người trồng, các chủ vườn phải quan tâm rất nghiêm túc.
Việt Nam đã xây dựng được một hành lang pháp lý và có những biện pháp hữu hiệu, nhằm hỗ trợ các địa phương khẳng định thương hiệu quốc gia cho các sản phẩm đặc sản trong nước. Tuy nhiên, nhiều cơ sở sản xuất hay người dân chưa hiểu hết giá trị của việc đăng ký bảo hộ nên đã không hợp tác tích cực, thậm chí còn cạnh tranh không lành mạnh, làm ảnh hưởng đến việc hình thành các sản phẩm mang đặc trưng riêng của một vùng.
Nhiều sản phẩm khi về địa phương mới biết đó là sản phẩm truyền thống. Thương hiệu đã có nguồn gốc xuất xứ rất rõ ràng, nhưng do không làm tốt việc đăng ký bảo hộ, đặc biệt là thiếu sự quan tâm của lãnh đạo các địa phương nên mất đi tính đặc trưng. Nếu thực sự chủ động và quan tâm đến vấn đề này, các địa phương có thể làm rất mạnh việc xác định nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm theo quy trình làm thương hiệu, đăng ký bảo hộ, chỉ dẫn địa lý, tên của sản phẩm theo địa phương và tuyên truyền quảng bá.
Từ những thực tế trên có thể thấy, tình trạng chung của nông sản Việt Nam hiện nay là chưa được chú trọng xây dựng thương hiệu dẫn đến năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế thấp.
Để khắc phục những bất cập nêu trên, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ lãi suất cho sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp và mức hỗ trợ phải phù hợp với ngành nghề kinh doanh, phù hợp với lợi thế thương mại từng vùng miền, vì với vùng sâu, vùng xa, lợi thế thương mại thấp và chi phí vận chuyển cao. Đây cũng là giải pháp rút ngắn khoảng cách. Đồng thời nếu coi doanh nghiệp là vai trò trung tâm trong mối liên kết giữa người sản xuất nông sản – doanh nghiệp – thị trường thì cần có cơ chế để doanh nghiệp xây dựng phát triển thương hiệu gắn với thị trường.
Bên cạnh đó, ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước về xúc tiến thương mại, các chủ vườn, hợp tác xã và người dân vẫn cần phải xem lại quy trình sản xuất để có được sản phẩm chất lượng cao, đưa vào thị trường tiêu thụ một cách bền vững.
Đối với chính quyền địa phương, bên cạnh chương trình hỗ trợ vốn của Chính phủ cho sản xuất nông nghiệp, cần có kế hoạch phối hợp để khai thông nguồn vốn phục vụ cho chương trình xây dựng phát triển thương hiệu vùng miền nhằm nâng cao chuỗi giá trị sản xuất nông sản của địa phương.
Các ngân hàng thương mại nên cùng doanh nghiệp xây dựng, thẩm định tính khả thi của phương án vay vốn và quản lý rủi ro, cần linh hoạt trong thế chấp và tín chấp. Qua thực tế nhiều khi chỉ vì một hợp đồng vay vốn dư nợ rất ít, bị quá hạn, mặc dù đã có yếu tố bảo đảm nhưng ngân hàng cũng không cho vay mới, làm mất đi cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp.
Cùng với đó, phải thực hiện đồng bộ quy trình sản xuất Vietgap, phát triển hệ thống xúc tiến thương mại quảng bá sản phẩm. Có như vậy mới đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia trong chuỗi giá trị hàng hóa.