Phát huy lợi thế chăn nuôi để cạnh tranh và hội nhập
16:47 - 26/09/2016
(TNNN)- TS. Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNN) cho biết: “Theo nhận định, khoảng tháng 6/2017, các sản phẩm chăn nuôi của các nước trong khối TPP sẽ vào Việt Nam một cách ồ ạt. Lúc đó, ngành chăn nuôi Việt Nam phải cạnh tranh quyết liệt nhất”.
Phát huy lợi thế chăn nuôi để cạnh tranh và hội nhập

Hội nhập TPP với thuế nhập khẩu về 0% cho các mặt hàng thịt gà, heo, trâu bò, gia súc sống hay sản phẩm sữa sẽ nhanh chóng thu hẹp ngành chăn nuôi Việt Nam.
 
 
TS. Hoàng Thanh Vân chia sẻ: Khi Hiệp định TPP có hiệu lực, các sản phẩm nhập khẩu tràn vào Việt Nam, với hàng rào thuế quan giảm dần sẽ tác động ngay đến tập quán tiêu dùng của người Việt Nam. Khi tập quán tiêu dùng thay đổi, chiến lược sản phẩm cũng bị thay đổi theo. Các sản phẩm đông lạnh nhập khẩu có xuất xứ rõ ràng, bao bì bắt mắt có thể sẽ làm thay đổi thói quen tiêu dùng sản phẩm thịt gia súc, gia cầm của người dân. Và như vậy, ngay lập tức sẽ đánh vào việc tiêu thụ những sản phẩm chăn nuôi của chúng ta khi không có đóng gói, nhãn mác, xuất xứ một cách rõ ràng.
 
 
Trước thực trạng trên, để ngành chăn nuôi đứng vững và tiếp tục phát triển khi hội nhập TPP, một trong các giải pháp hữu hiệu cả trước mắt và lâu dài là Việt Nam cần phát triển các loại vật nuôi có tính đặc sản và phát huy lợi thế của từng địa phương. Thực tế cho thấy vào giữa năm 2015 khi thịt gà nhập khẩu từ Mỹ vào bán ở nước ta với giá chỉ khoảng 20.000đ/kg thì hầu hết các trang trại chăn nuôi gà công nghiệp (gà lông trắng) đều gặp nhiều khó khăn, trong khi các trang trại nuôi gà địa phương (gà ri, gà kiến, gà ta) vẫn thuận lợi hơn trong việc tiêu thụ sản phẩm. Nguyên nhân do chất lượng gà địa phương cao và phù hợp với thị hiếu của nhiều người tiêu dùng nên có được lợi thế cạnh tranh riêng so với gà công nghiệp.
 
 
Từ bài học kinh nghiệm trên cho thấy, đối với những trang trại, nông hộ còn nhiều khó khăn, không đủ tiềm lực đầu tư phát triển sản xuất lớn, đủ sức cạnh tranh với các sản phẩm ngoại nhập thì phát triển các loại có tính đặc sản để có được lợi thế cạnh tranh riêng của mình là hướng đi cần khuyến khích.
 
 
Đồng tình với quan điểm này, TS Hoàng Thanh Vân cho biết, hiện nước ta có lợi thế về chăn nuôi gà màu, gà thả vườn đứng đầu khu vực Đông - Nam Á. Trong đó, có một số giống bản địa có tên tuổi như gà Hồ, gà Đông Tảo, gà Ác, gà Tiên Viên, gà tre, gà Gò Công… có thể là những sản phẩm cạnh tranh. Trên cơ sở rà soát lại để định dạng cho từng vùng những giống bản địa, cung cấp cho thế giới.
 
 
Đây cũng là hướng đi được huyện Yên Thế (Bắc Giang) áp dụng để bước vào sân chơi trong thời kỳ hội nhập. Theo đó, huyện đã tái cơ cấu lại quy mô tổng đàn, tổ chức cơ cấu lại giống gà đồi thương phẩm theo hướng giảm mạnh giống gà mía lai, tăng giống gà ri lai lên khoảng 70%. Trên cơ sở đó nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm, phối hợp với Viện Chăn nuôi tạo ra giống gà đặc trưng riêng cho “gà đồi Yên Thế”, mở rộng thị trường trong nước, xây dựng nhãn hiệu bảo hộ độc quyền…- ông Vũ Trí Hải - Chủ tịch UBND huyện Yên Thế (Bắc Giang) cho biết.
 
 
Lợi thế nữa là chúng ta có kinh nghiệm chăn nuôi vịt thịt, đặc biệt vịt đẻ trứng ở đồng bằng sông Cửu Long, với số lượng nhiều, chất lượng tốt. Hiện Việt Nam đã xuất được một lượng trứng muối, trứng vịt tươi sang Nhật bản và một số nước…
 
 
Chuyên gia Nguyễn Lân Hùng cũng cho rằng, trong hội nhập lớn như hiện tại, chúng ta phải phát huy tiềm năng sinh học, tìm ra những cái độc đáo của riêng mình. Chúng ta đừng chạy theo họ hoàn toàn, mà phải tìm ra thế mạnh của mình là những loài vật nào, cây trồng nào có giá trị mà nước bạn không có.
 
 
Ví dụ như việc nuôi gà công nghiệp, chúng ta làm sao theo kịp họ. Trong khi đó, những con đặc sản như gà màu, vịt trời, gà Đông Tảo, lợn rừng... thịt ngon, ta có sẵn lại rất dễ nuôi....tại sao không chú trọng nuôi, rồi xuất khẩu?
 
 
“Tùy từng nơi mà chúng ta sẽ có một hoặc nhiều con đặc sản có tiềm năng khác nhau. Nhưng tôi cho rằng, có một con mà Việt Nam nên làm và phải làm lớn là con trâu. Thế mạnh của Việt Nam là con trâu. Nhưng con trâu của chúng ta mới chỉ là hàng hóa trong nước, chưa xuất khẩu, chưa được chào hàng ra bên ngoài.
 
 
Tôi lên Mường Khương, một con trâu mộng bán được 60 triệu đồng. Chúng chỉ ăn cỏ và người dân thường chăn thả tự nhiên trên đồi. Sức đề kháng của trâu rất tốt. Tuy nhiên, dân ta có câu: "Trâu sợ gió, bò sợ nước". Vậy chúng ta chỉ cần nuôi tập trung, xây dựng hệ thống che chắn tốt thì chúng dễ dàng vượt qua mùa đông. Nếu tổ chức nuôi trâu tốt, chúng ta sẽ rất thắng.
 
 
Ngoài ra, chúng ta còn có thể phát huy nuôi chim trĩ, nuôi chim công và các loại đặc sản khác… Song nếu vẫn giữ nguyên cách chăn nuôi kiểu cũ: chăn nuôi nhỏ lẻ, kỹ thuật cồng kềnh, thức ăn quá đắt... thì việc thành công sẽ rất khó” – chuyên gia Nguyễn Lân Hùng cho biết.
 
 
Ngoài ra, cùng với sự phát triển của đời sống xã hội, nhu cầu của người tiêu dùng sử dụng thực phẩm có chất lượng ở các siêu thị ngày càng cao. Đa số sản phẩm nhập khẩu từ các nước phát triển có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng hơn nên rất dễ tiếp cận các siêu thị. Do vậy, dẫu chất lượng tốt nhưng các sản phẩm chăn nuôi đặc sản này vẫn cần có thương hiệu, nguồn gốc rõ ràng.
 
 
Hiện nay khoa học công nghệ trong chăn nuôi phát triển mạnh, nhiều tiến bộ kỹ thuật được áp dụng ngày càng phổ biến như cấy truyền phôi, cho sinh sản đồng loạt, lựa chọn giới tính trong thụ tinh nhân tạo... Do vậy, ngành chăn nuôi cũng cần phát triển theo hình thức trang trại và phương thức công nghiệp để tạo tiền đề cho việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật. Việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật sẽ tạo nên bước phát triển đột phá, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả chăn nuôi.
 
 
Đồng thời, ngành chăn nuôi phải nhanh chóng tạo chuỗi giá trị khép kín từ chăn nuôi - thu hoạch - phân phối, giảm tối đa khâu trung gian, giảm triệt để giá thành. Trong đó, các khâu đều được kiểm soát chặt chẽ để bảo đảm an toàn thực phẩm, sản phẩm có chất lượng tốt, đủ điều kiện để tiếp cận hệ thống siêu thị đang ngày càng phát triển trong tương lai.

Hiện, quy mô ngành chăn nuôi Việt Nam vào khoảng hơn 17 triệu hộ, bao gồm gần 11 triệu hộ chăn nuôi gà vịt, 4 triệu hộ chăn nuôi heo và khoảng 2,5 triệu hộ chăn nuôi trâu bò. Trong số này chỉ có 23.000 hộ là chăn nuôi trang trại có áp dụng một phần hoặc toàn phần theo công nghiệp hiện đại.

Thành Huy
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo