Mối nguy dịch bệnh gia tăng, chất lượng giảm từ vỡ quy hoạch hồ tiêu
14:59 - 12/12/2016
Với việc giá hồ tiêu tăng cao, diện tích hồ tiêu theo đó cũng đang tăng chóng mặt. Việc ồ ạt mở rộng diện tích trước tín hiệu thị trường ngắn hạn mà thiếu đầu tư cho kỹ thuật SX và canh tác đã và đang tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên hồ tiêu.

Theo Cục BVTV, tổng diện tích nhiễm bệnh chết nhanh hại cây hồ tiêu hiện khoảng 1.360ha (chiếm 1,3% tổng diện tích hồ tiêu cả nước), trong đó nhiễm nhẹ là 893ha, nhiễm trung bình là 316ha và diện tích nhiễm nặng 142ha, gây chết 45ha trong năm 2016 (tập trung ở Phú Yên, Lâm Đồng, Đăk Nông và Gia Lai). Bệnh gây hại nhiều ở 4 tỉnh là Gia Lai, Đăk Nông, Bình Phước, Đồng Nai.

Đối với bệnh chết chậm, tổng diện tích nhiễm bệnh hiện nay ở 9 tỉnh trọng điểm vẫn còn 5.135,5ha (chiếm 5,1% tổng diện tích trồng hồ tiêu), trong đó diện tích nhiễm nhẹ là 2.817,8ha, nhiễm trung bình 1.333,5ha, diện tích nhiễm nặng là 984,2ha, làm chết 79ha ở các tỉnh Phú Yên, Đăk Nông và Gia Lai. Diện tích nhiễm tập trung cao nhất ở các tỉnh Gia Lai với 3.040ha (nhiễm nặng 926ha).

Trao đổi với NNVN, ông Hoàng Trung - Cục trưởng Cục BVTV, cho biết: Mặc dù so sánh với năm 2014 và 2015, tổng diện tích nhiễm bệnh chết nhanh, chết chậm năm 2016 giảm 4.000ha, tuy nhiên diện tích nhiễm nặng vẫn tương đương năm 2015 và diện tích tiêu chết tăng nhẹ so với năm 2015.

17-06-54_dscf2038
Ông Hoàng Trung - Cục trưởng Cục BVTV
 

Đặc biệt, do giá tiêu năm 2016 tăng cao, trong khi nhiều loại bệnh trên hồ tiêu khó phòng trừ nên có tình trạng nông dân sử dụng nhiều thuốc BVTV để bảo vệ năng suất mà chưa chú trọng tới các giải pháp canh tác và phòng trừ bệnh bền vững.

Không chỉ tại Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, tại Bình Thuận thời gian qua cũng xảy ra tình trạng hồ tiêu bị chết vì bệnh. Ông có cảnh báo nào về tình hình dịch bệnh trên hồ tiêu trong thời gian tới?

Thẳng thắn mà nói thì thời gian qua, không một cây trồng nào mà ngành nông nghiệp lại vất vả trong phòng chống dịch bệnh như hồ tiêu.

Bộ NN-PTNT nói chung và các cơ quan của Cục BVTV phải thường xuyên tăng cường nhân lực phối hợp với các địa phương trong chỉ đạo đốc thúc, tổ chức nhiều hội nghị, cuộc họp triển khai phòng chống cho hồ tiêu ở khắp các vùng trồng trọng điểm, nhất là Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.

Nhờ đó, diện tích nhiễm bệnh tại các vùng hồ tiêu trọng điểm nhìn chung là giảm mạnh. Tuy nhiên, có một thực tế là diện tích hồ tiêu nhiều nơi bung ra quá lớn, tình trạng vượt quy hoạch diễn ra nhiều nơi khiến công tác triển khai phòng chống dịch bệnh hết sức khó khăn.

Chẳng hạn như Bình Thuận, đây không phải là vùng trồng hồ tiêu trọng điểm, nhưng tình trạng vượt quy hoạch vẫn xảy ra, cộng với tình hình thời tiết mưa lớn bất thường thời gian qua ở khu vực này cũng có thể là nguyên nhân tạo điều kiện khiến bệnh chết nhanh, chết chậm bùng phát mạnh.

Tại nhiều tỉnh khác tại Tây Nguyên, tình trạng hồ tiêu vượt quy hoạch cũng rất gay gắt. Có thông tin tổng diện tích hồ tiêu cả nước tới năm 2016 đã vượt trên 100 nghìn ha, gấp đôi so với quy hoạch tới năm 2020 của Bộ NN-PTNT là chỉ có 50 nghìn ha. Một số tỉnh Tây Nguyên như Đắk Nông vượt 3 lần quy hoạch, Gia Lai vượt quy hoạch trên 3.000ha…

Việc diện tích hồ tiêu tăng quá nhanh, cộng với giá tăng khiến nông dân càng tăng cường sử dụng phân bón, thuốc BVTV với hi vọng đạt năng suất cao nhất, trong khi khâu kỹ thuật SX, phòng trừ bệnh thiếu khoa học khiến dư lượng thuốc BVTV trên tiêu cũng đáng lo ngại.

Cụ thể, có cảnh báo nào từ các thị trường XK hồ tiêu về tình trạng dư lượng thuốc BVTV không thưa ông?

Kết quả tổng hợp cảnh báo EU do Văn Phòng SPS Việt Nam cung cấp từ tháng 1/2015 đến 6/2016 có cho thấy có 17 trường hợp hồ tiêu Việt Nam XK sang EU đã bị phát hiện dư lượng của 9 loại hoạt chất BVTV vượt mức quy định gồm Hexaconazole, Diafenthiuron, Chlorfenapyr, Carbofuran, Ethylene oxide, Methamidophos, Acephate, Metalaxyl, đặc biệt là Carbendazim.

17-06-54_chet
Việc mở rộng diện tích hồ tiêu cần đi đôi với nắm vững quy trình, kỹ thuật SX
 

Trong khi đó, quy định về dư lượng hóa chất (MRLs) đối với hồ tiêu XK vào thị trường châu Âu hiện nay có tới 468 loại hoạt chất, do vậy việc kiểm soát sử dụng thuốc BVTV trên hồ tiêu là vô cùng phức tạp. Đặc biệt đối với Carbendazim, nhiều nơi phát hiện hoạt chất này trên mẫu hồ tiêu vượt mức qui định rất cao, mà nguyên nhân gây dư lượng có thể đang nằm ở giai đoạn thu hoạch hoặc bảo quản hồ tiêu.

Việc các doanh nghiệp XK chưa có vùng nguyên liệu hoặc vùng nguyên liệu không đáp ứng sản lượng, phải thu gom tại các nông hộ hoặc các thương lái thu gom khiến việc kiểm soát việc sử dụng thuốc đúng quy định cũng như truy xuất nguồn gốc để xử lý và giảm thiểu nguy cơ về dư lượng thuốc trong hồ tiêu gặp nhiều khó khăn.

Ông có khuyến cáo nào cho các địa phương thời gian tới để hạn chế tình trạng bùng phát dịch bệnh hồ tiêu?

UBND các tỉnh cần chỉ đạo địa phương tăng cường tập huấn, cung cấp quy trình SX hồ tiêu bền vững và quy trình quản lý bệnh hại tiêu (bản in) đảm bảo đến từng hộ nông dân trồng tiêu; có cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện cho các DN xuất khẩu đầu tư, liên kết với nông dân để phát triển sản xuất hồ tiêu an toàn. Các tỉnh cũng cần sớm ban hành cơ chế khuyến khích thành lập các HTX, tổ hợp tác, tổ dịch vụ… để hình thành diện tích SX lớn theo cùng quy trình…

Xin cảm ơn ông!

LÊ BỀN
Nguồn: NNVN
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo