Chúng tôi đã từng phê phán phương thức sản xuất nông nghiệp hiện tại ở nước ta là “nền nông nghiệp chiếu manh” với những mảnh ruộng chỉ bằng manh chiếu. Chúng tôi sẽ tiếp tục kiên trì kiến nghị nhà nước...
Đổi mới phương thức sản xuất - điều cốt tử
Chúng tôi sẽ tiếp tục kiên trì kiến nghị nhà nước chỉ đạo quyết liệt việc liên kết nông dân thành các HTX kiểu mới; liên kết nông dân với các doanh nghiệp; liên kết giữa các doanh nghiệp và các bộ ngành với nhau; liên kết trong nước và quốc tế.
GS.TS Đỗ Năng Vịnh
Đặc biệt là việc xây dựng liên kết để tạo các vùng nông nghiệp công nghiệp hóa – các quả đấm thép của nông nghiệp. Vị trí của người nông dân trong chuỗi liên kết này là hết sức quan trọng. Nông dân phải tự nguyện góp đất hoặc bán quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp để tạo tiền đề cho sản xuất theo hướng công nghiệp.
Chúng tôi đã cùng Công ty Mía Đường Lam Sơn (LASUCO) đề xuất đề án “Xa lộ NN công nghệ cao, công nghiệp hóa đường HCM”. Đề án đã được Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thanh Hóa, Bộ NN-PTNT, Bộ KH-CN, lãnh đạo các tỉnh lân cận và nhiều Bộ ngành đồng tình và ủng hộ.
Tư tưởng về xa lộ NN công nghiệp hóa đường HCM đã được khởi đầu với Khu NNCNC Lam Sơn quy mô 120 ha và đang mở rộng lên trên 1.000 ha. Mục tiêu bước đầu là xây dựng cụm nông nghiệp công nghiệp hóa bao gồm công nghiệp mía đường, công nghiệp lúa gạo, công nghiệp cam, công nghiệp rau hoa quả với giống ưu tú và công nghệ sinh học hiện đại.
LASUCO kết nối với các doanh nghiệp hàng đầu khác như VINAMILK, TH True MilK, vv… xây dựng “Thành phố nông nghiệp công nghiệp hóa xa lộ HCM”. Hình thành cụm công nghiệp đồng cỏ (Cách mạnh xanh), công nghiệp sữa (Cách mạng trắng), công nghiệp thịt (Cách mạng đỏ).
Việc tích tụ ruộng đất ở vùng này thật không dễ dàng, mặc dù có thuận lợi là đất đai ở đây khá rộng lớn và uy tín cá nhân của người anh hùng sáng tạo, đầy tâm huyết Lê Văn Tam, Chủ tịch LASUCO.
Hình thức quy tụ ruộng đất khá đa dạng và linh hoạt, trong đó có chuyển đổi đất nông trường, công ty quốc doanh thành đất NNCNC; mua lại quyền sử dụng đất của nông dân; liên kết sản xuất với nông dân hoặc thuê đất của hàng nghìn hộ dân.
Với cách làm sáng tạo, linh hoạt, quyết liệt, được nông dân và chính quyền ủng hộ, khu NNCNC Lam Sơn, Thanh Hóa, đã hình thành và phát triển. Nông dân góp đất cùng doanh nghiệp được hưởng lợi: quá trình sản xuất được cơ giới hóa từ khâu trồng đến thu hoạch, nông dân được giải phóng khỏi lao động thủ công nặng nhọc; chi phí sản xuất giảm; giống, quy trình canh tác, năng suất, khối lượng, chất lượng hàng hóa được kiểm soát đồng nhất, đồng bộ, bảo đảm an toàn thực phẩm và bán được giá cao.
Cánh đồng lớn cơ giới hóa trồng giống lúa chất lượng cao của Viện Di truyền NN
Các dự án kết hợp với nhau theo chu trình sản xuất xanh, quay vòng sinh thái bền vững. Ví dụ, với diện tích lúa sản xuất tập trung theo phương pháp SRI quy mô 150 ha, giống lúa chất lượng, năng suất cao do Viện Di truyền NN cung cấp, LASUCO có thể sản xuất được 13 tấn thóc/ha/năm.
Tổng sản lượng thóc đạt gần 2.000 tấn, với khoảng 2.000 tấn rơm rạ thu hoạch tập trung có thể sử dụng cho công nghiệp nấm, ủ lên men làm thức ăn chăn nuôi. Từ 2.000 tấn thóc, mỗi năm có thể sản xuất lược 400 tấn trấu và 200 tấn cám.
Trấu được than hóa làm biochar – một loại giá thể quý để sản xuất rau quả hữu cơ. Tương tự, từ công nghiệp mía đường, mỗi năm LASUCO sản xuất được khoảng 40.000 tấn rỉ đường; 40.000 – 50.000 tấn bùn bã mía phục vụ cho sản xuất phân bón và thuốc BVTV hữu cơ cho rau quả cao cấp.
Quy trình sản xuất xanh công nghệ SRI còn làm giảm được khí thải nhà kính (khí methane và oxit carbon). Những con số trên đây không thể có được nếu chỉ dựa vào sản xuất nhỏ lẻ, phân tán của từng hộ nông dân.
Tuy vậy, nếu doanh nghiệp chỉ dừng lại ở quy mô sản xuất trên đây, thì hiệu quả sản xuất vẫn còn xa mới đáp ứng được yêu cầu cạnh tranh phát triển. Khi LASUCO muốn mở rộng hơn nữa quy mô sản xuất, họ đã gặp rất nhiều trở ngại khó vượt qua.
Thực tiễn cho thấy các cơ chế, chính sách đất đai hiện tại chưa đủ mạnh để có thể tạo đột phá phát triển ở quy mô công nghiệp bền vững. Doanh nghiệp tốn kém rất nhiều công sức, thời gian, tiền bạc và nguồn lực cho việc tích tụ ruộng đất.
Khu nhân giống lúa Japonica tại Hải Dương
Trong khi nhiều nông dân tìm cách cố thủ trên mảnh đất nhỏ bé của họ. Họ thậm chí bỏ đất hoang, sử dụng đất kém hiệu quả, sản xuất rất ô nhiễm và tùy tiện, trong khi nhà nước chưa có chế tài để hỗ trợ doanh nghiệp liên kết và quy tụ đất đai. Không ít cán bộ địa phương còn e ngại tiếp cận với nông dân để giúp doanh nghiệp giải tỏa khó khăn.
Vai trò của chính quyền trong xây dựng phương thức sản xuất mới hạn chế. Việc chỉ đạo của TƯ đối với địa phương cũng chưa quyết liệt do thiếu cơ chế, chính sách và phương tiện như các đòn bẩy kinh tế.
Không thể chỉ nói suông, hời hợt
Một trong các phương thức quy tụ ruộng đất là liên kết nông dân. Liên kết không phải là lời nói suông và hời hợt. Liên kết là một thủ đoạn cạnh tranh phát triển không thể thiếu trong thời đại hội nhập.
Việc chỉ đạo liên kết sản xuất nông nghiệp cần được xem như “chỉ tiêu hàng đầu” để đánh giá cán bộ về nhận thức, năng lực, phẩm chất cách mạng và ý chí phụng sự quốc gia. Thiếu tích lũy ruộng đất và sự liên kết, chúng ta rất khó đổi mới phương thức sản xuất nông nghiệp.
Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, ở khu vực đồng bằng và trung du Bắc Bộ, muốn có 1.000 ha đất liền thửa cho sản xuất hàng hóa tập trung, phải liên kết từ 10.000 – 15.000 hộ nông dân. Nông dân phải đồng tình ghép các mảnh ruộng thành các “con thuyền lớn” đủ sức tiến ra biển lớn.
Đây là công việc vô cùng khó khăn. Nhiều tỉnh, thành phố đã chật vật nhiều năm xây dựng các mô hình nông nghiệp công nghệ cao theo hướng công nghiệp mà không thành công do rất nhiều rào cản. Trong đó rào cản lớn nhất vẫn là quy tụ đất đai. Tại sao vậy?
Sở hữu đất đai là khát vọng lớn nhất của giai cấp nông dân trong suốt mấy ngàn năm lịch sử. Đất đai là phương tiện sản xuất cơ bản, tối cần thiết đối với người nông dân. Nông dân bị mất ruộng sẽ bị “vô sản hóa” vì mất phương tiện sản xuất và sinh kế, nếu họ không đủ sức tham gia công nghiệp, thương mại và các dịch vụ khác.
SX hoa trong nhà lưới tại Trung tâm nghiên cứu, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao Lam Sơn. Ảnh: Khiếu Tư
Trong trường hợp xấu đó, người nông dân có thể bị bần cùng hóa. Mâu thuẫn xã hội trong nông nghiệp có nguy cơ trở nên sâu sắc, gây bất ổn và làm suy giảm sức mạnh đoàn kết dân tộc. Quá trình tích lũy ruộng đất trên thế giới gắn liền với cách mạng công nghiệp. Đó là quá trình kéo dài, diễn biến trong hàng thế kỷ với nhiều bi kịch.
Đến nay, ở các nước phát triển, nông nghiệp đã được công nghiệp hóa. NNCNC trở thành phương thức sản xuất phổ biến với tỷ lệ dân số nông nghiệp chỉ trong khoảng 1-10% dân số quốc gia.
Thực tế sản xuất nông nghiệp ở nước ta cho thấy nông dân sản xuất nhỏ, lạc hậu luôn kề cận đói nghèo. Hoa lợi từ ruộng đất quá ít, không đáp ứng được nhu cầu sinh tồn và phát triển trong xã hội hiện đại.
Đói nghèo và thất học là nguy cơ nhãn tiền của sản xuất nhỏ. Chỉ có thay đổi công cụ sản xuất; chỉ có máy móc cơ giới hóa, thủy lợi hóa, tự động hóa mới có đủ sức phá vỡ những thửa ruộng chiếu manh; chỉ có phát triển công nghiệp và thương mại bền vững mới có thể kéo người nông dân ra khỏi ruộng đất của họ.
Vấn đề tích lũy ruộng đất vì vậy sẽ xảy ra chậm, theo quy luật tự thân nếu chúng ta không có các giải pháp đúng, quyết liệt, mang tính đột phá. Nông nghiệp ở nước ta có thể trở nên trì trệ lâu dài trong tình trạng nhỏ lẻ, manh mún, lạc hậu, tụt hậu và không đủ sức mạnh cạnh tranh quốc tế.
Do vậy, chúng ta rất cần những người lãnh đạo tiên phong, giàu tinh thần trách nhiệm để giúp người dân và doanh nghiệp ở cả 2 khâu: i) Tích tụ ruộng đất thông qua liên kết sản xuất, đổi mới phương thức sản xuất theo hướng NNCNC. ii) Tạo cơ chế, chính sách và cơ hội thuận lợi để đa số nông dân thoát ly nông nghiệp.
Đó là quá trình chuyển đổi tất yếu, mang tính cách mạng, không thể lẩn tránh, cũng không thể thiếu các quyết sách táo bạo và thông minh để đưa nông nghiệp nước nhà vượt lên, chiến thắng huy hoàng trong cạnh tranh hội nhập quốc tế.
Kinh nghiệm 30 năm đổi mới và hội nhập thành công đã dạy chúng ta rằng dân tộc ta với gần 100 triệu dân tràn đầy sức trẻ và sức sáng tạo, hoàn toàn có thể trở thành một quốc gia tiền phong trong một số lĩnh vực thế mạnh của nông nghiệp.
Nếu vấn đề đổi mới nông nghiệp được nghiên cứu và hoạch định thông minh; nếu quyết sách đổi mới NN trở thành lý trí của quốc gia, dân tộc; nếu lợi ích cá nhân của người nông dân sản xuất nhỏ, lợi ích địa phương và lợi ích nhóm, phục tùng lợi ích quốc gia; nước ta hoàn toàn có thể trở thành một nước nông nghiệp thông minh, tiên phong trên thế giới.
|