Đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp vùng ĐBSCL
17:55 - 05/12/2016
(TNNN) - Tái cơ cấu nông nghiệp là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta, đây là một quá trình lâu dài, là bộ phận quan trọng của tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế. Tái cơ cấu nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long đã và đang đặt ra nhu cầu bức thiết, không chỉ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng nông sản và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp mà còn phải thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng bền vững là mục tiêu trong những năm tiếp theo

Năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 899/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”. Một trong những quan điểm của Đề án là tăng cường sự tham gia của tất cả các thành phần kinh tế, xã hội từ trung ương đến địa phương trong quá trình tái cơ cấu ngành; đẩy mạnh phát triển đối tác công tư (PPP) và cơ chế đồng quản lý, phát huy vai trò của các tổ chức cộng đồng. Nông dân và doanh nghiệp trực tiếp đầu tư đổi mới quy trình sản xuất, công nghệ và thiết bị để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và sử dụng tài nguyên hiệu quả hơn.


Đề án đưa ra định hướng chung trên ba khía cạnh kinh tế, xã hội, môi trường trong thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Trong từng lĩnh vực cụ thể, Đề án xác định:


Tái cơ cấu trồng trọt theo hướng phát triển sản xuất quy mô lớn, tập trung gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị trên cơ sở phát huy lợi thế sản phẩm và lợi thế vùng, miền; cơ cấu lại hệ thống tổ chức sản xuất, thu mua, chế biến, tiêu thụ sản phẩm; khuyến khích doanh nghiệp liên kết, ký kết hợp đồng sản xuất, tiêu thụ nông sản với nông dân; phát triển các nhóm nông dân hợp tác tự nguyện, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; hỗ trợ tập huấn, khuyến nông và các dịch vụ tư vấn nhằm nâng cao kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu hoạch cho nông dân v.v...


Phát triển chăn nuôi tập trung, trang trại, gia trại; hình thành các vùng chăn nuôi xa thành phố, khu dân cư; khuyến khích áp dụng công nghệ cao, tổ chức sản xuất khép kín hoặc liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị từ sản xuất giống, thức ăn, đến chế biến để nâng cao năng suất, cắt giảm chi phí, tăng hiệu quả và giá trị gia tăng; v.v...


Tập trung sản xuất thâm canh các đối tượng nuôi chủ lực (tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá tra, rô phi, nhuyễn thể); tiếp tục đa dạng hóa đối tượng và phương pháp nuôi để khai thác cơ hội thị trường; khuyến khích nuôi công nghiệp, áp dụng công nghệ cao, quy trình thực hành nuôi tốt (GAP) phù hợp quy chuẩn quốc tế; đầu tư thiết bị, công nghệ hiện đại trong chế biến nâng cao giá trị sản phẩm; cơ cấu lại sản phẩm chế biến đông lạnh theo hướng giảm tỷ trọng các sản phẩm sơ chế, tăng tỷ trọng các sản phẩm ăn liền, giá trị gia tăng cao; mở rộng áp dụng hệ thống quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm (theo ISO, HACCP, GMP, SSOP); nghiên cứu và đầu tư ứng dụng công nghệ bảo quản trong và sau thu hoạch để giảm tỉ lệ thất thoát và xuất khẩu thủy sản sống có giá trị cao.


Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến tài nguyên nước vùng đồng bằng sông Cửu Long, việc tái cơ cấu nông nghiệp đã và đang đặt ra nhu cầu bức thiết, không chỉ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng nông sản và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp mà còn phải thích ứng với biến đổi khí hậu.


Chính vì vậy, để tiếp tục khai thác tiềm năng, lợi thế phát triển nông nghiệp của vùng và thực hiện tốt đề án, các địa phương, các Bộ, cơ quan liên quan tập trung vào một số trọng tâm sau: Tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, thủy lợi là vấn đề cấp bách của đồng bằng sông Cửu Long trước thách thức của biến đổi khí hậu, thiếu hụt nguồn nước từ thượng nguồn sông Mê Kông. Nghiên cứu xây dựng các Đề án Liên kết các tiểu vùng và vùng đồng bằng Sông Cửu Long.


Cần thực hiện đồng bộ các giải pháp tổ chức lại sản xuất, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, gắn sản xuất với tiêu thụ theo yêu cầu của thị trường; gắn công nghiệp với nông nghiệp, nông nghiệp với dịch vụ, kinh tế hộ với kinh tế hợp tác, đẩy mạnh liên kết sản xuất theo tiểu vùng và vùng đồng bằng  sông Cửu Long; sản xuất  theo chuỗi giá trị từ khâu giống, canh tác, thu hoạch, bảo quản, chế biến, đóng gói, tiêu thụ. Các địa phương tiếp tục chỉ đạo tổng kết rút kinh nghiệm, nhân rộng các mô hình đạt hiệu quả.


Thực hiện tốt công tác dự báo thị trường trong nước, thị trường quốc tế và các thị trường tiềm năng đối với các nông sản chủ lực của vùng để lập kế hoạch sản xuất, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Trên cơ sở các đề án, kế hoạch cụ thể đã được phê duyệt, cần tiếp tục nghiên cứu, phân tích, đánh giá để có căn cứ khoa học, khách quan đối với từng ngành hàng, từng loại sản phẩm về lợi thế, khả năng cạnh tranh và những khó khăn, thách thức trong tiêu thụ để điều chỉnh cho phù hợp, bảo đảm hiệu quả sản xuất.


Các địa phương cần rà soát các chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp trong thời gian tới. Từ đó, tiếp tục nghiên cứu ban hành cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư phù hợp để thu hút vốn đầu tư xã hội cho mục tiêu phát triển nông nghiệp theo đề án tái cơ cấu. Bên cạnh đó, tập trung rà soát, cập nhật quy hoạch, chủ động thực hiện có hiệu quả liên kết vùng, tiểu vùng trong quy hoạch, xây dựng kết cấu hạ tầng cho sản xuất nông nghiệp, tập trung nguồn lực, tránh lãng phí.


 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư ưu tiên bố trí ngân sách trung ương giai đoạn 2016 - 2020 cho tái cơ cấu nông nghiệp; trên cơ sở cập nhật kịch bản về biến đổi khí hậu, chủ trì rà soát quy hoạch, sử dụng đất nông, lâm nghiệp, thủy sản, quy hoạch thủy lợi cho cả vùng đồng bằng sông Cửu Long, gắn với đặc điểm của từng tiểu vùng, theo tài nguyên nước của 3 vùng: nước mặn, nước lợ và nước ngọt.


Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương nghiên cứu tổ chức thực hiện xúc tiến thương mại, thông tin thị trường; xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp; chủ trì, phối hợp với các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long xây dựng sản phẩm chủ lực về trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản để xây dựng chuỗi giá trị; xây dựng chương trình sản phẩm đặc sản để tổ chức và hỗ trợ sản xuất.


Các Bộ, ngành Trung ương tiếp tục quan tâm, hỗ trợ nguồn lực cho các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long. Hoàn thiện các cơ chế, chính sách đẩy mạnh liên kết vùng, tiểu vùng; đồng thời phối hợp, hỗ trợ các địa phương xây dựng và hoàn thiện các quy hoạch kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và quy hoạch ngành, sản phẩm chủ yếu; đề xuất sửa đổi, bổ sung những quy định phù hợp với thực tiễn của tiểu vùng và của vùng.
Hải Đăng
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo