Bến Tre mong muốn được hỗ trợ xây dựng một số dự án ngăn mặn, trữ ngọt
Bến Tre là một trong những tỉnh bị thiệt hại nặng nhất trong đợt hạn mặn vừa qua, ước tổng giá trị bị thiệt hại gần 2.000 tỷ đồng (tương đương với tổng thu ngân sách của tỉnh/năm). Đặc biệt trong bối cảnh diễn biến của biến đổi khí hậu ngày càng bất thường và khó sự đoán, nền sản xuất nông nghiệp của Bến Tre càng dễ bị tổn thương.
|
Gia đình chị Phạm Thị Hồng Nhung, ấp Bến Nò, xã Mỹ Hoà, huyện Ba Tri đã xây 23 ống hồ chứa nước mưa dùng để nấu ăn, tắm giặt đủ trong một năm. Ảnh: Huỳnh Phúc Hậu |
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Hữu Phước cho biết, Bến Tre được xác định không có nguồn nước ngầm, hệ thống ngọt hóa chưa được khép kín, ý thức của người dân và nhận thức về biến đổi khí hậu còn nhiều hạn chế, đa số các hoạt động sản xuất và sinh hoạt đều sử dụng nguồn nước mặt (nước sông, kênh, rạch). Nguồn nước ngọt cung cấp thiếu cho vùng bị nhiễm mặn và dự báo tình hình biến đổi khí hậu tiếp tục diễn biến khó lường.
Do vậy, để nhằm hạn chế và khắc phục các khó khăn, Bến Tre đã và đang đẩy mạnh một số biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu: nâng cao nhận thức của người dân và năng lực quản lý của các cấp chính quyền để thích ứng với biến đổi khí hậu. Từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho phù hợp với tình hình, hướng dẫn người dân sử dụng các giống cây trồng, vật nuôi chịu mặn. Thường xuyên theo dõi, quan trắc tình hình xâm nhập mặn trên các sông chính trong tỉnh và trong nội đồng để kịp thời chỉ đạo công tác phòng chống, ứng phó hiệu quả. Trong từng lúc, khi có nước ngọt phù hợp, kịp thời thông báo để người dân thực hiện tháo nước mặn trong nội đồng, rửa mặn và dự trữ nước để sử dụng. Tăng cường vận động nhân dân trang bị các dụng cụ trữ nước ngọt, đủ cho sinh hoạt trong gia đình vào mùa khô, huy động mọi nguồn lực để hỗ trợ dụng cụ chứa nước cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo,…
Về lâu dài, tỉnh Bến Tre rất mong muốn nhận được các nguồn hỗ trợ kinh phí đầu tư một số dự án ngăn mặn, trữ ngọt phục vụ sản xuất, dân sinh như: hoàn chỉnh các hạng mục cống thuộc dự án Thủy lợi Bắc Bến Tre nhằm đưa tuyến sông Ba Lai với chức năng trữ nước cấp cho khu vực Bắc Bến Tre (huyện Bình Đại, Châu Thành, Ba Tri, Giồng Trôm và thành phố Bến Tre); xây dựng hệ thống đường ống dẫn nước ngọt từ huyện Chợ Lạch hoặc tỉnh Vĩnh Long về cấp cho khu vực các huyện Chợ Lách, Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc và Thạnh Phú phục vụ cho sinh hoạt, sản xuất; xây dựng đập, cống phân đoạn các tuyến sông, kênh thành hồ trữ nước ngọt nhằm cấp nước cục bộ cho các huyện ven biển Ba Tri, Thạnh Phú và Bình Đại.
Ông Đoàn Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, theo kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng ở Bến Tre đến năm 2020 lượng mưa trung bình 1,496mm/năm tăng đến năm 2050 là 1,522mm/năm; nhiệt độ trung bình là 27,3 độ C, nhiệt độ tăng 1 độ C trong giai đoạn từ năm 2020 – 2050. Đến năm 2050, mực nước biển dâng 30cm khiến khoảng 15,39% diện tích tỉnh chịu tác động.
Hạn hán xâm nhập mặn ngày càng gay gắt hơn, gây ra tình trạng thiếu nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt trầm trọng, đặc biệt vào các tháng mùa khô (tháng 11 – tháng 6 hàng năm). Cuối năm 2015 đầu năm 2016 hiện tượng El Nino kết hợp với việc khan hiếm nước từ thượng nguồn sông Mekong và biến đổi khí hậu, nước biển dâng khiến cho tỉnh Bến Tre bị khô hạn và xâm nhập mặn nghiêm trọng trong 100 năm qua. Xâm nhập mặn 4‰ vào 70km từ cửa sông, nồng độ mặn cao nhất đo được 31,5‰, nồng độ mặn 1‰ bao phủ toàn tỉnh. Ảnh hưởng của hạn hán xâm nhập mặn khiến gần 20.000ha lúa Đông Xuân bị thiệt hại gần 100%; 6.000ha hoa màu, cây ăn trái và 475ha nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng; trên 88.000 hộ dân thiếu nước ngọt sinh hoạt và 400 doanh nghiệp thiếu nước ngọt sản xuất.
Theo kịch bản xâm nhập mặn đến năm 2050, ở Bến Tre xâm nhập mặn 4 ‰ sẽ bao trùm toàn tỉnh vào mùa khô. Tác động của hiện tượng El Nino với chu kỳ khoảng từ 5 – 10 năm có thể sẽ gây ra một đợt khô hạn, xâm nhập mặn gay gắt và kéo dài./.