Những quyết sách vẫn còn xa thực tế nông dân Hà Nội
14:59 - 12/12/2016
Mọi thứ vẫn chưa đạt được như kỳ vọng trong đó có một phần lý do là các quyết định về chính sách hỗ trợ cho nông nghiệp, nông thôn nhưng vẫn còn “treo” trước mắt nhiều người, không thể với tới...
Trong nuôi trồng thủy sản, cơ giới hóa góp phần giảm công nặng nhọc

Tổng kinh phí đầu tư cho chương trình cơ giới hóa trên địa bàn thành phố từ năm 2013 - 2016 là 268.209.000.000đ. Trong đó ngân sách thành phố, huyện hỗ trợ 55.809.000.000đ chiếm 20,8%, vốn của nông dân 212.400.000.000đ chiếm 79,2% và vốn vay các tổ chức tín dụng 52.319.000.000đ (24,6%).

Việc đầu tư cơ giới hóa đã góp phần làm tăng năng suất cây trồng, vật nuôi từ 10 - 15%; giảm chi phí sản xuất từ 0,7 - 2,8 triệu đồng/ha/vụ sản xuất, giảm tổn thất sau thu hoạch từ 2 - 3%, đảm bảo tính thời vụ, nâng cao năng suất và chất lượng nông sản, tăng thu nhập cho người sản xuất. Hiệu quả đầu tư cơ giới hóa vào sản xuất tăng từ 1,15 - 1,2 lần so với lao động thủ công.

Ngoài ra, cơ giới hóa còn góp phần giải phóng sức lao động, giảm bớt áp lực của việc thuê mướn nhân công, đặc biệt trong lúc thời vụ. Là động lực cho sản xuất tập trung quy mô lớn, tích tụ ruộng đất, làm thay đổi thói quen làm nhỏ lẻ, manh mún của người dân, góp phần giảm chi phí và tăng năng suất lao động. Thành công của đề án là đã bước đầu tạo được lòng tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước về nông nghiệp, nông dân và nông thôn.

Tuy nhiên mọi thứ vẫn chưa đạt được như kỳ vọng trong đó có một phần lý do là các quyết định về chính sách hỗ trợ cho nông nghiệp, nông thôn nhưng vẫn còn “treo” trước mắt nhiều người, không thể với tới. Cụ thể quyết định số 16 của UBND thành phố Hà Nội ban hành với mục đích thí điểm một số chính sách phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng hạ tầng nông thôn giai đoạn 2012 - 2016.

Theo đó, ngân sách thành phố sẽ hỗ trợ 100% lãi suất vay vốn tín dụng theo mức lãi suất của Ngân hàng NN-PTNT tại thời điểm ký hợp đồng tín dụng vay vốn, thời gian hỗ trợ tối đa là 3 năm, mức vốn vay tối đa được hỗ trợ lãi suất 100% giá trị sản phẩm.

Thế nhưng trong 4 năm từ năm 2013 - 2016 mới chỉ có 122 hộ vay vốn ngân hàng, mua 140 máy (trong đó 80 máy gặt đập liên hợp, 32 máy làm đất >20HP, 28 máy cấy). Tính đến thời điểm 30/6/2016 đã hỗ trợ tiền lãi suất ngân hàng là 4.327.473.000đ.

Năm 2016, thực hiện Quyết định 68 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ giảm tổn thất trong sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ 100% lãi suất vốn vay ngân hàng trong 30 tháng để đầu tư mua máy, thiết bị cơ giới hóa nông nghiệp. Các tổ chức, các nhân trên địa bàn thành phố đã hỗ trợ vay vốn mua 345 máy gặt đập liên hợp, 72 máy làm đất >20HP, 16 máy cấy, với số tiền vay 212 tỷ của Ngân hàng NN-PTNT để mua máy.

Chính sách của Trung ương còn chậm, chưa sát thực tế trong tình hình phát triển của các địa phương và tình hình thực tế của sản xuất nông nghiệp. Chính sách của thành phố đã ban hành nhưng còn thiếu thực tế, mặc dù nhu cầu đầu tư cơ giới hóa vẫn tăng nhưng không được người dân tiếp nhận, do chính sách hỗ trợ trực tiếp thấp, vay vốn ngân hàng khó khăn, tổ chức triển khai chính sách chậm.

Với việc hỗ trợ 100% lãi suất vốn vay ngân hàng, hàng tháng nông dân phải trả một phần vốn vay và lãi suất theo quy định của ngân hàng, nên không khuyến khích được nông dân đầu tư vào phát triển cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp. Thêm vào đó, một số chi nhánh thuộc Ngân hàng NN-PTNT chưa muốn cho các hộ nông dân vay vốn để đầu tư mua máy, thiết bị cơ giới hóa nông nghiệp vì vốn vay lớn mà sản xuất nông nghiệp thường gặp rủi ro nên nông dân khó tiếp cận vay vốn.

Trong định hướng cơ giới hóa đến năm 2020, Hà Nội đặt mục tiêu rất cao là đối với trồng trọt: Làm đất nâng tỷ lệ cơ giới hóa lên trên 95%; Cấy nâng tỷ lệ cơ giới hóa khâu cấy lên 40%; Phun thuốc bằng máy lên 80%; Thu hoạch nâng tỷ lệ cơ giới hóa khâu gặt đập lên 60%. Tổ chức xây dựng mô hình thí điểm cơ giới hóa đồng bộ từ làm đất, gieo cấy, chăm sóc, thu hoạch, sơ chế, phơi sấy bảo quản sau thu hoạch đến tiêu thụ sản phẩm cho người sản xuất, thực hiện ở một số huyện trọng điểm trên địa bàn thành phố.

Đối với ngành chăn nuôi: Bò sữa, nâng tỷ lệ cơ giới hóa khâu thái cỏ lên 90%; vắt sữa lên 90%; Lợn, làm mát chuồng trại đạt 30%; Hệ thống cho ăn bán tự động, uống tự động đạt 50%; Thiết bị xử lý ô nhiễm môi trường đạt 50%; Máy phát điện chạy bằng khí gas đạt 20%; Máy phun thuốc phòng chống dịch bệnh có động cơ hoặc nạp điện đạt 50%...

Chính vì vậy mà thành phố càng cần phải có những chính sách hỗ trợ nông nghiệp, nông thôn, nông dân gần với “tầm với” của dân hơn nữa.

VÂN ĐÌNH
Nguồn: NNVN
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo