Hàng ngàn vụ vi phạm đê điều, khó xử lý
14:59 - 09/11/2016
Ở ĐBSCL, kênh rạch chi chít, ngoài ra có hàng chục ngàn km đê biển, đê sông và bờ bao ven các kênh rạch nội đồng. Với đặc điểm là địa hình vùng đất thấp, nền đất yếu...

Với đặc điểm là địa hình vùng đất thấp, nền đất yếu, bên cạnh hiện tượng mưa bão, ngập lụt cùng với tác động dòng chảy gây xói lở, nhiều địa phương trong vùng còn báo động tình trạng vi phạm đê điều tồn tại dai dẳng hiện chưa có biện pháp xử lý.
 

Vi phạm phức tạp

Do lịch sử kiến tạo, ĐBSCL xưa kia không có đê. Hệ thống đê biển, đê sông ở ĐBSCL được hình thành, nhiều nhất là trong giai đoạn phát triển kinh tế- xã hội từ sau năm 1975.

16-13-56_nh-o-xy-ln-chiem-song-rch-o-tp-cn-tho-nh-hd
Nhà ở xây lấn chiếm sông rạch ở TP Cần Thơ
 

Đặc biệt sau những năm thiên tai, bão lụt lớn (1978, 2000…), sóng thần (1992) và triều cường…, Nhà nước và một số tỉnh trong vùng đã đầu tư xây dựng, hình thành hàng chục ngàn km đê sông, đê biển, đê bao các kênh, rạch nội đồng nhằm ngăn mặn, triều cường và gió bão bảo vệ an toàn cho người dân, đồng thời xây dựng cơ sở hạ tầng đường nông thôn và phục vụ SX nông nghiệp.

Do đặc điểm sinh cư, dân miền Tây bao đời nay thường dựng nhà dọc theo sông, rạch để thuận tiện “tiền lộ, hậu sông” hướng cửa nhà ngó ra mặt lộ, sau nhà cơi nới sàn hoặc kè lấn ra mé sông. Ở đầu nguồn sông Hậu, sông Tiền như các tỉnh An Giang, Đồng Tháp sau khi xây dựng các tuyến đê vượt lũ và nhất là từ khi có phong trào làm lúa vụ 3 (lúa thu đông), các tuyến dân cư vượt lũ, nhà cất nhà dọc theo bờ đê, trên đê khá phổ biến.

Trong khi đó ở các tỉnh vùng hạ lưu như tỉnh Vĩnh Long, TP Cần Thơ địa hình đất thấp, không có hệ thống đê lớn cấp 1, cấp 2 (như vùng đồng bằng sông Hồng), phần lớn là đê bao nội đồng, bờ bao thời vụ. Ở các tỉnh, thành này vi phạm đê điều chủ yếu là cất nhà vi phạm hành lang an toàn đê hay dựng nhà sàn, cơi nới bờ kè lấn dòng chảy sông, rạch tập trung nhiều quanh các trung tâm chợ xã, thị trấn, thị tứ.

Trong 10 năm qua tình trạng vi phạm đê điều ở nhiều địa phương trong vùng thường xuyên xảy ra. Mức độ vi phạm ngày càng nghiêm trọng khiến các cơ quan quản lý thủy lợi, các trạm vận hành công trình thủy nông địa phương phải lên tiếng báo động.

Theo Chi cục Thủy lợi Sóc Trăng, từ năm 1994 đến năm 2000 tỉnh này đã xây dựng 94 km đê biển, hơn 81 km đê sông và 83 km đê bao cồn. Trong quá trình sử dụng đến nay đã có 15 km tuyến đê biển thuộc huyện Trần Đề được nâng cấp thành quốc lộ Nam sông Hậu. Còn lại các tuyến đê biển thuộc địa phận thị xã Vĩnh Châu, đê bao cồn cù Lao Dung được thường xuyên kiểm tra những điểm xung yếu, thấp trũng để có kế hoạch bồi trúc, sửa chữa nhằm chủ động ngăn mặn, lũ, triều cường và an ninh quốc phòng.

Thế nhưng sau 10 năm thực hiện Luật Đê điều và các Nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành có hiệu lực, tỉnh Sóc trăng đã kiểm tra phát hiện hơn 3.640 trường hợp vi phạm phạm vi bảo vệ đê và cống dưới đê, chủ yếu như cất nhà, kinh doanh trong phạm vi chỉ giới đê; trồng cây trên mặt đê, đào ao nuôi tôm cách chân đê khoảng 10 m, trồng trụ điện trên mặt đê, đặt bọng qua đê lấy nước nuôi tôm…

Tương tự trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu có tuyến đê biển Đông dài hơn 52 km; hai tuyến kè Gành Hào và kè Nhà Mát tổng chiều dài là 4,5km.

Ngoài ra Hạt quản lý đê điều Bạc Liêu còn quản lý một số đoạn kè hai bên bờ sông Cà Mau - Bạc Liêu dài 10km; kè bờ kênh 30/4 dài 552m...Tính ra trong 10 năm qua tổng các vụ vi phạm hành lang bảo vệ tuyến đê biển Đông là hơn 1.000 trường hợp. Trong đó, vi phạm nằm ở phía đồng hơn 450 vụ, phía biển 560 vụ.

16-13-56_thuy-loi-xy-dp-de-bo-noi-dong-o-dbscl-nh-hd-1
Xây dựng đê kè chắn sóng bảo vệ mũi Cà Mau
 

Trong các vụ vi phạm trên, đa phần là những người dân sống dọc hai bên hành lang đê xây cất nhà cửa (chủ yếu là nhà cấp 4 và nhà tạm, chòi canh tôm) và phần đa rơi vào các hộ nghèo. Ngoài ra cũng có một vài trường hợp vi phạm khác, như đào ao nuôi trồng thủy sản; cắm hàng cột điện trên mái đê và trong hành lang bảo vệ đê; trồng rau màu, cây chuối trên mái đê và sát chân đê.
 

Vì sao khó xử lý?

Ông Bùi Quang Minh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi TP Cần Thơ, thừa nhận có tình trạng xây cất nhà vi phạm đê, lấn bờ sông, kênh rạch vừa qua và hiện vẫn còn đang xảy ra rải rác ở các địa phương. Trong khi lực lượng thanh tra chuyên ngành nông nghiệp vừa mới thành lập. Riêng Chi cục Thủy lợi biên chế nhân sự ít, vừa qua tuy đã tập huấn nghiệp vụ thanh tra cho cán bộ nhưng chưa phối hợp cùng lực lượng thanh tra của ngành cùng với địa phương kiểm tra chặt chẽ.

Theo ông Lê Văn Hiểu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, trong tổng số hơn 3.640 vụ vi phạm đê điều đến nay tỉnh mới xử lý được 474 vụ, còn tồn đọng 3.170 vụ chủ yếu là hộ nghèo, hộ từ nơi khác đến sinh sống, không có đất để di dời.

Vừa qua những trường hợp vi phạm cơ quan quản lý đê điều đã cùng với địa phương cụ thể là UBND xã đã lập biên bản vi phạm (cam kết di dời, khắc phục trả lại hiện trạng ban đầu).

Tuy nhiên việc xử lý chỉ dừng lại mức độ nhắc nhở, di dời, có một vài trường hợp áp dụng hình thức xử phạt bằng tiền, nhưng không nhiều, vì những hộ vi phạm đều là hộ nghèo, không đất SX. Mặt khác, do đất hành lang bảo vệ đê điều còn thuộc quyền sử dụng của người dân nên việc xử lý vi phạm cũng gặp nhiều khó khăn.

16-13-56_xy-dung-de-ke-chn-song-bo-ve-mui-c-mu-nh-hd
Thủy lợi xây đắp đê bao nội đồng ở ĐBSCL
 

Mặt khác, về nhân lực quản lý đê điều, đến nay tỉnh Sóc Trăng chưa thành lập được lực lượng quản lý đê nhân dân. Bộ phận chuyên trách quản lý đê chính là Chi cục Thủy lợi Sóc Trăng (có 12/13 biên chế) cùng với sự tham gia của đơn vị quản lý, khai thác đóng trên địa bàn địa phương. Do vậy công tác thanh tra chuyên ngành, kiểm tra vi phạm phạm vi công trình thủy lợi và đê điều chưa được thực hiện thường xuyên, liên tục.

Trên địa bàn tỉnh, từ tháng 5/2009 Bạc Liêu đã thành lập Hạt Quản lý đê điều, đến nay công tác quản lý và bảo vệ đê điều đã đi vào ổn định, việc bố trí cán bộ để quản lý trong từng đoạn đê tương đối chặt chẽ, các hoạt động vi phạm hành lang bảo vệ đê điều đa số được phát hiện kịp thời. Dù vậy vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc trong khâu xử lý vi phạm hành chính các vi phạm hành lang bảo vệ đê.

Thời gian qua, việc giải quyết các vụ việc vi phạm pháp luật về đê điều tại Bạc Liêu mới được 5 trường hợp, các trường hợp còn lại vẫn chưa dứt điểm (đa số là các trường hợp xây cất nhà cửa). Việc giải quyết các trường hợp vi phạm hành lang bảo vệ đê chỉ giới hạn ở mức lập biên bản và yêu cầu đình chỉ ngừng hoạt động xây cất. Tuy nhiên, vi phạm vẫn diễn ra không ngừng.

Theo Sở NN-PTNT Bạc Liêu, Luật Đê điều cấm hoạt động “Sử dụng xe cơ giới vượt quá tải trọng cho phép đi trên đê” nhưng Thanh tra ngành nông nghiệp không có cơ sở pháp lý để xử lý xe cơ giới chạy quá tải qua cầu trên đê.

Bên cạnh đó, một số hoạt động vi phạm được quy định (theo Nghị định số 139/2013/NĐ-CP ngày 22/10/2013 của Chính phủ), đưa ra mức phạt từ 30 triệu đến 50 triệu cho hoạt động xây dựng công trình, nhà ở. Thế nhưng vi phạm trong hành lang bảo vệ đê điều trên địa bàn Bạc Liêu chủ yếu là nhà tol, nhà lá, lều, quán (chi phí xây dựng các loại nhà này ít hơn mức xử phạt).

Điểm yếu nhất mà cơ quan quản lý đê điều tại các địa phương trong vùng âu lo, đó là thực trạng một số chính quyền địa phương có tuyến đê trực tiếp đi qua vẫn còn xem nhẹ công tác quản lý nhà nước về đê điều, chưa nhận thức cao về quyền và trách nhiệm đối với lĩnh vực đê điều theo luật đã quy định. Do đó, chính quyền địa phương chưa xử lý nghiêm các hoạt động vi phạm hành lang bảo vệ đê, nên dẫn đến việc vi phạm phát sinh ngày càng nhiều.

ĐBSCL đã xây dựng 450 km đê biển, 1.290 km đê sông và 7.000 km bờ bao ven các kênh rạch nội đồng để ngăn mặn, triều cường và sóng bão cho vùng ven biển. Bên cạnh 200 km đê bao giữ nước cho các khu vườn quốc gia, ở vùng ngập lũ đã hình thành hệ thống đê, bờ bao với tổng chiều dài 13.000 km, trong đó có 7.000 km bờ bao chống lũ tháng 8 để bảo vệ lúa thu đông.

 

HỮU ĐỨC
Nguồn: NNVN
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo