Chủ động nguồn nguyên liệu cá tra cho xuất khẩu
17:55 - 05/12/2016
(TNNN) - Trong 10 tháng đầu năm 2016, sản lượng thu hoạch cá tra ở các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long đã tăng 9,1%, tuy nhiên, theo dự báo của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), các doanh nghiệp cá tra vẫn thiếu nguyên liệu cho xuất khẩu trong thời gian tới.
Hiện nguồn cá tra trong nước không đủ cho chế biến và xuất khẩu

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích nuôi cá tra từ tháng 10 đã tăng trở lại. Sau 10 tháng, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đã thả nuôi 5.352 ha, tăng 4% so với cùng kỳ. Sản lượng thu hoạch ước đạt 996.000 tấn, tăng 9,1% với cùng kỳ năm ngoái. Giá cá tra ở đồng bằng sông Cửu Long liên tục tăng mạnh, ở mức 22.200-22.500 đồng/kg. 


Mặc dù vậy, theo dự báo của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, các doanh nghiệp cá tra vẫn thiếu nguyên liệu cho xuất khẩu trong thời gian tới. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và PTNT, 9 tháng đầu năm 2016, số lượng cá giống nuôi ước đạt gần 1,4 tỷ con, giảm 11% so với cùng kỳ năm 2015. Sản lượng thu hoạch tăng, diện tích nuôi giảm, thiếu cá giống… Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu dự đoán, có thể từ nay đến hết tháng 2/2017, lượng cá tra nuôi tại đồng bằng sông Cửu Long không đủ cho chế biến và xuất khẩu. Do nguồn cung thiếu nên giá cá tra sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. 


Cũng theo VASEP, hết tháng 9/2016, tổng sản lượng cá tra thu hoạch của vùng ĐBSCL đã đạt 860,9 nghìn tấn. Như vậy, quý IV cuối năm chỉ còn chưa đầy 300 nghìn tấn cá nguyên liệu. Như vậy, dự kiến, các DN cá tra sẽ thiếu nguyên liệu cho xuất khẩu. Tại Đồng Tháp, cho đến cuối tháng 10/2016, giá cá giống đã tăng 7.000 – 9.000 đồng so với thời điểm 3 tháng trước đó nhưng lượng cá giống ước hụt từ 15-20% so với cùng kỳ năm trước.


Thiếu hụt nguồn cung cộng với thời tiết diễn biến thất thường cũng là những nguyên nhân đẩy giá cá tra tại ĐBSCL tăng mạnh, theo thống kê của Sở NN và PTNT Tiền Giang, cuối tháng 10/2016, giá cá tra nguyên liệu có thời điểm lên đến 21.000 – 22.500 đồng/kg, tăng từ 2.000 – 3.000 đồng/kg so với tháng 9/2016.


Theo phản ánh của một số doanh nghiệp tại Cần Thơ, hiện nay, trong khi nguồn nguyên liệu cá tra cho chế biến bị thiếu hụt thì lại xuất hiện hiện tượng Trung Quốc tìm kiếm và thu mua cá tra cỡ nhỏ từ 350 – 400 gam/con.


Hiện nay, nguyên liệu chế biến thủy sản thiếu khoảng 30-40% đang là trở ngại lớn cho các doanh nghiệp XK thủy sản. Do đó, cần tăng cường nguồn nguyên liệu nhập khẩu nhằm khắc phụ những hạn chế này.


Để ngành cá phát triển bền vững và đáp ứng trước những cơ hội, thách thức hiện nay, việc cải thiện chất lượng, hình ảnh sản phẩm và xây dựng thương hiệu là rất cần thiết. Do vậy, cần thúc đẩy cạnh tranh và tái cấu trúc ngành hàng cá tra.


Thực hiện liên kết, hộ nuôi có thể yên tâm về đầu ra của nguyên liệu và lãi cao thấp tùy vào năng lực quản lý kỹ thuật của nông hộ. Tuy nhiên, liên kết với doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu hiện nay chưa thực sự bền vững vì sau khi thu hoạch xong doanh nghiệp có thể không đầu tư lại cho người nuôi vụ tiếp theo.


Thúc đẩy môi trường cạnh tranh được thực hiện ở tất cả các phân khúc từ hộ nuôi, khu vực giống, chế biến và các ngành dịch vụ hỗ trợ. Nhà nước cần hỗ trợ ở những khâu doanh nghiệp hiện nay chưa làm được như nghiên cứu về giống, bảo vệ giống – gen, nghiên cứu công nghệ - kỹ thuật. Tái cấu trúc ngành hàng cá tra thực hiện ở các khâu: thị trường, sản phẩm, chất lượng, quản trị doanh nghiệp…


Cùng với đó, xây dựng và phát triển cụm ngành, chuỗi ngành cá tra, phát triển các liên kết dọc. Chuỗi ngành đi từ khâu sản xuất giống đến khâu tiêu thụ cuối cùng là bán lẻ đến người tiêu dùng. Cụm ngành là một số phân khúc của chuỗi ngành, cùng với các ngành liên quan hay các hoạt động dịch vụ hỗ trợ.


Ngành cá tra cần phải tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị, thực hiện việc cấp mã số ao nuôi, áp dụng đăng ký nuôi cá tra thương phẩm, hợp đồng thu mua nguyên liệu với người nuôi và xác nhận hợp đồng xuất khẩu nhằm bảo đảm sản xuất theo quy hoạch, kế hoạch và thích ứng nhanh với thị trường.


Ngành cá tra cũng cần sản xuất theo hướng gắn kết chặt chẽ và bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các khâu nuôi, thu mua, chế biến và xuất khẩu; trong đó tổ chức lại các hộ nuôi cá tra theo nhóm hộ, hợp tác xã, tổ hợp tác… gắn với việc ứng dụng nuôi VietGAP và các chứng nhận nuôi quốc tế.


Tổ chức các cơ sở chế biến, tiêu thụ gắn với các vùng sản xuất nguyên liệu và nhu cầu của từng thị trường. Cùng với đó, khuyến khích doanh nghiệp chế biến là trung tâm trong liên kết chuỗi giá trị./.
Minh Lâm
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo